| Hotline: 0983.970.780

Cởi trói cho đào tạo nghề khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa

Thứ Tư 08/11/2023 , 06:00 (GMT+7)

Điện Biên Để đảm bảo việc đào tạo nghề sơ cấp và thường xuyên cho 1.000 lao động nông thôn, huyện Tuần Giáo mong mỏi được chủ động điều chỉnh nguồn kinh phí sự nghiệp thực hiện.

Cán bộ Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Tuần Giáo hướng dẫn học viên tiêm vacxin cho gà. Ảnh: NVCC.

Cán bộ Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Tuần Giáo hướng dẫn học viên tiêm vacxin cho gà. Ảnh: NVCC.

90% học viên học ngành liên quan nông lâm nghiệp

Là cửa ngõ của tỉnh Điện Biên, những năm qua Đảng ủy, HĐND, UBND huyện Tuần Giáo đã chỉ đạo mở nhiều lớp đào tạo nghề thuộc lĩnh vực nông lâm nghiệp, nhằm tận dụng tối đa lợi thế về đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu trên địa bàn.

Thực hiện chủ trương của chính quyền, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Tuần Giáo đã thành lập lớp giảng dạy về kỹ thuật chăn nuôi gà được mở tại bản Lập, thị trấn Tuần Giáo từ cuối tháng 6/2023. Song song với lý thuyết, học viên được thầy cô tận tình chỉ dẫn thực hành và các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, phòng chống dịch bệnh. Hơn 120 con gà do lớp nuôi từ khi bắt đầu chương trình lớn nhanh và phát triển tốt.

Lò Thị Thu, một học viên trẻ của lớp, chia sẻ gia đình chị hiện nuôi hơn 100 con gia cầm. Xác định đây là hướng phát triển kinh tế chủ đạo, chị chủ động đăng ký và tích cực tham gia lớp dạy mở tại bản. “Tôi chưa học gì về chăn nuôi trước đây, chỉ "học mót" qua bạn bè, người thân. Ðược tham gia lớp đào tạo nghề, tôi biết vì sao gà mắc bệnh, cũng như cách chăm sóc, phòng tránh và trị bệnh hiệu quả", Thu nói. Vừa học vừa áp dụng vào đàn gà của gia đình, Thu tự tin mở rộng quy mô chuồng trại thời gian tới.

Cách lớp học của chị Thu không xa, hơn 30 học viên tại bản Hua Ca, xã Quài Tở cũng lâng lâng niềm vui thu hoạch nấm rơm, nấm sò. Lường Văn Lâm, lớp trưởng bảo, bản của anh có truyền thống trồng nấm. Người dân đã hình thành thói quen tận dụng nguồn rơm, rạ sẵn có để phát triển kinh tế phụ, giúp tăng thu nhập cho mỗi hộ gia đình.

"Khi biết có lớp dạy trồng nấm, bà con ai cũng phấn khởi vì nhà nào ở đây cũng trồng nấm. Hiện chúng tôi đang tìm hiểu thêm về thị trường tiêu thụ. Mình trồng được nấm rồi thì cũng cần có hàng quán thu mua chứ", anh bộc bạch.

Ngoài 2 lớp nghề trên, từ đầu năm 2023 đến nay, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Tuần Giáo đã và đang triển khai khoảng 30 lớp đào tạo nghề cho 800 học viên, thuộc các xã, thị trấn trên địa bàn huyện.

Lễ bế giảng lớp đào tạo nghề sơ cấp về chăn nuôi hồi cuối tháng 9/2023. Ảnh: NVCC.

Lễ bế giảng lớp đào tạo nghề sơ cấp về chăn nuôi hồi cuối tháng 9/2023. Ảnh: NVCC.

Ông Vũ Ðức Bình, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết, tỷ lệ học viên đăng ký các lớp đào tạo liên quan tới lĩnh vực nông nghiệp chiếm khoảng 90%. Ngành nghề được giảng dạy khá đa dạng, gồm kỹ thuật chăn nuôi, phòng trị bệnh cho lợn, gia cầm; kỹ thuật trồng thâm canh cây ăn quả, sản xuất rau an toàn, trồng và khai thác rừng...

Với phương châm “cầm tay chỉ việc” cho bà con nông dân, cán bộ Trung tâm đã phân loại giáo trình. Theo đó, ở các bản vùng thấp, trình độ dân trí cao hơn, giáo viên sẽ tăng cường kiến thức sâu về nghề. Còn ở các bản vùng cao, nhiều học viên không thạo tiếng phổ thông, giáo viên lại dùng nhiều hành động và thực hành để người dân nắm kiến thức cốt lõi.

Phần lớn học viên sau khi tốt nghiệp sẽ ứng dụng kiến thức đã học vào phát triển kinh tế hộ gia đình. Một số khác tham gia hợp tác xã hoặc các chuỗi liên kết sản xuất.

Tuần Giáo có thế mạnh về cây mắc ca. Theo định hướng của UBND huyện về việc mở rộng diện tích trồng mắc ca trên tất cả các xã, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên đang nghiên cứu việc mở các lớp dạy nghề trồng và chăm sóc mắc ca, góp phần nâng cao chất lượng lao động nông thôn, giải quyết công việc phù hợp với tình hình thực tế.

Còn trăn trở về cơ chế hoạt động

Triển khai được những hoạt động hiệu quả, thiết thực nhưng Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Tuần Giáo vẫn còn những trăn trở. Giám đốc Phạm Thị Xuân cho biết, theo mô hình hiện tại, các trung tâm trong diện này thuộc UBND cấp huyện quản lý. Do đó, nếu cần bổ sung giáo viên, trung tâm khó xin cấp trên. 

