| Hotline: 0983.970.780

Dấu ấn các công trình thủy lợi ngăn mặn

Thứ Tư 01/07/2020 , 09:43 (GMT+7)

Việc đưa vào vận hành hàng loạt công trình ngăn mặn đã giúp giảm thiểu thiệt hại do hạn mặn lịch sử cho các tỉnh ĐBSCL, nhất là thắng lợi vụ đông xuân.

Các công trình ngăn mặn góp dấu ấn quan trọng nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do hạn mặn lịch sử tại ĐBSCL trong năm 2020. (Trong ảnh: Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp kiểm tra tiến độ Công trình thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé đầu năm 2020). Ảnh: Đào Chánh.

Các công trình ngăn mặn góp dấu ấn quan trọng nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do hạn mặn lịch sử tại ĐBSCL trong năm 2020. (Trong ảnh: Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp kiểm tra tiến độ Công trình thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé đầu năm 2020). Ảnh: Đào Chánh.

Góp công lớn vào thắng lợi vụ đông xuân

Đánh giá về những kết quả đạt được của ngành nông nghiệp trong bối cảnh toàn ngành nông nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức trong nửa đầu năm 2020, tại hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm của Bộ NN-PTNT, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, yếu tố quan trọng là Bộ NN-PTNT và toàn ngành đã luôn quyết liệt, sáng tạo, vượt khó.

Đặc biệt, Bộ NN-PTNT đã sớm có những dự báo đúng, phối hợp tốt và vào cuộc đồng bộ cả trong Bộ NN-PTNT cũng như Bộ NN-PTNT với các bộ ngành, các địa phương để kịp thời có những giải pháp điều chỉnh kịp thời, hiệu quả trong công tác.

Cụ thể đối với tình hình hạn mặn tại các tỉnh ĐBSCL, trong 6 tháng đầu năm 2020, trước tình hình xâm nhập mặn mùa khô 2019 - 2020 ở ĐBSCL ở mức nghiêm trọng hơn mùa khô năm 2015 - 2016 và được đánh giá cao nhất trong 90 năm qua, Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo tổ chức theo dõi, giám sát, dự báo tình hình nguồn nước liên tục ngay từ tháng 6/2019 để xác định cụ thể phạm vi và mức độ ảnh hưởng của xâm nhập mặn, kịp thời cảnh báo các địa phương chuẩn bị kế hoạch ứng phó và báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện xuống giống sớm, quyết liệt các giải pháp ứng phó phù hợp.

Do vậy, tổng thiệt hại đều giảm, thấp hơn nhiều so với thiệt hại năm 2015 - 2016, nhất là góp phần quan trọng vào thắng lợi của vụ lúa đông xuân 2020 tại các tỉnh ĐBSCL.

Bên cạnh đó, Bộ đã chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ đầu tư, khánh thánh đưa vào sử dụng các dự án thủy lợi, phòng chống thiên tai, nhất là ngăn xâm nhập mặn phục vụ sản xuất (trong đó có nhiều dự án vượt kế hoạch) ngay từ cuối năm 2019, đầu năm 2020 như Cống âu thuyền Ninh Quới (hệ thống thủy lợi Quản Lộ- Phụng Hiệp); Trạm bơm Xuân Hòa (tỉnh Tiền Giang); các cống Tân Dinh, Bông Bót, Vũng Liêm (hệ thống thủy lợi Nam Mang Thít), 18 cống kiểm soát mặn thuộc Dự án Bắc Bến Tre giai đoạn 1; nạo vét kênh Mây Phốp - Ngã Hậu…, đặc biệt là hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé.

Bộ NN-PTNT cũng đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương đánh giá nguồn nước tại các vùng; chỉ đạo tăng cường ứng dụng KHKT trong quản lý, khai thác và bảo đảm an toàn hồ chứa, công trình thủy lợi; điều tiết nguồn nước tại các hồ thủy lợi và phối hợp điều tiết nguồn nước các hồ thủy điện theo vùng, liên vùng để giảm thiểu tác động tiêu cực của hạn hán, xâm nhập mặn, đáp ứng yêu cầu về nước cho sản xuất và sinh hoạt khu vực nông thôn.

