| Hotline: 0983.970.780

Đất rừng phòng hộ giáp ranh Bình Định và Gia Lai bị xâm chiếm

Thứ Bảy 25/09/2021 , 15:41 (GMT+7)

Nhiều năm qua, hàng trăm héc ta đất rừng phòng hộ ở huyện Tây Sơn (Bình Định) giáp ranh với tỉnh Gia Lai bị người dân An Khê (Gia Lai) lấn chiếm, canh tác…

Hàng trăm héc ta đất rừng phòng hộ bị xâm lấn

Theo ông Lý Phùng Lê, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) huyện Tây Sơn (Bình Định), đơn vị này được giao quản lý hơn 20.500ha rừng và đất rừng phòng hộ trên địa bàn 6 xã của huyện Tây Sơn. Riêng trên địa bàn xã Tây Giang, nơi diện tích đất rừng giáp ranh với TX An Khê, có hơn 1.165ha tại 2 tiểu khu 270 và 282A, diện tích này được quy hoạch phòng hộ trước năm 2002 và đã được UBND tỉnh Bình Định cấp sổ đỏ năm 2004.

Nhiều năm qua, đất rừng phòng hộ nằm trên địa bàn xã Tây Giang, giáp ranh với tỉnh Gia Lai, đã bị người dân xã Song An (TX An Khê) lấn chiếm nhiều diện tích đất để làm nương rẫy, trồng cây keo lai. Theo lời kể của ông Lý Phùng Lê, trước đây, có 1 làng đồng bào dân tộc, người dân của xã Song An, sang ở và lấn chiếm đất rừng nằm trên địa bàn xã Tây Giang do BQLRPH huyện Tây Sơn quản lý để canh tác. Sau đó, số người dân nói trên quay lại xã Song An định cư, diện tích đất mà họ xâm chiếm trước đây hầu hết được bán lại cho người Kinh, cũng là dân ở xã Song An tiếp tục trồng keo.

Toàn cảnh khu rừng phòng hộ giáp ranh giữa Bình Định-Gia Lai bị người dân xã Song An (TX An Khê, Gia Lai) lấn chiếm. Ảnh: BQLRPH.

Toàn cảnh khu rừng phòng hộ giáp ranh giữa Bình Định-Gia Lai bị người dân xã Song An (TX An Khê, Gia Lai) lấn chiếm. Ảnh: BQLRPH.

Qua thống kê, diện tích đất rừng phòng hộ nằm trên địa bàn xã Tây Giang (huyện Tây Sơn) bị người dân xã Song An lấn chiếm là khoảng 132ha. Trước năm 2020, 1 số hộ dân xã Song An bỏ đất không canh tác, BQLRPH huyện Tây Sơn lên thu hồi được hơn 68ha, diện tích này hiện đã được trồng lại rừng theo dự án Bảo vệ và phát triển rừng bền vững của tỉnh. Số diện tích đất rừng phòng hộ còn bị người dân xã Song An xâm chiếm tính đến nay là hơn 80ha.

“Khi đơn vị mới thành lập vào năm 2002, khi ấy lực lượng chỉ có 12 người, nhân lực không đủ để bố trí đi kiểm tra, giám sát thường xuyên rừng giáp ranh nằm trên địa bàn xã Tây Giang. Do đó, đã xảy ra tình trạng các hộ dân ở xã Song An lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy. Tại tiểu khu 270 và 282A, 1 số người dân trong lúc phát rừng làm nương rẫy còn chặt phá bỏ cây lim xanh mà BQLRPH huyện Tây Sơn trồng làm chức năng phòng hộ”, ông Lê cho hay.

Theo BQLRPH huyện Tây Sơn, đường đi đến khu vực rừng giáp ranh ở xã Tây Giang rất cách trở, lực lượng chức năng muốn đi kiểm tra không thể đi từ huyện Tây Sơn, mà phải đi xe máy lên đến xã Song An, rồi theo đường mòn người dân địa phương để đi vào rừng. Thêm vào đó, các đối tượng vi phạm rất manh động, khi biết đơn vị quản lý rừng đi kiểm tra là sẵn sàng chống đối, uy hiếp, nên việc kiểm tra, xử lý cũng như tuyên truyền, vận động trở nên bế tắc.

