| Hotline: 0983.970.780

Đào tạo giúp nông dân giỏi nghề nông

Thứ Ba 05/12/2023 , 06:00 (GMT+7)

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn là tiền đề quan trọng giúp người nông dân ở Tuyên Quang xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao.

Hằng nghìn lao động nông thôn ở Tuyên Quang được đào tạo nghề mỗi năm. Ảnh: Đào Thanh.

Hằng nghìn lao động nông thôn ở Tuyên Quang được đào tạo nghề mỗi năm. Ảnh: Đào Thanh.

Hàng nghìn người lao động được đào tạo nghề

Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Tuyên Quang, trung bình mỗi năm các cơ quan, đơn vị trong tỉnh tổ chức hàng trăm lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Các lớp đào tạo nghề được mở dựa trên nhu cầu thực tế của người lao động và người sử dụng lao động; gắn đào tạo nghề với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, quy hoạch sản xuất cây trồng, vật nuôi để phát huy thế mạnh của địa phương.

Sở LĐ-TB&XH Tuyên Quang đã phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong và ngoài tỉnh, thu thập thông tin việc làm trống và nhu cầu cầu tuyển sinh học nghề để giới thiệu lao động đi làm việc, tham gia học nghề.

Giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Tuyên Quang đã đào tạo nghề cho hơn 30.000 lao động, bình quân mỗi năm đào tạo nghề hơn 6.000 lao động. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2023 đã tư vấn định hướng nghề nghiệp, việc làm cho 5.396 người lao động; tư vấn giới thiệu việc làm cho 1.205 người lao động có nhu cầu tìm kiếm việc làm, học nghề.

Trung tâm Dịch vụ Việc làm của tỉnh cũng đã tổ chức 5 phiên giao dịch việc làm trực tiếp tại các xã Hùng Đức, xã Minh Hương, huyện Hàm Yên; xã Sơn Nam huyện Sơn Dương; Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp, Giáo dục thường xuyên huyện Sơn Dương; xã Trung Sơn huyện Yên Sơn. Tổ chức Ngày hội việc làm tại Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang.

Tham gia các phiên giao dịch việc làm có 56 đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong và ngoài tỉnh. Trên 3.665 người lao động, sinh viên đã tốt nghiệp và đoàn viên, hội viên, học sinh trường THPT, THCS đến tham gia và tìm hiểu thông tin về việc làm, học nghề, định hướng nghề nghiệp…

Tuyên Quang là tỉnh miền núi, kinh tế nông, lâm, thủy sản vẫn giữ vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế của địa phương. Lao động nông thôn chiếm khoảng 80% lực lượng lao động của tỉnh Tuyên Quang.

Xác định rõ việc định hướng nghề nghiệp, nâng cao tay nghề cho lao động nông thôn là đòn bẩy giúp người nông dân nâng cao thu nhập, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tạo sinh kế bền vững

Từ các lớp đào tạo nghề, giúp người nông dân ở Tuyên Quang tiếp cận nhanh hơn với tiến bộ khoa học công nghệ; sản xuất kinh doanh các mặt hàng nông, lâm, thủy sản thích ứng tốt hơn với nhu cầu thị trường. Nhiều sản phẩm nông sản chất lượng cao đã được hình thành và có thương hiệu.

Đào tạo nghề nông nghiệp giúp nông dân Tuyên Quang có nguồn sinh kế bền vững. Ảnh: Đào Thanh.

Đào tạo nghề nông nghiệp giúp nông dân Tuyên Quang có nguồn sinh kế bền vững. Ảnh: Đào Thanh.

Đến nay, toàn tỉnh Tuyên Quang có 191 sản phẩm đạt sao OCOP. Tỉnh được Hội đồng OCOP Quốc gia xếp hạng thứ 4 trong 14 tỉnh của khu vực miền núi phía Bắc. Trong số này có 149 sản phẩm đạt hạng 3 sao OCOP, 41 sản phẩm đạt hạng 4 sao OCOP và 1 sản phẩm đang trình Hội đồng OCOP Quốc gia đánh giá, phân hạng.

Ông Nguyễn Văn Bình ở thôn Ba Luồng, xã Thái Hòa, huyện Hàm Yên gắn bó với nghề nuôi cá lồng trên sông Lô hơn 10 năm nay. Lâu năm trong nghề, ông tích lũy được nhiều kinh nghiệm về chăm sóc cá lồng đặc sản, thế nhưng việc cập nhật những kiến thức, kỹ thuật chăm sóc, chế độ dinh dưỡng vẫn rất cần thiết.

Ông Bình cho biết, sau khi được tham gia lớp đào tạo nghề, nắm vững kiến thức ông đã cải tạo và nhân rộng được 10 lồng nuôi cá chiên. Ông cũng tập hợp một số hộ dân tâm huyết thành lập Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh cá đặc sản Thái Hòa. Áp dụng đúng kỹ thuật nên cá sinh trưởng và phát triển tốt. Từ nuôi cá lồng đặc sản, các thành viên trong hợp tác xã của ông Bình đạt khoảng 100 triệu đồng/năm.

Trong năm 2023, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp, Giáo dục thường xuyên huyện Na Hang tổ chức được 14 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Các nghề đào tạo gồm: Chăn nuôi gia súc, gia cầm; kỹ thuật nuôi thủy sản nước ngọt; kỹ thuật máy nông nghiệp; điện dân dụng, mây tre đan… Huyện Na Hang xác định công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một trong những việc làm trọng tâm, xuyên suốt. Do đó chất lượng đào tạo nghề qua các năm không ngừng được nâng lên. Hàng năm tỷ lệ người lao động sau khi được đào tạo có việc làm của huyện luôn đạt trên 80%.

