| Hotline: 0983.970.780

Một năm hạn mặn lịch sử

Thứ Bảy 02/01/2021 , 15:15 (GMT+7)

Năm 2020 để lại một dấu mốc lịch sử với ngành nông nghiệp ĐBSCL - hạn, mặn và ứng phó với thiên tai.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong chuyến đi kiểm tra vùng cây ăn trái tại tỉnh Tiền Giang ngày 23/9/2020. Ảnh: Minh Đảm.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong chuyến đi kiểm tra vùng cây ăn trái tại tỉnh Tiền Giang ngày 23/9/2020. Ảnh: Minh Đảm.

Thành công từ nhóm giải pháp

Nhìn lại năm vừa qua, chúng ta không khỏi ngỡ ngàng khi ngành nông nghiệp vượt khó thành công từ đợt hạn mặn nhất lịch sử tại ĐBSCL bằng nhóm giải pháp. Kết quả này đã được đánh giá một cách nghiêm túc tại hội nghị tiển khai công tác phòng, chống hạn mặn mùa khô năm 2020-2021 diễn ra vào ngày 23/9/2020 tại Tiền Giang dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Tại hội nghị này, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường chia sẻ: Hạn mặn tại ĐBSCL năm 2019-2020 là nghiêm trọng nhất lịch sử, nhưng mức độ thiệt hại giảm đáng kể. Chúng ta đã đúc kết được những bài học quý giá cho thời gian tới. Cụ thể, chúng ta nhận dạng sớm được các thách thức từ mùa hạn mặn này.

Chính vì vậy, ngay từ tháng 9/2019, Thủ tướng Chính phủ đã triển khai một hội nghị đến lãnh đạo các tỉnh vùng ĐBSCL để bàn những nhóm giải pháp ứng phó cho nên khi xảy ra hạn mặn đã giảm thiểu được thiệt hại.

Nhóm giải pháp đó là gì? Trước hết, việc dự báo xâm nhập mặn được thực hiện rất tốt. Nhận định sớm thời điểm xâm nhập mặn nên các địa phương trong vùng ĐBSCL bố trí lịch thời vụ, cơ cấu sản xuất phù hợp với tình trạng nguồn nước ở từng tiểu vùng. Cùng với đó là sự chỉ đạo, điều hành sát sao của Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương.

Đặc biệt, sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị và bà con nông dân. Bên cạnh đó, đồng bộ nhóm giải pháp các công trình ứng phó hạn mặn. Đẩy nhanh tiến độ thi công và kịp thời đưa vào sử dụng.

Cũng tại hội nghị quan trọng đó, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đặt ra vấn đề căn cốt trong thời gian tới. Đó là, phải tìm ra những đối tượng cây trồng, vật nuôi và phương thức sản xuất phù hợp nhất để không chỉ hạn chế tác động tiêu cực mà còn khai thác được lợi thế.

“Thay đổi trục sản xuất, tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, thích ứng mới là mục tiêu cuối cùng hướng đến”, Bộ trưởng nói.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh (bìa trái) trao đổi với một lãnh đạo HTX nông nghiệp tại tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Tuấn Phát.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh (bìa trái) trao đổi với một lãnh đạo HTX nông nghiệp tại tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Tuấn Phát.

Không chủ quan, nhưng tự tin hơn

Những ngày cuối năm 2020, trên các cánh đồng, nông dân ĐBSCL tất bật xuống giống và chăm sóc vụ lúa đông xuân 2020-2021. Cùng đồng hành với bà con nông dân và các tỉnh ĐBSCL, từ đầu vụ lúa này đã có nhiều chuyến công tác của Cục Trồng trọt, Bộ NN-PTNT, lội ruộng thăm đồng.

Mới đây nhất, ngày 17/12/2020, đoàn khảo sát do Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh dẫn đầu đã đến TP Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng và Trà Vinh. Cùng đoàn công tác có rất nhiều các cơ quan chuyên môn và truyền thông.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh sau khi đi kiểm tra trực tiếp trên đồng ruộng, gặp gỡ nông dân đã toát lên vẻ lạc quan tin tưởng. Ông đánh giá rất cao công tác chuẩn bị kế hoạch, lịch thời vụ sản xuất mà ngành nông nghiệp các tỉnh ĐBSCL đang áp dụng cho nông dân theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ NN-PTNT.

Ông cho rằng, đồng lúa tại các tỉnh ĐBSCL đang phát triển rất tốt, nhất là tại các tỉnh ven biển có nguy cơ xâm nhập mặn cao. Từ kinh nghiệm năm ngoái, bà con nông dân được ngành chuyên môn khuyến cáo nên chủ động xuống giống sớm. Đến giờ phút này bước đầu có thể tự tin né được hạn, mặn.

Chuyến khảo sát của Thứ trưởng Lê Quốc Doanh ngày 17/12/2020 tại một số tỉnh vùng ĐBSCL. Ảnh: Tuấn Phát.

Chuyến khảo sát của Thứ trưởng Lê Quốc Doanh ngày 17/12/2020 tại một số tỉnh vùng ĐBSCL. Ảnh: Tuấn Phát.

Tuy nhiên, nguy cơ hạn mặn vẫn có khả năng xảy ra, đề nghị các địa phương và bà con không chủ quan. Để vụ đông xuân 2020 - 2021 thắng lợi hoàn toàn, ông đề nghị bà con tại các địa phương tập trung cao độ xuống giống toàn bộ diện tích lúa còn lại trong tháng 12/2020. Tập trung tích trữ nước, sử dụng nước tiết kiệm, hợp lý nhất. Đồng thời, chuẩn bị điều kiện phương tiện để ứng phó hạn mặn có thể xảy ra, đặc biệt là thời điểm từ giữa vụ đến cuối vụ đông xuân.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết: Cuối tháng 12/2020 ĐBSCL sẽ xuống giống đạt hơn 1,45/1,55 triệu ha theo kế hoạch, còn lại 100 ngàn ha qua tới khoảng 10/1/2021 sẽ xuống giống dứt điểm. Hiện nay, giá lúa đang tăng cao nên diện tích có thể tăng thêm vài chục ngàn ha.