Người dân xã Song An (TX An Khê, Gia Lai) lấn chiếm đất rừng do BQLRPH huyện Tây Sơn quản lý để canh tác. Ảnh: BQLRPH.

Người dân xã Song An (TX An Khê, Gia Lai) lấn chiếm đất rừng do BQLRPH huyện Tây Sơn quản lý để canh tác. Ảnh: BQLRPH.

Chính quyền nói, dân không nghe

Cũng theo ông Lý Phùng Lê, theo chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Định, trong năm 2020, BQLRPH huyện Tây Sơn đã cấm không cho người dân xã Song An khai thác rừng trồng trên đất của Bình Định. Thế nhưng vào đầu tháng 3/2020, UBND TX An Khê có văn bản gửi UBND tỉnh Bình Định, yêu cầu tạo điều kiện cho người dân xã Song An được khai thác diện tích rừng trồng trên vùng đất xâm chiếm của BQLRPH huyện Tây Sơn, sau đó sẽ vận động người dân trả lại đất cho tỉnh Bình Định. Thế nhưng sau khi khai thác xong, 1 số người dân không chịu trả lại đất mà cố tình tái lấn chiếm để tiếp tục trồng keo.

Trong những năm qua, BQLRPH huyện Tây Sơn liên tục làm việc với UBND xã Song An để giải quyết việc đất rừng giáp ranh bị lấn chiếm. Chính quyền xã Song An cũng rất tích cực phối hợp, mời những đối tượng lấn chiếm đất rừng lên tuyên truyền, vận động họ trả lại đất cho Bình Định. BQLRPH huyện Tây Sơn cũng đã đưa ra giải pháp hỗ trợ công phát dọn, công trồng và tạo việc làm bằng cách sau khi trồng lại rừng, sẽ giao khoán bảo vệ rừng lại cho những hộ lấn chiếm đất, nhưng họ từ chối. Những hộ dân lấn chiếm đất đòi hỏi, nếu thu hồi đất của họ thì phải bồi thường tiền đất theo giá hiện hành. Không thể thỏa thuận, nên dù UBND xã Song An có vận động đến mấy các đối tượng lấn chiếm đất rừng vẫn không nghe.

Muốn kiểm tra rừng phòng hộ giáp ranh giữa Bình Định-Gia Lai, đơn vị chức năng phải lên xã Song An (TX An Khê, Gia Lai) rồi đi theo đường mòn vào rừng. Ảnh: BQLRPH.

Muốn kiểm tra rừng phòng hộ giáp ranh giữa Bình Định-Gia Lai, đơn vị chức năng phải lên xã Song An (TX An Khê, Gia Lai) rồi đi theo đường mòn vào rừng. Ảnh: BQLRPH.

“Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục phối hợp với chính quyền xã Song An đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân xã Song An ký cam kết không được tái lấn chiếm. Đồng thời xác lập hồ sơ, hộ nào lấn chiếm bao nhiêu, đo đạc cụ thể để báo cáo lên UBND huyện”, ông Lý Phùng Lê, Giám đốc BQLRPH huyện Tây Sơn cho hay.

“UBND tỉnh Bình Định đã có văn bản trả lời UBND TX An Khê về vụ xâm lấn đất rừng nói trên. Văn bản yêu cầu các hộ dân xã Song An sau khi khai thác rừng đã trồng trên phần đất đó phải cam kết trả lại diện tích đất lâm nghiệp đã lấn chiếm trái phép. Đối với diện tích người dân đã lấn chiếm mà chưa khai thác, lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, giám sát và chỉ cho họ khai thác khi chính quyền 2 địa phương thống nhất cho chủ trương”, ông Bùi Văn Mỹ, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn.

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.