Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) cho biết, Việt Nam đã Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1664/QĐ-TTg ngày 4/10/2021, với mong muốn tiến ra biển, phát triển tiềm năng lợi thế từ biển, bởi diện tích thủy sản nuôi nội đồng những năm qua giữ ở mức ổn định.
Cục trưởng Trần Đình Luân chia sẻ về sự cố lồng cá từ Trung Quốc bị cơn bão số 3 (bão Yagi) cuốn trôi vào vùng biển Việt Nam, và nhờ công nghệ định vị, các lồng cá này đã được trao trả cho phía Trung Quốc. Điều này cho thấy các nước xung quanh Việt Nam đã phát triển nuôi biển và chú trọng đến công nghệ.
Cục trưởng Trần Đình Luân kỳ vọng khai thác được tiềm năng, lợi thế để phát triển nuôi biển nhằm giảm áp lực cho khai thác, đặc biệt là khai thác ven bờ. Tuy nhiên trăn trở đặt ra là làm sao để phát triển nuôi biển bền vững nhất là trước bối cảnh thiệt hại từ cơn bão số 3 đã đặt ra câu hỏi về cách ứng phó với những sự kiện thiên tai tương tự trong tương lai?
Về mặt quản lý nhà nước, Cục trưởng Trần Đình Luân cho rằng, cần có những định hướng về con giống, thức ăn, kỹ thuật, xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn… Bên cạnh đó, Cục trưởng Cục Thủy sản cũng bày tỏ mong muốn các cơ quan bảo hiểm sẽ vào cuộc, “tuy nhiên người dân phải bắt đầu bằng việc thay đổi nhận thức rằng tham gia bảo hiểm là phòng ngừa rủi ro”.
Ngoài ra, Cục trưởng Trần Đình Luân nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác đào tạo nghề và trang bị kỹ năng, đặc biệt trong bối cảnh chuyển từ nuôi biển truyền thống sang quy mô công nghiệp, đây là vấn đề mà người nuôi biển hiện đang thiếu.
Đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại TP.HCM (VCCI - HCM) cho biết, VCCI đang hợp tác với Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam (VSA) và Liên đoàn Giới chủ Na Uy (NHO) cùng các chuyên gia hàng đầu về giáo dục nghề nghiệp xây dựng chương trình đào tạo ngắn hạn về nuôi biển công nghiệp.
Đối tượng đào tạo là ngư dân nuôi biển truyền thống muốn chuyển đổi sang nuôi biển công nghiệp; lao động kỹ thuật lành nghề (trưởng nhóm, kỹ thuật viên); giám sát nuôi biển công nghiệp.
Nôi dung chương trình đào tạo này có 4 học phần, gồm: Học phần 1 là thiết lập cơ sở nuôi cá biển công nghiệp. Học phần 2 là kỹ thuật vận hành cơ sở nuôi cá trên biển. Học phần 3 là kỹ thuật nuôi và thu hoạch cá trên biển. Học phần 4 là bảo trì, đánh giá cơ sở nuôi cá biển công nghiệp.
VCCI bày tỏ mong muốn, các trường đại học, cao đẳng có đào tạo nghề thủy sản sẽ tiếp nhận chương trình này để giảng dạy trong thời gian tới.
Đại diện các trường đại học, cao đẳng cũng đề xuất, các giảng viên trước tiên cũng cần phải đào tạo bài bản để hiểu rõ chương trình, cập nhật kiến thức, kinh nghiệm từ thực tế, được cấp chứng chỉ đào tạo kỹ năng nghề cho các thầy, cô giáo…
Bà Đặng Phương Liên, Cố vấn cao cấp Phòng Thương mại Đại sứ quán Hoàng gia Na Uy tại Hà Nội nhấn mạnh, với hơn 40 năm kinh nghiệm nuôi cá hồi, Na Uy sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm thành công lẫn thất bại của ngành cá hồi Na Uy với Việt Nam.
Sứ quán Na Uy, đặc biệt là Đại sứ Na Uy mong muốn được đồng hành cùng Việt Nam trong việc phát triển nuôi biển bền vững và rất muốn được lắng nghe về những nhu cầu của Việt Nam, đặc biệt là từ các địa phương, nhất là vấn đề liên quan đến đào tạo kỹ năng nuôi biển.