Chuyển thể “Bến không chồng” thành phim truyền hình “Thương nhớ ở ai”, đạo diễn Lưu Trọng Ninh (người năm 2.000 từng làm đạo diễn "Bến không chồng" phiên bản điện ảnh) cho biết, không phải ông còn điều gì chưa làm được từ “Bến không chồng” điện ảnh mà vì nhu cầu xem phim về nông thôn vẫn còn rất lớn.
Đạo diễn Lưu Trọng Ninh |
Vì sao ông chọn “Bến không chồng” để làm phim truyền hình? Phải chăng, ở phiên bản điện ảnh còn điều gì gửi gắm hết ý tưởng của ông?
Thật ra thì không có gì to tát. Chỉ là Trung tâm Sản xuất Phim truyền hình Việt Nam (VFC) muốn tôi có phim trong hệ thống phim của họ và họ đặt hàng. Tôi lựa chọn kịch bản phim nông thôn và bảo họ là đưa kịch bản để tôi làm. Nhưng họ nói không có thì tôi viết. Tôi không may mắn được làm các kịch bản hay, vì tôi không thuộc đơn vị nào cả, xưa nay toàn phải làm kịch bản mình viết.
Tôi ước mơ có kịch bản của người khác viết để tôi khỏi phải viết thì chắc chắn phim sẽ hay hơn. Nhưng những kịch bản hay chẳng đến lượt mình, hơn nữa, cá tính mình không dễ chấp nhận mọi chuyện. Vì vậy, tôi đành phải tự viết kịch bản. Và tôi chọn “Bến không chồng” để chuyển thể thành “Thương nhớ ở ai”.
Giữa rất nhiều lựa chọn, vì sao ông vẫn chọn đề tài nông thôn?
Tôi cho rằng, nông thôn vẫn đang là nhu cầu của một tầng lớp, một bộ phận người dân vẫn có khát vọng được xem phim về nông thôn, được trở về quá khứ vì chúng ta từng có thời 80% dân số là ở nông thôn.
Sau hơn 15 năm, “Bến không chồng” phiên bản truyền hình sẽ khác điện ảnh như thế nào?
Ngày xưa bồng bột hơn, bây giờ chín hơn. Lùi lại hơn 15 năm, bao giờ cũng có cảm nhận, rút ra bài học, biết rằng sẽ làm gì tốt hơn. Giờ tỉnh táo, nhưng năng lượng và ý chí không hề thua kém. Trước dám làm phim mà chưa có kịch bản. “Khát vọng Thăng Long” tôi cũng vừa làm vừa viết kịch bản. Tôi nghĩ thời đó là sự tự tin nhưng giờ tôi thấy sự tự tin đó là ngớ ngẩn, không cần thiết. Nên trong phim này tôi chuẩn bị kịch bản rất tốt. Khi tôi viết kịch bản truyền hình “Thương nhớ ở ai”, tôi nói mọi người hãy đọc đi, và nhà sản xuất nói rất hay. Tôi nghĩ là phim sẽ hay.
Để lặp lại phim trước tôi không muốn, nên khi bước vào phim này, tôi phải tránh những cái đã có. Mà những cái đã có đều là hạt vàng. Bỏ hạt vàng đi phải tìm thế giới khác thay thế hạt vàng đó. Trong phim truyền hình này tôi khẳng định có nhiều đoạn rất hay.
Cảnh trong phim “Thương nhớ ở ai” |
Gần đây Lưu Trọng Ninh liên tiếp làm phim truyền hình, vậy điện ảnh với ông thì sao?
Điện ảnh phải làm gì ghê gớm cơ. Phim giải trí thì tôi không làm. Làm điện ảnh thì khó khăn, vì phim mình thực sự mong muốn sẽ không có khán giả. Số đông không phải là tốt. Một phim đông người xem chưa chắc là phim tốt, quan điểm của tôi là vậy. Không có bộ phim đáp ứng được tất cả mọi người, mỗi bộ phim là một hàng hóa phục vụ một ai đó, một lớp người nào đó, điện ảnh thế giới cũng thế thôi. Không có bộ phim thỏa mãn được bà bán mắm đến cô ca sĩ hát Opera được.
Thị trường phim ảnh của chúng ta vẫn đang bị lẫn trong câu chuyện lấy rating làm thước đo. Tất nhiên rating đem lại giá trị cho nhà sản xuất nhưng lấy đó làm thước đo giá trị của phim thì không đúng. Đã từng có những phim rất hay vắng khách và cũng đã từng có phim rất dở đông khách.
Ông đã từng vào vai Vạn trong "Bến không chồng". Vai diễn này trong “Thương nhớ ở ai” được giao cho Lâm Vissay. Vì sao và ông có truyền lại điều gì cho diễn viên vào vai của mình?
Phim của tôi diễn viên luôn đúng với nhân vật. Nếu ai đúng với nhân vật, cũ cũng vẫn dùng, còn ai không đúng, có nổi tiếng bao nhiêu cũng không dùng. Tôi không truyền kinh nghiệm gì. Tôi vẫn luôn ngượng với vai Vạn trong “Bến không chồng” điện ảnh. Tôi cho là tôi diễn hơi xơ cứng nhưng rất lạ là mỗi lần phim này được chiếu ở nước ngoài thì khán giả cứ xin chữ ký của tôi. Họ bảo thú vị với cách đóng của tôi. Thật ra thì chúng ta có cách nhìn khác nhau. Nước ngoài họ nhìn vào cái thần của diễn viên, còn chúng ta nhìn vào sự hoạt bát của diễn viên. Chúng ta thấy cứ diễn viên nào dễ khóc là diễn hay còn họ nhìn vào thần thái bên trong.
Nghe nói Lưu Trọng Ninh bị bệnh tim đã lâu và khi làm đạo diễn “Thương nhớ ở ai”, ông đã yêu cầu VFC chọn thêm 1 đạo diễn phụ để đề phòng?
Đúng vậy. Bác sĩ cấm tôi đủ thứ nhưng tôi không nghe. Tôi vẫn nghĩ cái chết sướng nhất là chết trên phim trường. Khi làm “Hoa cỏ may” tôi một mình chiến đấu nhưng sức khỏe xuống lắm. Vì vậy, khi làm “Thương nhớ ở ai”, tôi nói chuẩn bị cho tôi 1 đạo diễn phụ để nhỡ tôi có ngã xuống còn có người đứng ra tiếp tục.
Xin cám ơn ông!