Chiều 8/1, Trung tâm Kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp khu vực phía Nam (Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương) đã trao chứng nhận hoàn thành khóa đào tạo chương trình “Hỗ trợ đào tạo chuyên gia tư vấn cải tiến sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến - chế tạo tại khu vực phía Nam” cho 56 học viên.
Khóa đào tạo nằm trong khuôn khổ biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Công Thương và Công ty TNHH Samsung Điện tử Việt Nam. Qua 12 khóa đào tạo đã có hơn 300 tư vấn viên Việt Nam được đào tạo bài bản và 56 doanh nghiệp được tư vấn cải tiến nâng cao năng suất chất lượng.
Đại diện Trung tâm Kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp khu vực phía Nam (IDCS) cho biết, khóa đào tạo này triển khai dựa trên quy trình tư vấn đã được Samsung áp dụng rất thành công gồm đánh giá tình hình hoạt động và kinh doanh của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam; tư vấn cải tiến, đổi mới sản xuất, quản lý chất lượng và lưu thông hàng hóa, cải thiện và duy trì môi trường làm việc, tăng năng suất lao động… nhằm mục tiêu tăng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, tham gia và tham gia sâu vào chuổi cung ứng toàn cầu
Theo ông Ngô Khải Hoàn, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương, làn sóng Covid-19 lần thứ 4 tại 19 tỉnh thành phía Nam trong quý II + III/2021, đã tác động lớn đến tất cả các hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là những doanh nghiệp sản xuất công nghiệp tại khu vực trọng điểm phía Nam gồm TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang…
Đến nay, các hoạt động sản xuất kinh doanh đã dần từng bước phục hồi, trong những tháng cuối năm 2021, cho thấy sự tăng trưởng không nhỏ của kinh tế trong nước, đặc biệt là kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước. "Nhìn chung trong năm 2021, lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng nhanh chưa từng có, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm đạt 668 tỷ đô, tăng 22,6% so với năm 2020. Kim ngạch xuất khẩu 336 tỷ đô, trong đó có tới 89% là kim ngạch của sản phẩm công nghiệp chế biến chế tạo.
Cho thấy vai trò quan trọng của ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến - chế tạo trong nền kinh tế, trong lao động sản xuất cũng như kim ngạch xuất khẩu của cả nước", ông Hoàn nói.
Cũng theo ông Nguyễn Khải Hoàn, thời gian qua, phát triển công nghiệp nói chung cũng như phát triển công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến – chế tạo nói riêng được Đảng và Nhà nước quan tâm. Đặc biệt là khâu hoàn thiện thể chế chính sách nhằm hỗ trợ cho các hoạt động đầu tư sản xuất và phát triển thương hiệu được thể hiện bằng hành lang pháp lý ngày càng hoàn thiện.
Được biết, sau các khóa đào tạo tại Việt Nam, một số tư vấn viên xuất sắc nhất sẽ tiếp tục được cử sang Hàn Quốc để hoàn thành khóa học chuyên sâu trong năm 2022.