| Hotline: 0983.970.780

Xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn

Dây chuyền sản xuất thạch dừa xuất khẩu đi 19 quốc gia

Thứ Tư 24/08/2022 , 14:20 (GMT+7)

Nhằm tăng giá trị dừa Bến Tre, VinaCoCo đầu tư 50 tỷ đồng nhà máy hiện đại với 17 công đoạn khép kín sản xuất thạch dừa xuất khẩu 19 quốc gia trên thế giới.

17 công đoạn khép kín kiểm soát nghiêm ngặt

Đón chúng tôi tại nhà máy rộng 11.000m2 đặt tại khu công nghiệp Hố Nai, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai là một chàng trai có tuổi đời khá trẻ - anh Trần Văn Hải, Giám đốc Công ty CP Thực phẩm CoCo Việt Nam (Vina CoCo - công ty thành viên của Công ty CP Thực phẩm GC - GC Food) nhưng có niềm đam mê bất tận với thạch.

Vừa dẫn chúng tôi đi thăm quan nhà máy, Hải  vừa giới thiệu các trang thiết bị được áp dụng khoa học kỹ thuật công nghệ, máy móc chế biến chuyên sâu, cơ sở hạ tầng được đầu tư bài bản, với tổng vốn đầu tư trên 50 tỷ đồng để sản xuất ra 15.000 tấn thạch dừa chất lượng mỗi năm. “Hiện 70% sản lượng thạch dừa Vina CoCo xuất khẩu sang 19 quốc gia trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hà Lan, tiểu vương quốc Ả Rập, Thái Lan… trong đó, Nhật Bản và Hàn Quốc là hai quốc gia nhập khẩu thạch dừa của VinaCoCo lớn nhất (chiếm hơn 60% thị phần), còn 30% là tiêu thụ trong nước. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2022, Nhật Bản tiêu thụ khoảng 2.000 tấn thạch dừa của chúng tôi”, Hải cho biết.

Ông Nguyễn Văn Thứ, Chủ tịch HĐQT GC Food cho biết, thời gian đầu, khi xuất sang thị trường Nhật Bản, hàng liên tục bị trả về vì nhiễm vi sinh hoặc xuất hiện sợi tóc, con kiến trong lô hàng. Tuy nhiên, không vì thế mà nản lòng, công ty tiếp tục kiên trì cũng như tiếp thu kinh nghiệm từ chính khách hàng Nhật Bản để chuẩn hóa tất cả các tiêu chuẩn từ nguồn nước dừa đầu vào, cho tới con men vi sinh để làm sao thạch dừa sau khi lên men đạt được chất lượng cao nhất; trong quá trình sản xuất nhà máy có bộ phận quản lý chất lượng để đảm bảo tất cả các quy trình được tuân thủ, tất cả các công đoạn đều được kiểm soát đảm bảo cho ra sản phẩm có chất lượng tốt nhất. Mặt khác, hàng năm, nhà máy đều kiểm định định kỳ  chất lượng cũng như rà soát lại toàn bộ quá trình sản xuất nhằm đảm bảo chất lượng thạch dừa được duy trì đảm bảo, nâng cấp thường xuyên.

"Khi đã chinh phục được khách hàng Nhật Bản, chúng tôi tự tin có thể xuất hàng đi khắp thế giới. Chính những khách hàng khó tính này lại là những khách hàng thân thiết gắn bó với chúng tôi suốt từ những ngày đầu cho đến nay", ông Thứ nói.

Thạch dừa lên men đã thành khuôn phải trải qua nhiều công đoạn. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Thạch dừa lên men đã thành khuôn phải trải qua nhiều công đoạn. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Nguồn nguyên liệu nước dừa được lựa chọn thu mua của bà con nông dân Bến Tre - địa phương có sản lượng, chất lượng dừa cao nhất cả nước. Nguồn nước dừa tinh khiết được vận chuyển từ Bến Tre về nhà máy phải qua bước kiểm tra chất lượng dừa đầu vào một lần nữa, sau đó sẽ trải qua quá trình lên men từ 15-20 ngày có thể cho ra thạch dừa chất lượng cao. 

