Người dân ở Khánh Hòa “bỏ túi” hàng trăm triệu đồng mỗi năm nhờ nghề nuôi, bán cá bớp giống
Thời gian gần đây, khi đến thăm các vùng rìa ven biển của xã Ninh Ích (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa), nhiều người bất ngờ thấy những vùng nuôi tôm thẻ chân trắng trước đây bỗng “lột xác” thành các vùng nuôi, ương cá bớp giống, loại cá đang được ưa chuộng trên thị trường.
Ông Nguyễn Văn Dũng (thôn Tân Đảo, xã Ninh Ích), cho biết, ông bắt đầu chuyển từ nuôi tôm sang nuôi, ương cá bớp giống từ đầu năm nay sau khi thấy nhiều người dân làm hiệu quả. Sau một tháng rưỡi thả nuôi, ông xuất gần 10.000 con cá bớp giống với kích thước từ 10-11cm, bán với giá 20.000 đồng/con, sau khi trừ chi phí ông “đút túi” hơn 100 triệu đồng.
“Trước khi nuôi, tôi cải tạo ao bằng cách bơm sạch nước rồi cày ải, xử lý vôi, sau đó mua 1kg trứng với giá 7 triệu đồng về cho ấp nở, sau đó thả nuôi trong 2 ao, mỗi ao có diện tích 3.500m2”, ông Dũng kể và cho biết, nếu không có gì trở ngại, lứa cá bớp giống tiếp theo sẽ “bội thu”.
Trong khi đó, anh Nguyễn Thái Điệp (xã Cam Hòa, huyện Cam Lâm), một trong những người nuôi, ương cá bớp giống “hốt bạc” 3 năm nay ở xã Ninh Ích (thị xã Ninh Hòa), cho biết, hiện anh thuê 5 ao (4.000m2/ao) với giá 10 triệu đồng/ao/năm. Hiện mỗi năm anh xuất 7 đợt giống, với khoảng 70.000 con kích thước từ 10-11cm cho người nuôi cá thương phẩm. Giá bán dao động từ 15.000 - 20.000 đồng/con, trừ chi phí anh lãi khoảng nửa tỷ đồng/năm.
Nói về nghề nuôi cá bớp giống đang “hái ra tiền”, anh Điệp hứng khởi cho biết, trứng sau khi mua từ các lồng nuôi cá bố mẹ đẻ với giá 7-10 triệu đồng/kg sẽ cho vào ô bạt ấp ở nhiệt độ 28-30 độ. Sau 24-28 giờ, trứng nở thành cá bột có chiều dài 4-4,2mm. Khi cá đạt kích thước 3-4cm, người nuôi lùa vào lồng lưới mùng để “thúc” nuôi đến khi đạt kích cỡ 10-11cm thì xuất bán.
Ông Phạm Ngọc Khánh, Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Ích (thị xã Ninh Hòa), cho biết, hiện nay trên địa bàn có khoảng 30 hộ nuôi cá bớp giống với diện tích gần 30 ha. Hiện nghề nuôi ương cá này không chỉ mang lại thu nhập khá cho người dân, mà còn “hồi sinh” nhiều vùng nuôi bị bỏ hoang hoặc nuôi tôm không đạt, thua lỗ nặng.