| Hotline: 0983.970.780

Niềm tin Cái Lớn - Cái Bé

Thứ Sáu 08/11/2019 , 08:48 (GMT+7)

Ngày 9/11, Bộ NN-PTNT tổ chức “Hội nghị phát động phong trào thi đua thực hiện Dự án Hệ thống thủy lợi Cái Lớn-Cái Bé giai đoạn 1” tại vị trí xây dựng cống Cái Lớn ở xã Bình An (Châu Thành, Kiên Giang) trong niềm vui đón nhận của người dân và các cấp chính quyền nhiều tỉnh ở khu vực bán đảo Cà Mau.

16-43-25_0711191
Trên cầu Cái Lớn nhìn về vị trí xây cống Cái Lớn ở hạ lưu 2,4 km.

Đây là dự án được chờ đợi từ lâu với niềm tin khi hoàn thành sẽ hỗ trợ kiểm soát nguồn nước, góp phần ổn định sản xuất và cuộc sống, đảm bảo phát triển bền vững.
 

Niềm vui sớm lan tỏa

Chính quyền hai huyện Châu Thành và An Biên của tỉnh Kiên Giang làm chủ đầu tư hợp phần đền bù giải phóng mặt bằng. Diện tích đất sử dụng cho công trình 26,75 ha, có 196 hộ bị ảnh hưởng, tổng chi phí đền bù 173 tỷ đồng. Mới mấy tháng triển khai, đến nay đã chi trả tiền đền bù và bàn giao mặt bằng 26,641 ha (99,6% diện tích) cho 193/196 hộ (98,5% số hộ). Hiện chỉ còn 3 hộ chưa nhận tiền bồi thường 0,136ha đất nông nghiệp (không phải di dời nhà, vật kiến trúc).

Lãnh đạo UBND huyện Châu Thành đánh giá, đây là dự án mà địa phương thực hiện công tác bồi hoàn với thời gian ngắn nhất. Các cán bộ huyện phấn khởi nói, sự ủng hộ người dân địa phương cho thấy niềm tin đang lan tỏa.

Niềm tin của các địa phương đã bộc lộ khá rõ tại cuộc họp lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị, địa phương, chuyên gia, nhà khoa học về dự án do Bộ NN-PTNT tổ chức sáng 7/9/2018, tại tỉnh Kiên Giang. Các ý kiến sôi nổi và thẳng thắn nhấn mạnh mục tiêu thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ: “Chủ động sống chung với lũ, ngập, nước lợ, nước mặn”.

Chủ tịch UBND các tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang, Bạc Liêu có văn bản gửi Bộ NN-PTNT thống nhất: “Hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé được triển khai là tiền đề xây dựng quy hoạch chung hệ thống thủy lợi ĐBSCL góp phần thực hiện Nghị quyết số 120”.

Tại cuộc họp, điển hình cho mong muốn sớm triển khai dự án là ý kiến của Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang: “Chúng tôi chờ đợi mòn mỏi chục năm rồi, rất cần dự án để thoát cảnh lùng nhùng không rõ ràng mặn ngọt, mỗi năm phải đắp tạm hàng trăm đập ngăn mặn mà vẫn không chuyển đổi được sản xuất”.

Các GS.TS Đào Xuân Học, Nguyễn Tất Đắc (chuyên gia thủy lợi, tài nguyên đất) và PGS.TS Lê Việt Dũng (Phó hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ) ủng hộ đầu tư dự án để chủ động sống chung với thiên nhiên, đưa sản xuất nông nghiệp lên tầm công nghiệp.

GS.TS Nguyễn Ngọc Trân cũng bày tỏ, không phản đối công trình nếu cần thiết và không hối tiếc, tuy nhiên, đề nghị thảo luận thêm biện pháp phi công trình để tìm giải pháp “theo hướng tiếp cận hệ thống và động”, thích ứng với biến đổi khí hậu.