Để chế biến chuyên sâu với những đơn hàng lớn, Vina CoCo đầu tư máy móc đạt tiêu chuẩn về mặt chất lượng, được nhập khẩu từ châu Âu, ngoài ra, một số máy móc được nhà máy tự sáng chế để tạo ra sản phẩm thạch dừa của riêng mình. Thạch dừa là loại sản phẩm vô định hình, không giống các sản phẩm khác, chỉ cần không kiểm soát tốt, nó có thể lớn hơn, cứng hơn hoặc mềm hơn. Ngay việc kiểm soát kích thước từng viên thạch dừa rất khó, kích thước, cấu trúc thạch là một trong những lợi thế giúp thạch không cứng, không mềm, không dai, ăn giòn.

Lần đầu tiên chúng tôi được tận mắt tìm hiểu quy trình khép kín sản xuất thạch dừa xuất khẩu với tất cả 17 công đoạn được kiểm soát nghiêm ngặt, khắt khe và vô cùng tỉ mỉ, công phu cùng nguồn nước sạch xử lý cấu trúc để người dùng cảm nhận được độ béo, bền của thạch dừa. Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm luôn được Vina CoCo đặt lên hàng đầu, đây là vấn đề đầu tiên và then chốt mà bất kì đơn vị sản xuất thực phẩm nào cũng phải quan tâm. Vì vậy, sản phẩm thạch dừa của đơn vị này đã đạt được nhiều chứng nhận VSATTP, FSSC 22000, Halal...

Bồn nấu tiệt trùng ở nhiệt độ cao đảm bảo thạch dừa an toàn, bao bì đóng gói được thanh trùng ở nhiệt độ cao, quy trình quản lý nghiêm ngặt ngay từ những khâu nhỏ nhất, chỉ tiêu chất lượng thạch dừa sản xuất theo tiêu chuẩn FSSC 22000. Đây là một trong những tiêu chuẩn khó và khắt khe nhất trong lĩnh vực sản xuất thực phẩm, phải đảm bảo kiểm soát nguyên vật liệu đầu vào tốt, kiểm soát quy trình sản xuất nghiêm ngặt, trải qua tất cả các bước kiểm soát chất lượng.

hình 12

Đây là công đoạn tôi cho là kỳ công nhất bởi người công nhân phải dựa vào kinh nghiệm của mình để loại ra những viên thạch không đúng kích thước 3x3x3mm. Kích thước thạch phải đều nhau theo đúng đơn đặt hàng của khách hàng. Sai kích thước có thể bị trả lại hẳn lô hàng. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Chinh phục thị trường tỷ đô với 70 triệu người Việt

Định hướng phát triển của Vina CoCo là những sản phẩm chế biến chuyên sâu, gia tăng giá trị sản phẩm, có thể xuất khẩu ở những thị trường khó tính, từ đó gia tăng tính cạnh tranh trong khu vực, giúp bà con nông dân ổn định đầu ra, đảm bảo duy trì thời gian dài. Việc chế biến chuyên sâu còn giúp gia tăng giá trị cho thạch dừa chế biến so với thạch dừa thô. Hiện nay, mỗi năm, đơn vị này tiêu thụ khoảng 6 triệu lít nước dừa, tương đương 250 hecta vùng nguyên liệu dừa của bà con nông dân Bến Tre.

Anh Trần Văn Hải cho biết, giai đoạn hiện nay, công ty sẽ tập trung vào thị trường trong nước, phát triển ngay chính trên sân nhà của mình với mong muốn phân phối rộng khắp thị trường trong nước, đồng thời phát triển mạnh mẽ sản phẩm bán lẻ thị trường quốc tế.

“Hiện có khoảng 70 triệu người Việt Nam trong độ tuổi 5-65 tuổi có thể sử dụng sản phẩm thạch dừa. Trung bình mỗi người dân sử dụng khoảng 2,5kg thạch dừa/năm, khi đó tổng thị trường tiêu thụ ở Việt Nam có khả năng lấp đầy khoảng 350 nghìn tấn thạch dừa (ước tính gần 1 tỷ đô)”, Giám đốc Vina CoCo phân tích.