Đã có nhiều mô hình chăn nuôi, trồng trọt hiệu quả kinh tế cao từ các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Tuyên Quang. Ảnh: Đào Thanh.

Đã có nhiều mô hình chăn nuôi, trồng trọt hiệu quả kinh tế cao từ các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Tuyên Quang. Ảnh: Đào Thanh.

Ông Hoàng Văn Dùng ở xã Khâu Tinh, huyện Na Hang trước đây là người làm nông nghiệp thuần túy. Thế nhưng sau khi được tham gia lớp kỹ thuật máy nông nghiệp do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp, Giáo dục thường xuyên huyện tổ chức, ông Dùng đã có nhiều kiến thức, kinh nghiệm. Ông Dùng cho biết, ông đang tích cóp vốn và dự định sẽ mở cho mình một cửa hàng sửa chữa máy cày, máy bừa, máy phát cỏ, xe máy, xe đạp… tại địa phương.

Không chỉ riêng ông Dùng, nhờ được tham gia các lớp dạy nghề mà nhiều học viên nông dân của huyện Na Hang đã mạnh dạn đầu tư phát triển nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh đem lại nguồn thu nhập cho gia đình, bước đầu ổn định cuộc sống. Tiêu biểu như mô hình tổ hợp sản xuất chè Shan tuyết của ông Triệu Văn Nhậy ở thôn Nà Cọn, xã Sơn Phú, hay mô hình tự mở cửa hàng may thời trang của chị Nguyễn Thị Hợp ở thôn Bản Chợ, xã Yên Hoa… giúp đem lại nguồn thu nhập thường xuyên, ổn định cuộc sống.

Từ năm 2011 đến nay, huyện Sơn Dương đã đào tạo nghề cho khoảng 5.000 lao động nông thôn. Sau học nghề, hầu hết lao động nông thôn đã tìm được việc làm phù hợp. Một số lao động nông thôn đã áp dụng kiến thức khoa học, kỹ thuật được học để phát triển các mô hình kinh tế như trồng cây cà gai leo, dưa chuột, sửa chữa thiết bị nông nghiệp, chăn nuôi lợn, gia cầm…

Trong dịp đầu tháng 4/2023 vừa qua, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp, Giáo dục thường xuyên huyện Sơn Dương đã tổ chức khai giảng 4 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại 2 xã Đại Phú và Minh Thanh với 140 học viên tham gia. Trong đó có 1 lớp đào tạo nghề điện, 1 lớp đào tạo trồng lúa hữu cơ và 2 lớp đào tạo về chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Trong thời gian tham gia lớp học, các học viên được trang bị những kiến thức về kỹ thuật chăn nuôi, cách phòng, chống bệnh tật, kỹ thuật tiêm phòng bệnh cho gia súc, gia cầm và cách chữa một số loại bệnh thường gặp trong chăn nuôi; kỹ thuật trồng và chăm sóc lúa hữu cơ và các kiến thức về điện dân dụng, kỹ thuật sửa chữa hệ thống điện trong gia đình… 

Chị Hoàng Thị Thập ở thôn Hoa Lũng, xã Đại Phú, huyện Sơn Dương cho biết, việc tổ chức các lớp đào tạo nghề giúp cho người dân như chị trang bị thêm những kiến thức khoa học kỹ thuật, từ đó áp dụng hiệu quả vào mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm hay trồng cây ăn quả… góp phần phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập và cải thiện chất lượng cuộc sống.

Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Tuyên Quang đặt ra mục tiêu sẽ thu hút từ 35 - 40% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở và trung học phổ thông vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp; học sinh, sinh viên nữ đạt trên 25% trong tổng chỉ tiêu tuyển sinh mới; đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho khoảng 25% lực lượng lao động; tỷ lệ lao động là người dân tộc thiểu số qua đào tạo nghề nghiệp đạt 40%; tỷ lệ lao động có các kỹ năng công nghệ thông tin đạt 80%...

Để đạt được mục tiêu này, tỉnh Tuyên Quang tiếp tục triển khai đồng bộ những giải pháp liên quan đến đào tạo nguồn nhân lực cho lao động nông thôn. Trọng tâm là tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền đối với công tác dạy nghề, gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, phát triển kinh tế xanh, bền vững góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển.

Xem thêm
Thị trường Trung Quốc - 'Át chủ bài' xuất khẩu trái cây

Kim ngạch xuất khẩu trái cây Việt Nam sang Trung Quốc ngày càng tăng và ước tính, năm 2024 sẽ đạt gần 5 tỷ USD.

Bổ nhiệm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phân đạm và Hoá chất Hà Bắc

BẮC GIANG Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) vừa bổ nhiệm vị trí Tổng Giám đốc Công ty CP Phân đạm và Hoá chất Hà Bắc thay ông Nguyễn Đức Ninh nghỉ hưu theo chế độ.

Dự án căn hộ duy nhất ở Tây Nam Linh Đàm đang được săn đón

Không ngạc nhiên khi dự án căn hộ duy nhất đang triển khai tại Tây Nam Linh Đàm, thuộc quận Hoàng Mai, Hà Nội là Hanoi Melody Residences đang được thị trường săn đón...

Thu ngân sách Nhà nước gần 1,45 triệu tỷ đồng, tăng 17,9%

Sau 9 tháng, lũy kế tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.448,2 nghìn tỷ đồng, bằng 85,1% dự toán năm và tăng 17,9% so với cùng kỳ năm ngoái...