| Hotline: 0983.970.780

Đâu cứ phải đốt nhiều vàng mã mới có lộc

Thứ Năm 13/02/2014 , 11:04 (GMT+7)

Ngày Ông Táo về Trời và dịp Tết Nguyên Đán vừa qua, người dân vẫn đốt quá nhiều đồ vàng mã.

Ngày Ông Táo về Trời và dịp Tết Nguyên Đán vừa qua, người dân vẫn đốt quá nhiều đồ vàng mã.

Lại chuẩn bị tới ngày Rằm tháng Giêng, những hộ dân vốn có “truyền thống” đốt nhiều đồ vàng mã thì họ không thể không đốt nhiều, bởi lẽ theo dân gian vẫn nói “Cúng cả năm không bằng Rằm tháng Giêng”.

Ngày nay, khi mà điều kiện kinh tế nhiều gia đình khá giả lên thì người ta thường mua rất nhiều đồ mã để cúng lễ rồi hoá vàng để “gửi” sang… “Thế giới bên kia” cho thần linh, cho người thân quá cố. Nhà nào cúng và đốt ít vàng mã bị xem là hà tiện, xem là “không chu đáo”, vì vậy trong vấn đề này cũng luôn có sự ganh đua ngầm khiến cho thị trường đồ mã dịp cuối năm, đầu năm luôn đắt hàng như tôm tươi.

Có người còn nghĩ rằng, cứ cúng nhiều đồ mã là sẽ được lộc to nên họ càng mua nhiều, cúng và đốt một cách vô tội vạ! Đại đa số mọi người đều cho rằng “Trần sao Âm vậy”, nghĩa là người sống sinh hoạt như thế nào thì người chết dưới âm phủ cũng sinh hoạt như thế (?!), nên công nghệ sản xuất đồ vàng mã càng phát đạt với rất nhiều mẫu mã đa chủng loại, thôi thì đủ loại vật dụng đời thường như: Quần áo, xe đạp, tiền, đô la, vàng… Rồi các phương tiện giao thông như ô tô, xe máy, máy bay, và thậm chí cả nhà tầng, cả cung tần mỹ nữ… cũng được làm ra để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của mọi nhà.

Tôi đã từng chứng kiến một gia đình ở cùng khu phố, chỉ dịp Ông Táo và mấy ngày Tết Nguyên Đán vừa qua đã bỏ ra hơn 10 triệu đồng để mua vàng mã về cúng rồi… đốt- một số tiền quá lớn so với thu nhập của những công chức bình thường trong một tháng.

Nhiều nhà giàu thì việc họ bỏ ra bao nhiêu tiền thật để mua đồ mã về cúng, đốt là "chuyện nhỏ", bởi có mất cả một, vài chục triệu cũng chẳng bỏ bèn gì so với khối tài sản cả nhiều tỷ bạc. Thế nhưng, với người nghèo thì mất mấy trăm ngàn cho vấn đề này cũng là cả vấn đề! Song trên thực tế, vẫn có quá nhiều người nghèo vẫn có suy nghĩ đầy "ấu trĩ" là: Đốt nhiều vàng mã là có hiếu, có lộc… và họ càng chạy đua để mua và đốt cho thật nhiều!

Vẫn biết là tập tục đốt vàng mã của ta trong những dịp cúng lễ đã có từ lâu đời và để người dân từ bỏ ngay quan niệm này là rất khó.Nhưng, việc tuyên truyền qua các kênh thông tin, đến mọi địa bàn để mọi người, mọi nhà hiểu được tập tục này rất không có lợi, tốn kém, ô nhiễm môi trường… là rất cần thiết.

Quả như chúng ta đều thấy, việc các gia đình đều phải chi một khoản tiền không nhỏ cho đồ vàng mã mỗi năm là có thực. Điều đó không chỉ gây lãng phí ở mỗi gia đình, mà đối với đất nước còn tốn một khối lượng giấy khổng lồ để sản xuất đồ mã, trong khi chúng ta vẫn phải nhập rất nhiều giấy cũng như nguyên liệu làm giấy. Rỗi nữa, ô nhiễm môi trường từ tro hoá vàng, từ hoá chất, bột, phẩm màu trong các công đoạn làm đồ mã và cũng là nguyên nhân gây hỏa hoạn…

Từ thực trạng trên, mong rằng mọi người dân hãy suy nghĩ, ý thức và hạn chế dần trong việc cúng đốt vàng mã. Các gia đình nên cúng càng ít đồ mã càng tốt và nếu từ bỏ hẳn tập tục này là tốt nhất, bởi lẽ lòng thành kính với thần thánh, tiên tổ, người thân quá cố… đâu cứ phải cúng nhiều, đốt nhiều mà là ở cái tâm, sự thành kính…

Xem thêm
Nhịp sống giới trẻ phản ánh trong bộ phim ‘Bóng của thị thành’

Nhịp sống giới trẻ thời công nghệ số có những màu sắc bất ngờ, thể hiện qua bộ phim ‘Bóng của thị thành’ phát sóng trên HTV7, Đài truyền hình TP.HCM.

Rượt đuổi mãn nhãn, Man United đả bại Liverpool tại Cúp FA

Trận Tứ kết Cúp FA giữa Man United vs Liverpool đã diễn ra với kịch bản không ngờ khi hai đội rượt đuổi nghẹt thở trong suốt 120 phút của trận đấu. 

120 vận động viên tham gia giải dù lượn trên cao nguyên đại ngàn

Giải dù lượn tại huyện Sa Thầy (tỉnh Kon Tum) sẽ quy tụ 120 vận động viên, trong đó có 41 vận động viên người nước ngoài tham gia tranh tài.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.