Bên cạnh khó khăn về giáo viên, Trung tâm còn gặp vấn đề về cơ sở vật chất, trang thiết bị. Hiện các hoạt động liên quan hầu như phụ thuộc vào kinh phí của UBND huyện. Nếu cần mua sắm, Trung tâm phải trình dự toán, khác với cách hoạt động trước đây là Sở Giáo dục và Đào tạo quản lý và phụ trách toàn bộ.

Học viên Trung tâm hưởng ứng Ngày chủ nhật xanh, dọn vệ sinh trường, khu nội trú và khu dân cư Khối Đồng Tâm, thị trấn Tuần Giáo. Ảnh: NVCC.

Học viên Trung tâm hưởng ứng Ngày chủ nhật xanh, dọn vệ sinh trường, khu nội trú và khu dân cư Khối Đồng Tâm, thị trấn Tuần Giáo. Ảnh: NVCC.

Theo các quyết định phê duyệt Chương trình Mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 của Thủ tướng, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên cấp huyện không phải cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Do đó, họ không được hỗ trợ sửa chữa, bảo dưỡng tài sản, một số hạng mục công trình, mua sắm trang thiết bị, máy móc từ nguồn vốn 3 Chương trình Mục tiêu quốc gia.

Trang thiết bị dạy nghề của nhiều trung tâm bị hạn chế nên việc giảng dạy hiện chỉ có thể phục vụ được một số ít nghề. Chất lượng đào tạo nghề có nguy cơ bị ảnh hưởng do cơ sở vật chất, trang thiết bị thiếu hụt so với số lượng học viên, nhiều thiết bị cũ hỏng do thời gian sử dụng đã lâu. Học viên, theo đó, cũng ít lựa chọn đăng ký ngành nghề học tập và thực hành. 

Báo cáo đánh giá thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững năm 2023, UBND huyện Tuần Giáo đã nhìn thẳng vào vấn đề này. Cụ thể, trong nội dung “Hỗ trợ cơ quan quản lý và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập”, huyện Tuần Giáo cho biết: "Các văn bản hướng dẫn, quy định chưa xác định được nội dung chi nên khó giải ngân trong năm 2023.

Đối với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên, những nội dung thuộc chức năng, nhiệm vụ của đơn vị hiện chưa có hướng dẫn, định mức kinh tế - kỹ thuật cụ thể, dẫn đến khó thực hiện, nguồn vốn phân bổ lớn, không giải ngân được trong năm 2023".

Về nội dung “Hỗ trợ địa phương đào tạo nghề cho người lao động”, huyện Tuần Giáo nhận xét: "Số lượng giáo viên cơ hữu thực hiện nhiệm vụ giáo dục nghề nghiệp của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên còn ít so với nhu cầu để thực hiện nhiệm vụ được giao, dẫn đến số lượng lớp dạy nghề thực hiện được trong năm có phần hạn chế, không giải ngân hết 100% vốn được giao năm 2023".

Đại biểu Nguyễn Thành Nam, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ đề xuất cho phép chuyển nguồn thực hiện các Chương trình Mục tiêu quốc gia đến cuối giai đoạn. Ảnh: QH.

Đại biểu Nguyễn Thành Nam, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ đề xuất cho phép chuyển nguồn thực hiện các Chương trình Mục tiêu quốc gia đến cuối giai đoạn. Ảnh: QH.

Tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, đại biểu Nguyễn Thành Nam, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cho phép chuyển nguồn vốn này năm 2022 và 2023 đến hết giai đoạn của Chương trình 2021 - 2025.

"Việc giải ngân nguồn vốn chậm là do vướng mắc về cơ chế, chính sách chậm được tháo gỡ, nhất là quy định về đối tượng thụ hưởng, nội dung hỗ trợ, quy trình thanh quyết toán", ông phân tích.

Đại biểu Nam cũng đề xuất việc xác định đối tượng thụ hưởng chính sách nên căn cứ vào tiêu chí, chức năng, nhiệm vụ là chủ yếu. Còn khi xét theo tiêu chí tên gọi thì cần tính đến bối cảnh trường hợp cụ thể như sáp nhập, bổ sung chức năng nhiệm vụ.

Qua đó, cho phép Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên tại các huyện vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi sau sáp nhập thuộc đối tượng thụ hưởng chính sách của Chương trình Mục tiêu quốc gia, tạo thuận lợi cho các địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả.

UBND huyện Tuần Giáo kiến nghị cho phép địa phương chủ động điều chỉnh nguồn kinh phí sự nghiệp năm 2023 thực hiện các dự án, tiểu dự án để phù hợp với nhu cầu địa phương. Đồng thời, từ năm 2024 chỉ giao tổng vốn sự nghiệp và phân cấp cho địa phương chủ động phân bổ theo nhu cầu thực tế.

Huyện cũng kiến nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu Chính phủ bổ sung Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên ở cấp huyện vào đối tượng của Tiểu dự án 1 - Dự án 4 thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững. 

Xem thêm
Vĩnh Phúc giảm 10 tổ chức Đảng, 1 Ban Đảng và 8 Sở...

Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc cho biết sẽ sớm ban hành chính sách với những trường hợp 'hy sinh' vì lợi ích chung, thôi làm việc trong cơ quan hưởng lương từ ngân sách.

Gượng dậy sau bão Yagi: Nơi bảo tồn nguồn gen 15 loài cá biển quý hiếm

Anh Phạm Văn Thìn - Trưởng phòng Nuôi giữ và Bảo tồn nguồn gen của Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Bắc lái cano chở tôi ra khu Tai Kéo vịnh Lan Hạ.

Cá 'quý tộc' sống khỏe trên rẻo cao

Các hộ nuôi các nước lạnh tại Sa Pa không quản khó khăn, vẫn miệt mài tìm hướng đi mới cho dòng sản phẩm không phải nơi nào cũng có.