Qua khảo sát hầu hết các diện tích lúa nằm trong các vùng có nguy cơ hạn hán và xâm nhập mặn như năm vừa qua đã bước qua thời kỳ sinh trưởng tối đa.

Dự kiến sẽ thu hoạch được khoảng 200 ngàn ha trước Tết Nguyên đán. Diện tích này hầu hết nằm trong vùng có nguy cơ bị hạn hán, xâm nhập mặn. Gồm có vùng ngọt hóa Gò Công và một số vùng ven biển các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang, một phần Hậu Giang.

Hiểu và thích ứng đã tốt hơn

Nguồn nước ở ĐBSCL phụ thuộc gần như hoàn toàn vào dòng chảy từ thượng lưu sông Mê Công. Do vậy, nguồn nước sông Mê Công đóng vai trò cốt yếu ảnh hưởng đến tình hình xâm nhập mặn ở ĐBSCL.

Theo quy luật tự nhiên ở ĐBSCL có thể quan sát mùa nước nổi năm trước để tiên liệu tình hình hạn mặn ngay sau Tết Nguyên đán. Mùa khô năm nay các chuyên gia cũng dự báo hạn mặn sẽ vẫn tiếp tục diễn ra gay gắt.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh và lãnh đạo UBND tỉnh Hậu Giang đi thị sát vùng trồng lúa đông xuân của tỉnh. Ảnh: Tuấn Phát.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh và lãnh đạo UBND tỉnh Hậu Giang đi thị sát vùng trồng lúa đông xuân của tỉnh. Ảnh: Tuấn Phát.

Còn nhìn ở tầm vĩ mô, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đặt ra vấn đề này tại một hội nghị bàn về hạn mặn vào ngày 23/9/2020 tại Tiền Giang.

“Chúng ta cần nhận thức hạn hán, xâm nhập mặn là vấn đề không thể tránh, chỉ có thể hạn chế và từ nay phải là câu chuyện bình thường trong đời sống của ĐBSCL. Nói là nguy cơ nhưng đồng thời cũng xuất hiện những thời cơ nếu biết ứng phó, thích nghi. Phải có quy hoạch tổng thể vùng ĐBSCL để có tầm nhìn dài hạn hơn chứ không phải nóng đâu phủi đó, đối phó từng năm”, Thủ tướng nói.

Sống thuận thiên, nương theo quy luật tự nhiên để chủ động thích ứng. Tri thức đó cũng được ghi nhận thành quan điểm, mục tiêu, định hướng, giải pháp trong Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu.

Trong bối cảnh này, Nghị quyết 120 của Chính phủ chính là lời giải chiến lược lâu dài cho ĐBSCL. Chìa khóa trung tâm của vấn đề là chuyển hóa nền nông nghiệp ĐBSCL theo tinh thần NQ120 từ sản xuất theo số lượng tập trung vào chất lượng.

Nghị quyết 120 xác định xoay trục chiến lược sang ưu tiên thủy sản, hoa màu, cây trồng khác. NQ120 cũng chỉ rõ cần xem nước mặn, nước lợ, nước ngọt đều là tài nguyên chứ không chỉ là nước ngọt như trước đây. Hiểu và thích ứng với quy luật tự nhiên thì chúng ta đỡ tốn sức mà còn tận dụng được cơ hội trong đó.

"Chúng ta nhớ lại năm 2016 là năm hạn mặn nặng nề, nhiều cánh đồng khô cháy dẫn đến thiệt hại vô cùng lớn.

Năm 2020 vừa qua, cũng xảy ra hạn mặn nặng nề nhưng thiệt hại giảm đáng kể. Năm ngoái cũng tại Tiền Giang, Thủ tướng cũng chủ trì một hội nghị về công tác phòng chống hạn mặn. Như thế, vừa qua có nhiều cuộc hội nghị, chủ động chỉ đạo quyết liệt nên thiệt hại giảm đáng kể. Nhiều tỉnh đã xử lý tốt vấn đề nước uống cho người dân.

Năm 2019-2020 được mùa trúng giá, thiệt hại chỉ 7-8%. Nếu chúng ta chủ động ngay từ đầu năm thì thiệt hại sẽ giảm thiểu rất lớn", Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị phòng chống hạn mặn ngày 23/9/2020 tại Tiền Giang.

  • Tags:
Xem thêm
Giám đốc Sở Ngoại vụ Thừa Thiên - Huế làm Bí thư Thị ủy Hương Trà

Ông Trần Công Phú, Giám đốc Sở Ngoại vụ được chỉ định tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và giữ chức Bí thư Thị ủy Hương Trà.

Gượng dậy sau bão Yagi: Nơi bảo tồn nguồn gen 15 loài cá biển quý hiếm

Anh Phạm Văn Thìn - Trưởng phòng Nuôi giữ và Bảo tồn nguồn gen của Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Bắc lái cano chở tôi ra khu Tai Kéo vịnh Lan Hạ.

Bố trí đất, xây nhà ở cho người dân sau bão lũ

YÊN BÁI Hàng trăm ngôi nhà bị ảnh hưởng trong bão số 3 ở huyện Trấn Yên đang được xây dựng, sửa chữa đồng loạt để giúp bà con ổn định cuộc sống, đón Tết yên vui.