| Hotline: 0983.970.780

Bình Định: Rừng giáp ranh bị tàn phá

Thứ Hai 13/09/2021 , 14:52 (GMT+7)

Kiểm lâm huyện Tây Sơn (Bình Định) vừa phát hiện 5ha rừng tự nhiên nằm ở xã Tây Thuận, giáp ranh với xã Song An (TX An Khê, Gia Lai) bị đốt, phá tan hoang.

Chiều 13/9, ông Nguyễn Ơn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Tây Sơn (Bình Định), cho biết vừa phát hiện trên địa bàn có 5ha rừng tự nhiên giáp ranh với xã Song An (TX An Khê, Gia Lai) bị phá, đốt tan hoang.

Theo ông Ơn, khu vực rừng bị phá thuộc các tiểu khu 248 và 258, do UBND xã Tây Thuận (huyện Tây Sơn) quản lý. Khu rừng này nằm tiếp giáp với những rẫy trồng keo của người dân xã Song An thuộc TX An Khê (Gia Lai). Thời gian trước đây, người dân xã Song An cũng đã lén lút xâm lấn sang khu rừng này mỗi khi một ít để làm nương rẫy, giờ lợi dụng rẫy nằm giáp với rừng nên tiếp tục lấn chiếm để mở rộng diện tích rẫy.

Hiện trường vụ phá 5ha rừng tại tiểu khu 248, 258 nằm trên địa bàn xã Tây Thuận (huyện Tây Sơn, Bình Định) giáp ranh với xã Song An (TX An Khê, Gia Lai). Ảnh: Hạt Kiểm lâm huyện Tây Sơn cung cấp.

Hiện trường vụ phá 5ha rừng tại tiểu khu 248, 258 nằm trên địa bàn xã Tây Thuận (huyện Tây Sơn, Bình Định) giáp ranh với xã Song An (TX An Khê, Gia Lai). Ảnh: Hạt Kiểm lâm huyện Tây Sơn cung cấp.

“Theo nhận định ban đầu, 5ha rừng tự nhiện nói trên bị phá có thể để lấy đất rừng để trồng keo lai. Trong số diện tích rừng bị phá có khoảng 49.000m2 rừng ở trạng thái thường xanh nghèo có trữ lượng gỗ nhỏ với khoảng 10m3/ha, còn lại khoảng 9.200m2 ở trạng thái rừng tái sinh”, ông Ơn cho hay.

Vụ phá rừng nói trên được Hạt Kiểm lâm huyện Tây Sơn phát hiện trong 1 lần đi kiểm tra vào cuối tháng 8 vừa qua. “Vì vùng rừng giáp ranh nói trên rất nhạy cảm, nên cứ 2-3 ngày lực lượng kiểm lâm Tây Sơn đi kiểm tra 1 lần. Muốn kiểm tra vùng rừng giáp ranh đó, anh em không thể đi từ Tây Sơn qua, bởi phải đi đường rừng và qua nhiều ngọn núi cao nên phải mất cả buổi mới đến. Do đó, mỗi lần đi kiểm tra lực lượng kiểm lâm phải đi xe máy lên đến xã Song An, rồi theo đường dân sinh của người dân đi làm rẫy để vào rừng”, ông Nguyễn Ơn chia sẻ.

Sau khi phát hiện vụ việc, Hạt Kiểm lâm huyện Tây Sơn đã lập hồ sơ vụ phá hơn 5ha rừng tự nhiên tại xã Tây Thuận và đang phối hợp với cơ quan công an điều tra làm rõ đối tượng phá rừng.

Hạt Kiểm lâm huyện Tây Sơn cũng đã có quyết định trưng cầu giám định, mời Trung tâm Quy hoạch Nông nghiệp và nông thôn Bình Định lên giám định rừng bị phá để phục vụ công tác điều tra.

Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Định, ông Huỳnh Ngọc Bảo, cũng nhận định các tiểu khu 248, 258 nằm giáp ranh với địa phận TX An Khê (Gia Lai) là vùng rừng rất nhạy cảm, việc đi lại khó khăn, nên có thể các đối tượng phá rừng lợi dụng địa hình phức tạp để vào chặt phá, đốt cây để lấy đất trồng keo lai.

“Chi cục Kiểm lâm đã yêu cầu Hạt Kiểm lâm Tây Sơn tăng cường tuần tra đến những lâm phần giáp ranh, có địa hình phức tạp để kịp thời ngăn chặn những vụ phá rừng tương tự”, ông Bảo cho biết.

Trước đó, tại huyện Vĩnh Thạnh (Bình Định) có đến 883,84ha rừng và đất rừng nằm trên địa bàn 2 xã Vĩnh Hảo và Vĩnh Thuận, giáp ranh với TX An Khê (Gia Lai) đã bị các hộ dân ở 3 xã Tú An, Cửu An, Xuân An thuộc TX An Khê xâm chiếm, sau hơn 10 năm các ngành chức năng 2 tỉnh Bình Định và Gia Lai vào cuộc xử lý, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết rốt ráo. Những hộ dân TX An Khê (Gia Lai) xâm chiếm rừng và đất rừng của huyện Vĩnh Thạnh (Bình Định) cũng để trồng keo, bạch đàn, mì, đậu, dưa hấu và nhiều loại hoa màu khác.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Xây dựng vườn ươm cải tiến sản xuất giống cây lâm nghiệp

QUẢNG TRỊ Các vườn ươm cải tiến cung cấp 1,8 triệu cây giống lâm nghiệp chất lượng cao cho trồng rừng bền vững gắn với thực hiện chứng chỉ rừng vùng nguyên liệu.

Dựa vào dân để giữ rừng Pù Huống

Diện tích rừng trải rộng nhưng sức người quá nhỏ bé, để giữ vốn quý những con người tại Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống phải nỗ lực rất lớn.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.