Trong 3 năm gần nhất, sản phẩm thạch dừa của Vina CoCo tăng trưởng trên 50%. Sau hơn 10 năm hình thành và phát triển, hiện tại Vina CoCo trở thành nhà máy sản xuất chuyên sâu thạch dừa hàng đầu tại Việt Nam, sẵn sàng cạnh tranh với các quốc gia có thị phần lớn trong khu vực như Indonesia, Philippines.

“Chúng tôi tiếp tục lấy chất lượng sản phẩm làm trung tâm, gia tăng chất lượng sản phẩm ngày một cải thiện bằng việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, máy móc, cải thiện nguồn nhân lực, gia tăng chất lượng nguồn nguyên liệu đầu vào, cũng như có chiến lược giúp bà con nông dân có đầu ra ổn định, tạo hệ sinh thái phát triển bền vững từ vùng nguyên liệu, đi qua hệ thống sản xuất chế biến chuyên sâu và hệ thống bán hàng rộng khắp trong nước và trên thế giới”, Giám đốc Vina CoCo nói.

Ngoài ra, Vina CoCo còn chế biến các sản phẩm chuyên sâu từ gạo như bột, bún… để những kiều bào nước ngoài có thể trải nghiệm hương vị của quê hương ngay tại xứ người và tạo nên hệ thống sản phẩm bún gạo và bột gạo chất lượng cao của Việt Nam.

Lãi 1,75 tỷ mỗi tháng nhờ bán thạch dừa

Theo Chủ tịch HĐQT GC Food Nguyễn Văn Thứ , năm 2021 dù đối mặt với nhiều thách thức như Covid-19, xung đột thương mại, tuy nhiên với nỗ lực của toàn công ty, Vina CoCo vẫn đạt doanh thu hơn 111 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 21 tỷ đồng, đóng góp 50% lợi nhuận cho GC Food. Như vậy, mỗi tháng Vina CoCo thu được 1,75 tỷ đồng tiền lãi trước thuế.

hình 16

Thạch dừa đã đóng gói chuẩn bị xuất đi. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Năm 2021, GC Food đạt doanh thu 341,7 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 41,3 tỷ đồng. Chiến lược của GC Food trong thời gian tới sẽ phát triển thị trường trong nước, với hệ thống siêu thị mini, các điểm dừng chân dọc các quốc lộ để giới thiệu các sản phẩm đặc thù, nông sản địa phương của Việt Nam được chế biến, được bảo quản dễ dàng sử dụng. Dự kiến, tháng 10 năm nay, GC Food niêm yết cổ phiếu trên sàn UpCom. "Là cách thức để GC Food minh bạch hóa quá trình sản xuất kinh doanh của mình, kể cả tài chính, hoạch định chiến lược, để tạo dựng nền tảng sản xuất vững chắc hơn", ông Thứ nói.

Xem thêm
Đưa lúa lên xe, tính tiền tại ruộng

Nông dân Thanh Hóa phấn khởi vì lúa xuân được mùa, được giá. Nhiều doanh nghiệp đã đưa phương tiện đến chân ruộng để thu mua lúa cho bà con.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Quỹ Từ thiện DHN: Sứ mệnh lan toả yêu thương và nhân ái

Từ đầu năm 2024 đến nay, Quỹ Từ thiện DHN đã tổ chức nhiều hoạt động mang nhiều ý nghĩa thiết thực tại tỉnh Tây Ninh.

Đi tìm 'bài thuốc' chữa lành 'điểm đau' của khách hàng trong hành trình sở hữu nhà

Thị trường bất động sản đang xôn xao trước thông tin Vinhomes chuẩn bị ra mắt mô hình phân phối O2O (online to offline - trực tuyến tới trực tiếp) hoàn thiện nhất từ trước đến nay...