16-43-25_0711192
Vị trí cống Cái Lớn-Cái Bé và vùng dự án ở ĐBSCL.

Cũng từ ý kiến phản biện thẳng thắn của các nhà khoa học, dự án đã được hoàn thiện hơn và đặc biệt, có thêm hợp phần “Mô hình sinh kế và các hoạt động phi công trình” trực tiếp lo cho cuộc sống người dân, trị giá 50 tỷ đồng, lần đầu tiên đặt ra trong một dự án thủy lợi. Hợp phần này do Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang và Hậu Giang làm chủ đầu tư trên địa bàn sở tại.
 

Quá trình ra đời và hoàn thiện

Cho đến nay, đây là dự án thủy lợi lớn nhất vùng ĐBSCL, được chuẩn bị công phu qua nhiều giai đoạn, có thể tóm tắt như sau.

Quá trình nghiên cứu, quy hoạch trước năm 2000 với các đề tài cấp Bộ, cấp Nhà nước. Trên cơ sở nghiên cứu và lập quy hoạch đó, ngày 19/4/2006, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 84/2006/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch thủy lợi ĐBSCL giai đoạn 2006-2010 và định hướng đến năm 2020, trong đó nêu việc triển khai công trình kiểm soát mặn, giữ ngọt ở hạ lưu các sông Cái Lớn, Cái Bé. Năm 2009, Bộ NN-PTNT phê duyệt Quy hoạch thuỷ lợi vùng Nam bán đảo Cà Mau đặt nhiệm vụ đầu tư cống và âu thuyền trên sông Cái Lớn, Cái Bé.

Ngày 25/9/2012, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1397/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch thuỷ lợi ĐBSCL giai đoạn 2012 - 2020 và định hướng đến 2050 trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng, với giải pháp để cấp nước và kiểm soát mặn cho vùng Bán đảo Cà Mau cần xây dựng cống Cái Lớn - Cái Bé. Quy hoạch thủy lợi các địa phương bám sát quyết định của Chính phủ. Kế hoạch ĐBSCL do Chính phủ Hà Lan thực hiện, đặt Cụm công trình thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé là giải pháp “không hối tiếc” và ưu tiên.

Giai đoạn chuẩn bị đầu tư: Năm 2009, bắt đầu lập dự án đầu tư xây dựng cống Cái Lớn, Cái Bé. Gần chục năm sau, trên cơ sở kết quả thẩm định của Hội đồng thẩm định liên ngành (gồm Bộ KH-ĐT, Bộ NN-PTNT, Bộ TN-MT, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng; các tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, TP. Cần Thơ), đề nghị của các tỉnh và Bộ NN-PTNT, ngày 17/4/2017, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 498/QĐ-TTg phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Hệ thống Thủy lợi Cái Lớn-Cái Bé giai đoạn 1.

Tiếp đó, từ tháng 4/2017 - 12/2018, hồ sơ nghiên cứu khả thi không ngừng hoàn thiện qua nghiên cứu đề xuất phương án khác để so sánh của Viện Đổi mới Công nghệ Thủy lợi Mekong; phản biện xã hội về xây dựng dự án do Trường Đại học Cần Thơ thực hiện; nghiên cứu bổ sung, đánh giá hiện trạng, phân tích các tác động của Hệ thống cống Cái Lớn - Cái Bé đến vùng Bán đảo Cà Mau do GS.TS Tăng Đức Thắng chủ trì; tính toán lan truyền ô nhiễm do GS.TS Nguyễn Tất Đắc thực hiện. Thẩm tra Báo cáo nghiên cứu khả thi do GS.TS Phan Sỹ Kỳ chủ trì và GS.TS Đỗ Cao Đàm chủ trì phần thủy văn. Bên cạnh, Bộ NN&PTNT tổ chức rất nhiều cuộc hội thảo chuyên đề, hội nghị xin ý kiến các cơ quan, địa phương, chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài ngành.

