| Hotline: 0983.970.780

Đạo diễn Đỗ Minh Tuấn: Cần vượt qua tâm lý tự ty

Thứ Sáu 29/02/2008 , 10:22 (GMT+7)

NNVN hôm qua có đăng bài "Bao giờ phim Việt đoạt giải Oscar?". Đạo diễn Đỗ Minh Tuấn, tác giả của "Vua bãi rác" - được biết đến như là bộ phim "made in Việt Nam" đầu tiên tranh giải Oscar vào năm 2003 đã bày tỏ ý kiến về vấn đề này.

Bộ phim Vua bãi rác của ông vào năm 2003, dư luận xôn xao là đại diện đầu tiên của VN tham gia tranh giải Oscar cho Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất. Nhưng khi Viện Hàn lâm khoa học và nghệ thuật điện ảnh Mỹ công bố các phim được đề  cử thì lại  không có tên phim Vua bãi rác. Có thể câu chuyện này đã cũ, nhưng xin hỏi, sự thực về vấn đề này ra sao? 

Nói cho chính xác ra thì Vua bãi rác là phim đầu tiên của  đạo diễn Bao giờ phim Việt đoạt giải Oscar? và Hãng phim trong nước được nhà nước gửi tham dự giải Oscar. Trước  đó, các đạo diễn Việt kiều cũng đã từng mượn tư cách pháp nhân của Việt Nam để gửi phim đi dự giải Oscar như Mùi đu đủ xanh, Ba mùa. Vì phim của họ do các Hãng nước ngoài sản xuất nên họ khó có cơ hội đại diện cho điện ảnh nước đó để tham dự Oscar, vì mỗi nước chỉ được phép gửi một phim tranh giải phim nói tiếng nước ngoài hay nhất tại giải điện ảnh danh giá này. Một lý do nữa khiến  Việt Nam không gửi phim trong nước sản xuất tham dự vì tâm lý tự ty.

 

Vậy lý do gì đã khiến điện ảnh  Việt Nam vượt qua tâm lý tự ty này  để  Vua bãi rác trở thành phim Việt Nam đầu tiên gửi tới giải Oscar?

 

Trong thời gian sang Mỹ 7 tháng tham gia chương trình  nghiên cứu văn hoá Việt Nam của Trung tâm WJC Đại học Masachussette do quỹ Ford tài trợ vào năm 2003, tôi đã đem theo Vua bãi rác tham dự một số LHPquốc tế lớn tại Mỹ trong đó có LHP Palm Spring là nơi chiếu hầu hết các phim sẽ dự Oscar. Vua bãi rác đã gây tiếng vang trong những người quan tâm tới điện ảnh Việt Nam ở Mỹ.

 

Nhà phê bình  điện ảnh Robert Koehler đã viết bài ca ngợi Vua bãi rác trên tờ Varyety một tờ báo chuyên ngành điện ảnh của Hoa Kỳ có 95 tuổi đời. Bài báo này (đã đăng lại trên báo Văn nghệ năm 2004) có đoạn đại  ý: mặc dù đã được LHP hưởng ứng khá rầm rĩ, nhưng buồn thay Vua bãi rác đã không được nhà nước Việt Nam gửi đi dự Oscar năm nay mặc dù không đăng ký một phim nào khác. 

 

Qua các bài báo và các cuộc tiếp xúc tôi cũng giác ngộ ra rằng cánh cửa giải Oscar mở ra cho tất cả các nước. Khi xem hàng loạt phim nước ngoài gửi dự Oscar chiếu tại LHP Palm Springs, tôi thấy nhiều phim cũng chỉ ở trình độ phim Việt Nam, thậm chí ít tính nhân văn hơn.

 

Theo các đồng nghiệp Hoa Kỳ cho biết, những thành viên của Viện Hàn lâm điện ảnh Hoa Kỳ là những người có gu khá cổ điển, thiên về tính nhân văn. Một bộ phim nước ngoài gửi dự Oscar chỉ cần được một Hội đồng quốc gia tuyển chọn và được chiếu 7 ngày tại Los Angeles.

