Chúng tôi về thôn Trung Quán (xã Duy Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) vào sáng 8/2 trong cái tiết xuân mát mẻ. Ông Trần Văn Hoàn, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Trung Quán hồ hởi bảo: “Máy cấy khay của Nhật Bản chúng tôi đã đặt hàng rồi. Tuy nhiên do dịch Covid-19 nên máy chưa về kịp để đưa vào sử dụng được. Tuy nhiên, vụ tới chúng tôi sẽ có máy cấy cơ giới phục vụ bà con”.
Để trình diễn mô hình lúa hữu cơ và sử dụng máy cấy, ông Hoàn mượn máy của Công ty Giống cây trồng Quảng Bình về vận hành cho kịp thời gian hẹn với bà con.
Mạ giống được gieo trên sân xi măng ở nhà ông Hoàn. Diện tích làm mô hình khoảng 2 sào đã được làm thục đất và xâm xấp nước. Mạ được cắt thành khuôn, cuộn tròn đưa lên giá máy trên ruộng.
Tiếng máy nổ phành phạch nghe vui tay trong nắng xuân sớm. Mỗi lượt vận hành, máy cấy được 6 hàng thẳng như kẻ, đều tắp. Bà Nguyễn Thị Thơ đang tỉa dặm lúa ở vạt ruộng bên cạnh dừng tay đi đến xem. Bà nhìn máy và hấp háy mắt vui: “Ui chao, rứa thì đỡ công nhổ mạ, đỡ công cấy và không tốn công tỉa dặm như lúa gieo đó. Vụ tới, nhà tui cũng đăng ký cấy bằng máy như vầy thôi”.
Trên bờ ruộng, ông Trần Văn Hoàn giới thiệu lợi ích của việc đưa máy cấy vào ruộng với bà con. Rồi ông cho chúng tôi hay, sau mô hình này thì hợp tác xã vận động bà con làm vụ hè- thu với diện tích khoảng 5 ha và đưa giống lúa DT 18 vào. “Trên cơ sở đưa máy cấy tự động vào sản xuất, chúng tôi làm mô hình lúa hữu cơ để từ đó nhân ra diện rộng nhằm tăng thu nhập cho bà con và tạo một nền nông nghiệp sạch”- ông Hoàn cho biết thêm.
Được biết, diện tích trồng lúa của thôn Trung Quán có trên 70 ha lúa 2 vụ. Bà con ở đây thuần nông nên việc đầu tư làm ruộng lúa là việc ưu tiên hàng đầu. Ông Hoàn nói thêm: “Chúng tôi tích cực đưa giống mới chất lượng cao, đưa máy móc vào sản xuất để giảm chi phí trên đồng ruộng và nâng hiệu quả sản xuất”.
Cùng ra đồng với bà con, ông Lê Văn Đặng, Phó Chủ tịch UBND xã Duy Ninh cho biết việc đưa máy cấy về đồng ruộng là tạo sự chuyển biến tích cực cho bà con nông dân. “Giảm ngày công, giảm chi phí, nâng năng suất, chất lượng hạt lúa trên nền canh tác hữu cơ là mục tiêu mà chúng tôi hướng đến”- ông Đặng nói.
Cũng theo ông Đặng, vụ đông- xuân năm nay, địa phương đã phối hợp với Công ty Giống cây trồng Quảng Bình triển khai thực hiện sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP tại địa phương. “Chúng tôi đưa diện tích 26 ha với các loại giống chất lượng SV181,ADI8, P6 vào sản xuất. Qua đó, sẽ làm tiền đề cho việc nâng diện tích lúa theo tiêu chuẩn VietGAP trong thời gian tới”- ông Đặng chia sẻ thêm.
Được biết, mô hình sản xuất lúa hữu cơ đầu tiên tại Trung Quán do Công ty CP Thực phẩm xanh Đông Dương hỗ trợ giống, phân bón và hướng dẫn quy trình canh tác. Ông Nguyễn Duy Minh, Phó Giám đốc Công ty cho hay: “Chúng tôi đã làm một mô hình lúa hữu cơ có hiệu quả cao ở một số địa phương trong huyện Quảng Ninh. Hy vọng bà con thấy lúa hữu cơ cho lợi ích cao, mang sức khỏe đến cho cộng đồng để hưởng ứng tích cực trong thời gian tới”.