Ngày 18/12/2018, Bộ trưởng Bộ TN-MT phê duyệt báo cáo đánh gía tác động môi trường sau khi Hội đồng thẩm định thông qua với tỷ lệ 100% (21/21 người). Ngày 25/12/2018, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT ký Quyết định số 5078/QĐ-BNN-XD phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình Hệ thống Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1.

Sau khi dự án được phê duyệt, Chủ đầu tư và các đơn vị tư vấn khẩn trương lập thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công các công trình trong dự án. Bộ NN-PTNT thành lập Tổ chuyên gia kỹ thuật gồm 11 chuyên gia. Và ngày 12/8/2019, Bộ NN-PTNT đã có Quyết định số 3131/QĐ-BNN-XD phê duyệt thiết kế kỹ thuật cống Cái Lớn, cống Cái Bé. Tiếp đó, Chủ đầu tư phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công, dự toán tại các quyết định số 21/QĐ-BQL10-TĐ ngày 26/8/2019 và số 22/QĐ-BQL10-TĐ ngày 26/8/2019.
 

Nhiệm vụ, quy mô và kỳ vọng

Dự án có 4 nhiệm vụ chính. Kiểm soát nguồn nước (mặn, lợ, ngọt), tạo điều kiện sản xuất ổn định, bền vững đối với các mô hình sản xuất theo hệ sinh thái (ngọt, mặn - lợ, ngọt - lợ luân phiên) cho vùng hưởng lợi với diện tích tự nhiên 384.120ha; trong đó đất sản xuất nông nghiệp, thủy sản là 346.241ha.

16-43-25_0711193
Dự án hoàn thành sẽ giảm bớt việc đắp đê tạm để ngăn mặn hàng năm rất tốn kém.
Quá trình xây dựng đặt mục tiêu: “Chất lượng công trình tốt nhất; Tiến độ nhanh nhất; An toàn nhất; Hiệu quả dự án cao nhất”. Tại hội nghị phát động phong trào thi đua sẽ diễn ra lễ: Ký kết giao ước thi đua xây dựng công trình đảm bảo chất lượng, tiến độ, mỹ thuật; Ký kết giữa Chủ đầu tư và địa phương về đảm bảo mặt bằng thi công cho Nhà thầu; Ký kết giữa Bộ NN-PTNT và UBND các tỉnh vùng dự án Kiên Giang, Hậu Giang, Cà Mau, Bạc Liêu về giám sát quá trình thực hiện và vận hành đảm bảo phát huy hiệu quả của dự án.

Kết hợp tuyến đê biển Tây tạo thành cụm công trình chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, phòng, chống thiên tai, giảm ngập úng khi mặt đất hạ thấp (do lún sụt đất); Giảm thiệt hại do thiên tai (hạn, mặn) vào mùa khô cho các mô hình sản xuất trong vùng.

Góp phần cấp nước ngọt trong mùa mưa cho vùng sản xuất mặn-ngọt huyện An Minh, An Biên với những năm mưa ít; và tiêu thoát cho vùng hưởng lợi của dự án trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Kết hợp phát triển cơ sở hạ tầng giao thông bộ, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực.

Cống Cái Lớn có chiều rộng thông nước 455m, gồm 11 khoang, mỗi khoang rộng 40m (8 khoang ngưỡng -6.5m; 2 khoang ngưỡng -5.0m; 1 khoang ngưỡng -3,5m) và 01 khoang âu thuyền rộng 15m, ngưỡng -5.0m. Cống Cái Bé có chiều rộng thông nước 85m, gồm 2 khoang, mỗi khoang rộng 35m, ngưỡng -5.0m và 1 khoang âu thuyền rộng 15m, ngưỡng -4.5m. Cửa van cống, âu thuyền bằng thép, vận hành bằng hệ thống xi lanh thủy lực. Trên cống có cầu giao thông. Đê nối cống Cái Lớn, cống Cái Bé với Quốc lộ 61 dài 5,742 km, mặt đê 9m, phần xe chạy 7m.

