| Hotline: 0983.970.780

Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho nghề thủ công truyền thống

Thứ Sáu 05/07/2024 , 16:13 (GMT+7)

Doanh nghiệp đề xuất hỗ trợ các chương trình đào tạo nghề để nâng cao kỹ thuật, khuyến khích người dân tham gia học tập và sản xuất, làm nghề thủ công truyền thống.

Nghề may comple, veston của xã Vân Từ (huyện Phú Xuyên) đã phát huy được nghề may truyền thống, tạo thu nhập ổn định. Ảnh: Quang Thái.

Nghề may comple, veston của xã Vân Từ (huyện Phú Xuyên) đã phát huy được nghề may truyền thống, tạo thu nhập ổn định. Ảnh: Quang Thái.

Đối thoại với doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh tại các làng nghề trên địa bàn thành phố, đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội làm rõ định hướng đào tạo nhân lực trình độ cao cho làng nghề.

Theo Công ty TNHH may Phú Thành Phát (Vân Từ, Phú Xuyên), địa phương này có làng nghề duy nhất trên cả nước có nghề may comple, veston truyền thống. 

Tuy nhiên, nguồn nhân lực chính của ngành nghề đang là những nhân lực già, là nông dân, không được đào tạo bài bản, mang tính chất “cha truyền con nối”. Nguồn nhân lực trình độ cao còn hạn chế, không đủ đáp ứng nhu cầu của ngành nghề. 

Do đó, doanh nghiệp đề xuất hỗ trợ các chương trình đào tạo nghề để nâng cao kỹ thuật, tay nghề, khuyến khích người dân tham gia học tập và tham gia sản xuất, làm nghề thủ công truyền thống.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết, công tác giáo dục nghề nghiệp thủ đô nói chung, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao nói riêng luôn coi là một trong những mục tiêu phát triển hàng đầu của TP Hà Nội.

Hiện tại, trên địa bàn thành phố có 312 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở có hoạt động giáo dục nghề nghiệp có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp (gồm 66 trường cao đẳng, 58 trường trung cấp, 37 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, 18 trung tâm giáo dục thường xuyên và 133 doanh nghiệp, các loại hình khác).

Liên quan đến chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động nói chung, lao động trong các làng nghề nói riêng, hiện nay trên địa bàn thành phố đang triển khai một số chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, giải quyết việc làm cho người lao động bị thu hồi đất.

Trong đó, hỗ trợ đào tạo nghề cho các đối tượng là thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện. Hà Nội cũng có chính sách hỗ trợ đào tạo cho người lao động trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa; hỗ trợ miễn, giảm học phí cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở học tiếp lên trình độ trung cấp.

Năm 2024, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đang xây dựng Nghị quyết quy định nội dung chi, mức chi hỗ trợ chi phí đào tạo nghề trình độ sơ cấp, dưới 3 tháng áp dụng trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố, trình HĐND thành phố thông qua làm cơ sở để triển khai thực hiện các chính sách đào tạo nghề trình độ sơ cấp trên địa bàn từ năm 2025.

Vấn đề thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển ngành nghề truyền thống cũng được nhiều đại biểu quan tâm. Trả lời vấn đề này, đại diện Sở Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) thông tin, Nghị định 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư về danh mục ngành, nghề ưu đãi đầu tư. 

Trong đó, các ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư là sản xuất sản phẩm đồ gỗ, sản xuất ván nhân tạo (ván dán, ván ghép thanh, ván MDF). Các ngành, nghề ưu đãi đầu tư liên quan đến sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, sản phẩm mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát…

Để tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư thực hiện các dự án phục vụ phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn Thành phố, Sở KH-ĐT đề nghị UBND các huyện, phối hợp với Sở NN-PTNT và các đơn vị có liên quan rà soát, xây dựng danh mục dự án thu hút đầu tư gửi Sở KH-ĐT để tổng hợp, báo cáo UBND TP Hà Nội xem xét, quyết định công bố danh mục dự án thu hút đầu tư trên địa bàn. Từ đó làm cơ sở để các nhà đầu tư quan tâm, đề xuất thực hiện dự án theo quy định của pháp luật về đầu tư.

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

Người dân tự nguyện bàn giao mặt bằng thực hiện dự án đường cao tốc Bắc-Nam

Quảng Bình Người dân huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) đã tự nguyện bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông, giai đoạn 2021-2025

Hơn 120 gian hàng tham gia Hội chợ OCOP tỉnh Tuyên Quang

Đây là dịp để các địa phương giới thiệu, quảng bá những sản phẩm đạt chuẩn OCOP và sản phẩm đặc sản chủ lực của tỉnh Tuyên Quang và một số tỉnh lân cận.