Thay đổi tư duy đào tạo
Tại “Hội nghị hợp tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp, nông thôn”, do Bộ NN-PTNT tổ chức ngày 11/7, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, cần thúc đẩy hợp tác, kết nối nhu cầu tuyển dụng lao động và nghiên cứu khoa học giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo, đặc biệt là nhân lực nông nghiệp chất lượng cao.
Thực tế cho thấy, tỷ lệ học sinh đăng ký và học chuyên ngành về nông nghiệp, thủy sản, lâm nghiệp, thủy lợi, giảm mạnh đang đặt ra những thách thức cho phát triển nguồn nhân lực cho ngành nông nghiệp, nông thôn.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, công tác truyền thông chưa được đẩy mạnh, cần truyền thông đúng cách để sinh viên có thể hiểu hơn về nền nông nghiệp nói chung và các lĩnh vực trong ngành nói riêng.
“Xu thế thoát ly nông nghiệp là dòng chảy chung trong quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa và phải xem xét lại công tác đào tạo trong lĩnh vực nông nghiệp đã làm hết sức mình chưa, đã truyền cảm hứng và giới thiệu cho các em học sinh, sinh viên về nông nghiệp hay chưa”, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan giải thích, ngành nông nghiệp hiện nay đã không chỉ loanh quanh với, trồng trọt, ao, hồ, không chỉ là câu chuyện “được mùa mất giá” hay những cực nhọc đồng áng mà ông bà ta từng trải qua.
Nông nghiệp hiện nay đã có không gian rộng mở hơn với bước tiến của công nghiệp hóa, hiện đại hóa, áp dụng mạnh mẽ khoa học, công nghệ trong các lĩnh vực nuôi trồng, phát triển lâm nghiệp,…
“Nhiều khi chúng ta tự giới hạn không gian nông nghiệp trong những giáo trình khép kín, nhưng hiện nay, tư duy nền nông nghiệp mở có rất nhiều ngành đào tạo liên quan và công việc để làm trong lĩnh vực này như thương mại điện tử, du lịch nông nghiệp, cơ khí… Các trrường cần mở ra không gian để sinh viên có thể biết được nền nông nghiệp cũng ứng dụng những đỉnh cao khoa học công nghệ”, Bộ trưởng gợi ý.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, tư duy kinh tế nông nghiệp là tư duy thị trường và gắn liền với doanh nghiệp. Cần đưa “luồng gió mới” của thị trường, kinh tế thị trường vào cơ sở đào tạo. Đó là cách để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đồng thời mở ra phương thức đào tạo "Một nửa thời gian học trên ghế nhà trường và một nửa còn lại học thực tế ở doanh nghiệp".
Qua đây, các trường cũng sẽ gắn những hoạt động nghiên cứu với hoạt động kinh tế của các doanh nghiệp. Hai bên “cộng sinh” để không lãng phí nguồn lực đầu tư của doanh nghiệp và nhà nước.
Kích hoạt giáo dục, đào tạo theo hướng thị trường, để những sản phẩm nông nghiệp ra được thị trường, sinh viên cũng hòa nhập được với thị trường. Từ đó, những sản phẩm nông nghiệp ra được thị trường, sinh viên học sinh cũng hòa nhập được với thị trường, biết được đời sống doanh nghiệp. Không nên khu trú, bó hẹp các bài giảng nông nghiệp trong tính chất kỹ thuật.
Áp dụng mô hình "tam giác vàng" để không lãng phí nguồn lực
Bà Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, cho rằng, hiện nay ngành nông nghiệp đang rất cần nguồn nhân lực chất lượng cao, việc thu hút sinh viên giỏi, có đam mê yêu thích lĩnh vực nông nghiệp và đào tạo để các em có thể cống hiến cho ngành không chỉ là trách nhiệm của các cơ sở đào tạo, của ngành mà còn của các bộ ngành, doanh nghiệp.
Đây là lần đầu tiên Bộ NN-PTNT tổ chức hội nghị về nhân lực với quy mô lớn gồm các viện, trường, các doanh nghiệp, cơ quan quản lý để cùng chia sẻ tiếng nói chung, hiểu về khó khăn và giải pháp tháo gỡ, mở ra con đường mới cho tương lai.
Trong bài học kinh nghiệm của các quốc gia, sự kết hợp theo mô hình “tam giác vàng” giữa Chính phủ - Trường đại học - Doanh nghiệp đã tạo nên một sự phát triển bền vững và thúc đẩy các quốc gia phát triển.
Để tạo động lực cho các doanh nghiệp và cơ sở đào tạo tìm đến nhau và kết hợp bền vững, bà Nguyễn Thị Lan cho rằng, cần hoàn thiện cơ chế, chính sách, thể chế để tạo được sự động viên, hỗ trợ doanh nghiệp nếu họ tham gia vào quá trình đào tạo.
Ông Vũ Văn Hường, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor) đánh giá, nguồn nhân lực trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp rất khó khăn, trước thực trạng đó, các công ty, doanh nghiệp trong lĩnh vực này cần chủ động đi trước để tìm kiếm, đào tạo nhân lực dựa trên các mô hình hợp tác với các viện, trường.
Bên cạnh đó, theo ông Hường, trong công tác đào tạo cũng cần bổ sung những nội dung riêng phù hợp với ngành, đào tạo đội ngũ lao động trong các khu vực khác nhau. Ông cho rằng, đào tạo nhân lực là yếu tố then chốt để doanh nghiệp có khả năng cạnh tranh, từ đó tạo ra bứt phá trong ngành nông nghiệp.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Trà My, Tổng Giám đốc Tập đoàn PAN, cho biết, cần nhiều bước đi để nâng tầm nông nghiệp Việt Nam, trong đó, nâng cao được nguồn nhân lực là yêu cầu quan trọng giúp ngành nông nghiệp theo kịp chuyển đổi số, công nghệ số.
Bà Nguyễn Thị Trà My chia sẻ, Việt Nam gần đây đã được quốc tế chú ý nhiều hơn trong câu chuyện an ninh lương thực, thực phẩm, nhiều nhà đầu tư đang mong muốn đến Việt Nam hợp tác trong lĩnh vực này. Theo đó, đây là thời điểm vàng để lan tỏa và thúc đẩy doanh nghiệp hỗ trợ cùng Bộ NN-PTNT trong đào tạo nguồn nhân lực.