Dự án thuộc nhóm A, cống Cái Lớn cấp I, cống Cái Bé cấp II, đê nối cấp III. Tổng mức đầu tư 3.309.500.000.000 đồng, trong đó, chi phí xây dựng và thiết bị 2.372.605.000.000 đồng, còn lại là chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, quản lý, tư vấn, dự phòng. Nguồn vốn trái phiếu Chính phủ do Bộ NN-PTNT quản lý. Thời gian hoàn thành trước ngày 31/12/2021.

Vùng hưởng lợi trực tiếp từ dự án, theo Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, là vùng trũng, hiện phụ thuộc gần như hoàn toàn vào tự nhiên. Khu vực sinh thái ngọt thì bị mặn xâm nhập vào mùa khô, khu vực sinh thái mặn có lúc độ mặn quá cao dẫn đến sản xuất rất khó khăn và bấp bênh. Cả vùng đang chờ đón dự án hoàn thành góp phần chủ động khai thác tốt điều kiện tự nhiên, phát triển kinh tế.

Hội Khoa học và Kỹ thuật Thủy lợi TP. Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh, không thể để một vùng đất thấp trũng nhưng màu mỡ trong tình trạng mặn không ra mặn, ngọt không ra ngọt và không thể phát triển ổn định một cây gì, con gì như hiện nay mà cần phải kiểm soát mặn bằng hệ thống cống chủ động. Trong tương lai, dự án sẽ tạo điều kiện (khi cần thiết) hình thành khu vực trữ nước ngọt trong mùa khô chi viện nước ngọt cho các vùng sản xuất phía hạ lưu ven biển Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau. Dự án Hệ thống thủy lợi Cái Lớn-Cái Bé là nền tảng ban đầu góp phần ổn định sinh kế, nâng cao đời sống, tạo điều kiện thuận lợi chuyển đổi cây con, xây dựng nền sản xuất hàng hóa tập trung, chất lượng cao cho tiêu thụ nội địa và xuất khẩu ở vùng đất giàu tiềm năng.

Cơ quan chủ quản dự án là Bộ NN-PTNT. Chủ đầu tư Hợp phần Xây dựng là Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 10.

Thầu cây lắp có 2 gói. Gói thầu 01 “Xây dựng, cung cấp và lắp đặt thiết bị cống Cái Lớn”, trúng thầu là Liên danh C.ty CP XD Trung Nam 18 E&C – C.ty TNHH TM&XD Trung Chính – C.ty TNHH Hòa Hiệp – C.ty TNHH XD&KSCT Thanh Tuấn – C.ty CP XD Đê Kè & PTNT Hải Dương – C.ty CP Lilama 10.

Gói thầu 02 “Xây dựng, cung cấp, lắp đặt thiết bị cống Cái Bé và Đê nối Cống Cái Lớn, Cái Bé với Quốc lộ 61”, trúng thầu là Liên danh C.ty TNHH MTV Trần Trân – C.ty TNHH TM&XD Trung Chính – Cty TNHH Trường Phát – C.ty CPĐT XD Thái Quảng – C.ty CPĐT XD Đại An – C.ty CP Cơ khí và Xây lắp 276.

Các gói thầu được ký hợp đồng ngày 10/10/2019 và các nhà thầu đã bắt đầu triển khai thi công từ ngày 20/10/2019.

Xem thêm
Cây dâu khỏa lấp cây tiêu ở vùng biên

BÌNH PHƯỚC Từng là thủ phủ hồ tiêu của tỉnh Bình Phước, sau thời kỳ hồ tiêu suy thoái, mô hình trồng dâu nuôi tằm đã mở ra hướng đi mới cho người dân nơi đây.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Xử lý triệt đề gian lận trong quản lý mã số vùng trồng dừa

Một trong những vấn đề cần giải quyết triệt để hiện nay là tình trạng mua bán mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói trong ngành dừa và nông sản.