| Hotline: 0983.970.780

Dấu ấn cải cách hành chính thời Nguyễn - Giá trị lịch sử và đương đại

Thứ Tư 17/10/2018 , 14:30 (GMT+7)

Vừa qua, tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 1, Bộ Nội vụ đã tổ chức Hội thảo khoa học “Dấu ấn cải cách hành chính thời Nguyễn - Giá trị lịch sử và đương đại”.

Hội thảo do lãnh đạo Bộ Nội vụ chủ trì, với sự tham gia của một số chuyên gia, các nhà khoa học, nhà sử học, lãnh đạo, công chức làm công tác cải cách hành chính (CCHC) của một số Bộ, ngành, địa phương.

16-47-22_thu_truong_bo_noi_vu_nguyen_trong_thu_pht_bieu_ti_hoi_tho

Hội thảo được tổ chức với mục đích cùng nhìn lại những dấu ấn CCHC của thời đại trước và những vấn đề đang đặt ra trong thực tiễn xã hội ngày hôm nay, để cùng nhìn nhận đánh giá những giá trị lịch sử cũng như rút ra những bài học kinh nghiệm cho đương đại.

Các cuộc cải cách trong thời kỳ phong kiến Việt Nam nói chung và CCHC dưới triều Nguyễn nói riêng được xem xét, đánh giá như những kinh nghiệm quý báu cho công cuộc đổi mới hiện nay. Sở dĩ vấn đề cải cách luôn được giới chính trị và các nhà khoa học quan tâm, vì đây là một trong những điểm mấu chốt để thúc đẩy sự tiến bộ xã hội.

Một đất nước sẽ không thể phát triển nếu như không có các cuộc cải cách, đặc biệt là CCHC nhà nước. Ngược dòng lịch sử, chúng ta có thể nhận thấy mỗi triều đại phong kiến hầu như đều có ít nhất một cuộc cải cách diễn ra.

Trong đó, một số cuộc cải cách để lại dấu ấn như: cuộc cải cách của Hồ Quý Ly khởi xướng những năm cuối thế kỷ 14 đầu thế kỷ 15, cải cách của vua Lê Thánh Tông thực hiện từ năm 1466 đến năm 1471, cải cách của vua Quang Trung những năm cuối thế kỷ 18 hay cải cách dưới thời vua Minh Mệnh nhà Nguyễn năm 1831-1832.

Nói về CCHC triều Nguyễn không thể không nhắc đến vị Hoàng đế đầu tiên của nhà Nguyễn là vua Gia Long. Ngay sau khi lập nước, ông đã định ra nhiều chính sách mới, như đặt quốc hiệu Việt Nam, đặt nghi thức thiết triều, đo đạc lập địa bạ trên toàn quốc, quy định trang phục, ấn triện, tiền tệ… mới hoàn toàn so với trước.

Đến thời vua Minh Mệnh, với bản tính của một người năng động, quyết đoán, mặc dù kế thừa sự nghiệp khá vững chắc của vua cha Gia Long, ông vẫn quyết tâm cải tổ từ bộ máy hành chính, quan ngạch, quân đội, khoa cử, thuế khóa…, đặc biệt ông phân định lại toàn bộ địa giới hành chính cả nước tinh gọn và dễ kiểm soát hơn.

Thời vua Tự Đức, trước sức ép xâm lược của thực dân phương Tây, Tự Đức đã có những chính sách cải tổ nhất định để thích ứng, như áp dụng một số đề xuất canh tân của các nhà cải cách đương thời như Đặng Huy Trứ, Nguyễn Trường Tộ…

Vua Thành Thái chủ động học tiếng Pháp, tiếp nhận văn hóa phương Tây, đọc sách Pháp, cắt tóc ngắn, mặc âu phục… Vua Khải Định tự thiết kế trang phục kiểu mới, cho xây dựng Kiến Trung, cung An Định, Ứng Lăng theo phong cách kiến trúc hiện đại.

Hay Bảo Đại, vị vua Tây học hoàn toàn nên ngay sau khi nắm quyền điều hành đất nước, ông lập tức xóa bỏ các nghi thức hủ tục trong triều, cải tổ nội các và các Bộ, thay thế những quan lại bảo thủ bằng các học giả theo trường phái tân tiến, thay thế hệ thống văn bản hành chính cũ viết bằng chữ Hán Nôm với hệ thống văn bản kiểu mới viết bằng chữ quốc ngữ…

Có thể nói cải cách luôn là nhu cầu thiết yếu của mỗi giai đoạn lịch sử và cũng là khát vọng của những người đứng đầu đất nước. Tuy mỗi giai đoạn, nhà cầm quyền có những mục tiêu và phương thức khác nhau nhưng đều hướng tới mong muốn chung là làm sao cho dân già nước thịnh, xã hội ổn định phồn vinh.

Và để đạt được mục đích đó, việc củng cố tinh lọc bộ máy hành chính, tuyển chọn sử dụng nhân tài, chống tham nhũng, kiểm soát quyền lực nhà nước luôn là mối quan tâm hàng đầu của các bậc minh quân.

Hội thảo là một diễn đàn mở, không chỉ trao đổi những vấn đề mang tính học thuật hàn lâm, mà còn đem đến những vấn đề thời sự mang hơi thở cuộc sống đương đại. Những đóng góp của hội thảo về các khía cạnh cải cách nói chung và cải cách hành chính nói riêng trong quá khứ và hiện tại đã góp thêm những góc nhìn khoa học mới mẻ và thực tiễn giúp các nhà quản lý đương thời hoạch định những chính sách cải cách phù hợp.

Những kinh nghiệm của quá khứ sẽ luôn là bài học quý báu cho hiện tại và tương lai. Ôn cũ để biết mới cũng là thể hiện trách nhiệm của hậu thế trước tiền nhân.

 

Xem thêm
Công tử Bạc Liêu trên màn ảnh mờ nhạt cá tính

Công tử Bạc Liêu là nhân vật để lại nhiều giai thoại trong đời sống cộng đồng, nhưng khi được tái hiện thành một tác phẩm điện ảnh lại không mấy ấn tượng.

Đại kiện tướng Lê Quang Liêm xếp thứ nhì giải cờ vua quốc tế KPNest

Kỳ thủ cờ vua số 1 Việt Nam từ Mỹ trở về TPHCM thi đấu giải cờ vua quốc tế và kết thúc ở hạng nhì trong bảng mở của nam.

Hàng trăm thú cưng đọ tài sắc tại Vietnam Pet Festival 2024

TP.HCM Ngày 29/6, hàng trăm chó mèo được chủ nhân đưa đến Vietnam Pet Festival 2024 tổ chức tại quận 12 để tham gia các cuộc thi sắc đẹp, thi thời trang.