 

Vì thế, tôi có đủ tự tin để đề nghị Cục điện ảnh và Bộ Văn hoá làm thủ tục cho Vua bãi rác dự Oscar năm 2004 theo đề nghị của các đồng nghiệp Mỹ. Khi đó một Hãng BMI của Canada đã đặt vấn đề mua bản quyền Vua bãi rác để khai thác độc quyền 10 năm ở Bắc Mỹ và Canada, họ hứa sẽ đảm nhận việc gửi phim tới Viện Hàn lâm và tổ chức chiếu phim ở Los Angeles theo quy định. Tuy nhiên, Bộ Văn hoá đã ra quyết định gửi phim đi nhưng Cục Điện ảnh lại để thất lạc bộ hồ sơ đăng ký thông tin do Viện Hàn lâm Điện ảnh Hoa Kỳ gửi đến nên Vua bãi rác đã không kịp có mặt ở Hoa kỳ đúng thời hạn quy định. Mặc dù vậy, Vua bãi rác đã tạo một tiền lệ để Việt Nam tiếp tục gửi các phim trong nước sản xuất dự giải Oscar.

 

Sau phim của ông, nhiều bộ phim trong nước hoặc là đạo diễn Việt  kiều được dư luận bàn tán đến việc tranh giải Oscar như: Mùa len trâu , Áo lụa Hà Đông, Chuyện của Pao… Nhưng rút cục cũng chỉ dừng lại ở việc “khua chiêng gõ trống”. Nhiều người cho rằng, phim Việt đoạt giải Oscar cũng chỉ là một giấc mơ lãng mạn. Ý kiến của ông ra sao?

             

Từ khi thành lập giải năm 1928 đến nay với 80 lần trao giải năm nào cũng có năm bảy chục nước gửi phim tranh giải phim nói tiếng nước ngoài hay nhất nhưng đến nay sau 80 lần trao giải mới chỉ có chỉ có gần 30 nước  có phim đoạt giải. Như vậy có ít nhất 50 nước liên tục gửi phim nhưng chưa bao giờ đoạt giải, trong đó có những nước có nền điện ảnh ở đẳng cấp cao hơn ta. Việt Nam mới rụt rè tham dự giải vài lần chưa có kết quả gì thì cũng chẳng nên dè bỉu, bi quan.

 

Đoạt giải Oscar là niềm vinh dự không chỉ riêng cho người nghệ sĩ mà cả đất nước cũng thơm lây. Xin hỏi thật, Việt Nam khi nào mới có thể đoạt giải Oscar? Và, bản thân ông và các đồng nghiệp có nghĩ  rằng, một ngày nào đó mình lên bục nhận tượng vàng Oscar?

 

Ai cũng có quyền ước mơ, nhưng  việc đoạt giải phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhiều khi ta không thể tiên liệu trước. Có thể chỉ vài năm sau Việt Nam sẽ có phim đoạt giải Oscar, cũng có thể chẳng bao giờ. Nhưng dù không đoạt giải vẫn phải tiếp tục gửi phim tham gia. Vì tham dự Oscar cũng là một sinh hoạt văn hoá mang tính hội nhập, là một dịp quảng bá cho điện ảnh Việt Nam, kích thích sự vươn lên của giới điện ảnh nước nhà. Nhiều Viện lưu trữ điện ảnh thế giới tìm mua các phim tham dự các giải lớn. Viện phim Fukuoka (Nhật ) đã mua và lưu trữ 3 phim của tôi là Ngọn đèn trong mơ, Hoa của TrờiVua bãi rác cũng vì họ được xem qua các LHP Cannes, Mongtrreal, Palm Spring, Fukuoka…mà các phim này tham dự.

 

Xin cám ơn ông!

Xem thêm
Vầng trăng thơ ấu: Phim về thời niên thiếu của Bác Hồ

Bộ phim khắc họa thời thơ ấu của Bác Hồ lúc còn là cậu bé Nguyễn Sinh Cung cùng cha mẹ vào Huế sinh sống mang tên 'Vầng trăng thơ ấu'.

Alexandre Polking - ứng viên sáng giá cạnh tranh vị trí HLV đội tuyển Việt Nam

HLV Kim Sang-sik đang được đồn thổi là tân HLV đội tuyển Việt Nam, nhưng theo thông tin mới nhất cựu HLV trưởng Thái Lan ông Polking cũng đang nằm trong tầm ngắm.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.