| Hotline: 0983.970.780

Doanh nghiệp nuôi biển thiệt hại 9,2 tỷ đồng, băn khoăn đi tiếp hay dừng lại?

Thứ Tư 25/09/2024 , 10:24 (GMT+7)

Bà Nguyễn Thị Hải Bình, Tổng giám đốc STP Group trăn trở, là doanh nghiệp lớn, ứng dụng khoa học công nghệ, nhưng vẫn lo lắng nên tiếp tục đầu tư hay dừng lại.

Lồng nuôi biển của STP Group bị đứt gãy và xô lệch sau cơn bão số 3 vừa qua. Ảnh: Hồng Thắm.

Lồng nuôi biển của STP Group bị đứt gãy và xô lệch sau cơn bão số 3 vừa qua. Ảnh: Hồng Thắm.

Cơn bão số 3 vừa qua không chỉ gây thiệt hại nặng nề về tài sản mà còn khiến người nuôi biển đối mặt với tình trạng bấp bênh chưa từng có. Các doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân nuôi biển bằng lồng tre, lồng gỗ bị mất trắng tới gần 90%.

Là một doanh nghiệp gắn bó với nghề nuôi biển hơn 8 năm nay, Công ty Cổ phần Tập đoàn STP (STP Group) đầu tư bài bản, ứng dụng khoa học công nghệ, thế nhưng vẫn phải gánh chịu thiệt hại hơn 9,2 tỷ đồng.

Bà Nguyễn Thị Hải Bình, Tổng giám đốc STP Group, chia sẻ: “Thiệt hại lớn nhất của chúng tôi là cảm giác lo lắng, hoang mang về tương lai. Dù là doanh nghiệp lớn, đầu tư bài bản, sử dụng công nghệ cao, nhưng vẫn cảm thấy bấp bênh và không biết liệu nên đi tiếp hay dừng lại?”.

Bà Bình cho hay, STP Group mất trắng 5 tỷ đồng tiền phao. Bên cạnh đó, STP cũng mất trắng những giống nuôi mà công ty đã dày công nghiên cứu trong suốt thời gian qua; các hệ thống công nghệ cao như AI, hệ thống chỉ số đo đếm… đã bị cuốn trôi và hiện vẫn chưa tìm thấy.

Dù mất mát, nhưng theo bà Bình, STP Group còn may mắn rất nhiều khi nhờ những thiết bị định vị nên cơ bản đã tìm lại được những hạ tầng nổi như lồng, hệ giàn…

“Chúng tôi rất may mắn vì nhờ những thiết bị định vị nên đã thu lại được 95% toàn bộ tài sản là hạ tầng, nó chỉ bị đứt gãy và xô lệch. Bà con sử dụng lồng bè gỗ thì mất toàn bộ, ai mất thêm người thân thì coi như mất cả một sự nghiệp”, bà Bình trầm ngâm nói.

Không chỉ có STP Group mà nhiều doanh nghiệp và hộ nuôi biển khác cũng rơi vào tình trạng tương tự. Cơn bão đã cướp đi sinh kế của hàng nghìn người, đẩy họ vào cảnh không biết tương lai sẽ ra sao.

PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam, cho hay, một trong những mất mát lớn nhất của bà con nuôi biển ở Quảng Ninh là mất giàn phao HDPE mới đầu tư theo chủ trương của tỉnh. Mỗi hộ mất khoảng 500-700 triệu đồng, thậm chí cả tỷ đồng tiền phao.

“Vì vậy, một trong những vấn đề mà chúng tôi lưu tâm nhất chính là neo theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Neo ở đây là neo để giữ tài sản trên biển tại vị trí xác định, nhưng còn neo vô hình khác rất quan trọng đó là quyền sử dụng biển, neo bà con vào vùng biển mà họ đã đầu tư”, PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng nói thêm.

Nghề nuôi biển đã được phát triển ở Việt Nam hơn 30 năm nay. Tuy nhiên, các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho người nuôi biển có thể phát triển bền vững gần như còn rất hạn chế. Ảnh: Duy Học.

Nghề nuôi biển đã được phát triển ở Việt Nam hơn 30 năm nay. Tuy nhiên, các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho người nuôi biển có thể phát triển bền vững gần như còn rất hạn chế. Ảnh: Duy Học.

Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng, một khó khăn khác hiện nay đối với các hộ dân nuôi biển là phải vay ngân hàng với lãi suất cao, thế chấp bằng tài sản trên bờ để đầu tư xuống biển. Nay tài sản dưới biển đã mất, họ có thể đối mặt với việc mất luôn nhà cửa, đất đai trên bờ.    

Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam còn cho rằng, thiệt hại không chỉ dừng lại ở mức độ tài sản mà thêm vào đó là sự lung lay, mất niềm tin vào nghề nuôi biển.

“Nghề nuôi biển đã được phát triển ở Việt Nam hơn 30 năm nay. Tuy nhiên, các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho người nuôi biển có thể phát triển bền vững gần như còn rất hạn chế. Cơn bão vừa qua khiến niềm tin vào nghề nuôi biển bị lung lay nghiêm trọng. Tôi nghĩ mất mát này là điều mà các cơ quan Nhà nước và cộng đồng cần phải lưu tâm để hỗ trợ bà con khắc phục, lấy lại niềm tin”, PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng chia sẻ.

Tổng giám đốc Tập đoàn STP Group trăn trở: “Câu chuyện mất mát lớn nhất của chúng tôi chính là đang tiếp tục suy nghĩ đến những giải pháp cho chính mình và cho xã hội. Chúng tôi đang ở giai đoạn cảm thấy cần phải có quyết tâm mạnh mẽ và rất cần sự hỗ trợ, đồng hành của các cơ quan quản lý Nhà nước mới mong có những giải pháp tháo gỡ khó khăn, thách thức chồng chất hiện nay”.

Xem thêm
Hiện đại hóa ngành thủy sản góp phần chống khai thác IUU

THANH HÓA Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật giúp nâng cao hiệu quả khai thác và bảo quản thủy sản trên tàu cá, góp phần tăng sản lượng, giảm tổn thất.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.