| Hotline: 0983.970.780

Doanh nghiệp nuôi biển mong được cấp 'sổ xanh'

Thứ Tư 25/09/2024 , 09:31 (GMT+7)

Sau cơn bão số 3, doanh nghiệp, hợp tác xã và người nuôi biển đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức và khó khăn.

Cơn bão số 3 (bão Yagi) và hoàn lưu bão đã gây thiệt hại nặng cho toàn ngành nông nghiệp nói chung và ngành thủy sản nói riêng.

Theo báo cáo của Cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT), tính đến ngày 20/9, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản bị vỡ bờ bao, ngập lụt và ước thiệt hại khoảng 23.595 ha. Số lồng bè bị thiệt hại khoảng 4.592 ô lồng (khoảng 154.680m3); trong đó, ô lồng nước ngọt khoảng 1.772 ô lồng và ô lồng nước mặn 2.820 ô lồng. Ước thiệt hại về nuôi trồng thủy sản do bão số 3 và mưa lũ sau bão khoảng hơn 2.503 tỷ đồng.

Lĩnh vực nuôi biển chịu thiệt hại nặng nề do chi phí đầu tư lớn. Doanh nghiệp, hợp tác xã và người nuôi biển hiện đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức và khó khăn.

Bà Nguyễn Thị Hải Bình, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn STP cho rằng, cần sớm tái cơ cấu ngành nuôi biển. Ảnh: Hồng Thắm.

Bà Nguyễn Thị Hải Bình, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn STP cho rằng, cần sớm tái cơ cấu ngành nuôi biển. Ảnh: Hồng Thắm.

Bà Nguyễn Thị Hải Bình, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn STP (STP Group) cho hay: “Khó khăn đầu tiên của chúng tôi là làm thế nào để khắc phục nhanh nhất, xây dựng một hệ thống quản lý mới hoạt động bền vững hơn trước đây, bởi nếu vẫn giống như cũ thì có thể sẽ lại mất mát vì chắc chắn sẽ tiếp tục có những cơn bão số 4, số 5... Cơn bão số 3 chỉ đang báo động với chúng ta rằng, thiên nhiên sẽ đáp trả lại chúng ta cái giá phải trả của nhân quả”.

Tuy nhiên, bà Bình cho rằng, để triển khai được hệ thống quản lý mới này, cần phải có nguồn vốn dài hạn và ổn định.

“Chúng tôi là doanh nghiệp nuôi biển 8 năm nay nhưng không nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào, chủ yếu tự thân vận động. Vậy với bà con thì sao? Các tổ chức tài chính, ngân hàng trong và ngoài nước ai sẽ giúp đỡ chúng tôi? Giúp đỡ ra sao? Thời gian nào sẽ được triển khai?”, bà Bình nêu hàng loạt câu hỏi.

Một vấn đề nữa mà Tổng Giám đốc STP Group mong muốn đó là được giao biển. "Giao biển để chúng tôi thực sự có sổ xanh, có móng nhà, có một khu vực mà chúng tôi phải quản lý và có trách nhiệm với nó. Khi trách nhiệm của doanh nghiệp, người dân gắn vào đó thì buộc chúng tôi sẽ phải tìm mọi cách tháo gỡ những khó khăn”, Tổng Giám đốc STP Group bày tỏ.

Bà Bình cũng đưa ra đề xuất, cần sớm tái cơ cấu ngành nuôi biển. Nếu xác định nuôi biển là trọng tâm, là chủ lực trong ngành nông nghiệp của quốc gia thì phải thay đổi một diện mạo khác.

“Tôi nghĩ rằng trong rủi ro có cơ hội. Đây là cơ hội thể hiện quyết tâm lớn của chúng ta để đưa ngành nuôi biển vốn có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển bền vững, đưa thủy sản Việt Nam chinh phục thế giới bằng cách nâng cao giá trị và chất lượng”, bà Bình nhấn mạnh.

Trang trại nuôi biển của STP Group tại đảo Phất Cờ, Quảng Ninh cũng phải gánh chịu nhiều thiệt hại sau cơn bão số 3 vừa qua. Thế nhưng bằng việc sử dụng lồng HDPE, ứng dụng các giải pháp khoa học công nghệ… thiệt hại đã giảm đi đáng kể. STP Group đã nhanh chóng định vị vị trí và tìm lại một phần tài sản trong chỉ 6 giờ sau khi đường truyền viễn thông được kết nối lại.

Trang trại nuôi biển của STP Group tại đảo Phất Cờ, Quảng Ninh cũng phải gánh chịu nhiều thiệt hại sau cơn bão số 3 vừa qua. Ảnh: Hồng Thắm.

Trang trại nuôi biển của STP Group tại đảo Phất Cờ, Quảng Ninh cũng phải gánh chịu nhiều thiệt hại sau cơn bão số 3 vừa qua. Ảnh: Hồng Thắm.

Dù phải đối mặt với nhiều "sóng gió", nhưng STP Group vẫn luôn đồng hành, sát cánh cùng người dân với nhiều chương trình hỗ trợ, mang đến những giải pháp nuôi trồng thủy sản an toàn và bền vững. Để hỗ trợ bà con ngư dân sớm khôi phục hoạt động nuôi trồng, STP Group đặc biệt triển khai Chương trình mua lồng HDPE trả trước một nửa, 50% còn lại trả chậm trong 2 năm, không lãi suất.

Ngoài ra, STP còn mang đến giải pháp “Thuyền STP hạnh phúc”, cam kết bán với giá vốn vật tư. Con thuyền có tải trọng lên đến 500 kg và tải trọng an toàn là 350 kg. Ưu điểm của con thuyền này là khi gặp sự cố có thể dễ dàng tháo lắp ra thành những quả phao rời nhằm đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Chính những con thuyền này đã giúp STP Group tìm được tài sản, vật dụng một cách nhanh chóng ngay sau bão.

Xem thêm
Cấm khai thác thủy sản hồ Dầu Tiếng từ ngày 7/11 đến hết ngày 7/12/2024

TÂY NINH Tây Ninh nghiêm cấm khai thác thủy sản; các hoạt động mua bán, tiêu thụ thủy sản có nguồn gốc khai thác trái phép trong hồ Dầu Tiếng từ ngày 7/11 đến hết ngày 7/12/2024.

Xuất khẩu thủy sản 10 tháng đạt hơn 8,3 tỷ USD, lạc quan về đích

Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam năm 2024 tự tin sẽ về đích với con số 10 tỷ USD.

Hỗ trợ trực tiếp cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển

Cà Mau Ngày 20/10, Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh phối hợp Chi cục Kiểm ngư Cà Mau, các nhà tài trợ, tổ chức chương trình 'Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển'.