Sẵn sàng ứng phó trước mùa mưa bão năm 2020

Tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2020 của Bộ NN-PTNT ngày 29/6, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, cho biết: Mùa mưa bão năm 2020 dự báo sẽ có khoảng 13 - 14 cơn bão vào Biển Đông, trong đó có thể có từ 5 - 6 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta, và sẽ tập trung chủ yếu vào khu vực Nam bộ và Nam Trung bộ.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Tùng Đinh

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Tùng Đinh

Trong khi đó, miền Bắc sẽ có nguy cơ đối mặt với mưa to cục bộ. Đây sẽ là nguy cơ rất lớn. Đối với khu vực các tỉnh Tây Nguyên, mùa mưa lũ năm nay cũng có nguy cơ đối mặt với lũ lớn, với mức báo động cấp 3.

Với các tỉnh ĐBSCL, dự báo mùa lũ năm nay lũ sẽ thấp, đến chậm, nhiều khả năng cuối tháng 9 mới xuất hiện đỉnh lũ ở mức báo động 1, báo động 2.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cũng cảnh báo trong điều kiện biến đổi khí hậu diễn ra cực đoan và bất thường, cần có phương án nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối trong mùa mưa bão 2020.

Theo đó, đối với 16 hồ chứa đang trong quá trình thi công, phải vượt lũ, cần phải dứt khoát đảm bảo an toàn.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cũng lo ngại khi năm nay, dù chưa đến mùa mưa lũ nhưng đã có 2 sự cố vỡ đập, vì vậy thời gian tới, Tổng cục Thủy lợi cần phải hết sức sát sao, rà soát kỹ các hồ chứa, điểm xung yếu của các công trình thủy lợi có nguy cơ cao để có phương án xử lí, đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão 2020.

Hiện nay, cả nước đang có tới 1.200 hồ chứa thuộc diện không an toàn, trong đó có 200 hồ chứa có nguy cơ đặc biệt nguy hiểm.

Về vấn đề vận hành các công trình thủy lợi, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị các đơn vị cần phải tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thêm trong thời gian tới nhằm phát huy hiệu quả trong vận hành của các công trình thủy lợi.

Ví dụ: Hệ thống đê bao tháng 8 (đê bao chống lũ tháng 8) tại ĐBSCL, nếu hoàn thiện, củng cố tốt thì có thể tăng lập tức thêm được khoảng 250 nghìn ha cho vụ thu đông. Hoặc vùng thủy lợi ĐBSH, nếu có hệ thống kênh lấy nước, trạm bơm chủ động thì không còn phải phụ thuộc vào việc Thủy điện Hòa Bình phải xả nước nữa…

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị các đơn vị trực thuộc Bộ NN-PTNT phối hợp với các địa phương tổng kiểm tra các hồ chứa, điểm xung yếu trước mùa mưa bão năm 2020. Ảnh: Việt Khánh.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị các đơn vị trực thuộc Bộ NN-PTNT phối hợp với các địa phương tổng kiểm tra các hồ chứa, điểm xung yếu trước mùa mưa bão năm 2020. Ảnh: Việt Khánh.

Từ nay đến cuối năm 2020, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp yêu cầu các đơn vị liên quan phải sớm hoàn thiện các hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, nhất là các nghị định, văn bản thi hành luật, chiến lược, đề án… về thủy lợi và phòng chống thiên tai.

Đồng thời, cần tập trung cao độ cho việc giải ngân các nguồn vốn đầu tư về thủy lợi và phòng chống thiên tai. Bởi hiện nay, nhất là giải ngân cho vốn ODA còn gặp nhiều khó khăn, tiến độ chậm do nguồn vốn được giao lớn, quy trình thủ tục giải ngân khó khăn…

Bên cạnh đó, cần khẩn trương sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp trong ngành thủy lợi, nhất là hệ thống các doanh nghiệp

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cũng cho biết thời thời gian tới, Quốc hội sẽ có đoàn giám sát về an ninh nguồn nước, theo đó sẽ cố gắng có nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về vấn đề an ninh nguồn nước, đây sẽ là điều kiện tốt cho ngành thủy lợi và phòng chống thiên tai…

Mùa mưa bão phía Bắc diễn biến khó lường

Ngày 30/6, Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia đã có những nhận định về tình hình khí tượng thủy văn các tỉnh Bắc Bộ trong 6 tháng cuối năm 2020.

Theo đó đối với khu vực Bắc Bộ, trong mùa mưa bão tập trung vào giai đoạn từ tháng 8 đến giữa tháng 10/2020, trong đó có khoảng từ 1 - 2 ATNĐ/bão ảnh hưởng đến khu vực Bắc bộ giai đoạn từ tháng 8 - 10/2020.

Về lượng mưa, tổng lượng mưa tháng 7/2020 phổ biến ở mức thiếu hụt khoảng từ 10 - 25%; tháng 8, tháng 10, tháng 11/2020 ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm (TBNN). Tuy nhiên tháng 9/2020, lượng mưa dự báo cao hơn TBNN từ 15 - 30%, riêng khu vực đồng bằng Bắc bộ ở mức xấp xỉ so với TBNN.

Theo nhận định chung, tổng lượng mưa/tháng ở các tỉnh Bắc bộ trong 6 tháng cuối năm 2020 có xu thế ở mức xấp xỉ và thấp hơn TBNN.

Tuy nhiên theo số liệu thực tế cho thấy, mưa lớn trong một thời gian ngắn đã gây nên những trận lũ lớn và đặc biệt lớn. Với những diễn biến thời tiết bất thường như hiện nay và tình hình mưa, lũ đang xảy ra ở các tỉnh phía nam Trung Quốc, cho thấy sự phức tạp của mùa mưa lũ năm nay ở khu vực Bắc bộ nói riêng, trên toàn quốc nói chung. Nguy cơ xuất hiện lũ lớn luôn tiềm ẩn.

Cũng theo Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, từ chiều tối và đêm 1/7 đến 4/7, mưa lớn có xu hướng gia tăng ở các tỉnh Bắc bộ và Thanh Hóa. Ngoài ra, do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam nên từ ngày 30/6 đến khoảng 02/7, ở khu vực Nam Trung bộ, Tây Nguyên và Nam bộ có mưa dông diện rộng, cục bộ có mưa vừa, mưa to.

Trong đợt mưa sắp tới, khu vực có khả năng xảy ra mưa lớn nhất là Tây Bắc, Việt Bắc, trong đó đặc biệt chú ý các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên. Cần đặc biệt lưu ý trong bối cảnh nền nhiệt độ ở miền Bắc đang cao, những trận mưa sắp tới có nhiều khả năng gây ra dông, lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Ngoài ra, khả năng lũ quét, sạt lở đất đá sẽ có nguy cơ cao ở vùng núi Bắc Bộ, riêng các tỉnh trọng tâm mưa lớn ở trên có khả năng rất cao.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Dông lốc ở Lào Cai gây thiệt hại gần 3 tỷ đồng

Các hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện ngày càng gây thiệt hại lớn tài sản người dân trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Cứu lấy gần 30ha rừng ngập mặn ở Nam Định: [Bài 2] Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm?

Chủ đầu tư Khu công nghiệp Rạng Đông phải chịu trách nhiệm nếu kênh xả thải khu công nghiệp chặn dòng chảy làm gần 30ha rừng ngập mặn ven biển Nghĩa Hưng bị thiệt hại.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm