Đồng Tháp phấn đấu 100% diện tích vùng trồng được cấp mã số. Giá dừa Bến Tre còn 30.000 đồng/12 quả. Xuất khẩu tôm tháng 4 dự báo tăng 20%. Tăng cường ứng phó với mưa dông kèm lốc, sét, mưa đá.
ĐỒNG THÁP PHẤN ĐẤU 100% DIỆN TÍCH VÙNG TRỒNG ĐƯỢC CẤP MÃ SỐ
Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp cho biết, mục tiêu đến năm 2025, tỉnh thực hiện 100% diện tích vùng trồng lúa, cây ăn trái, rau màu tập trung được cấp mã số vùng trồng; thực hành sản xuất an toàn, thực hành sản xuất hữu cơ (hàng năm tăng 1% diện tích sản xuất) để tạo ra sản phẩm chất lượng, an toàn và truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản phục vụ thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Tỉnh Đồng Tháp sẽ ban hành các kế hoạch hành động như: kế hoạch cấp, quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói, thực hành sản xuất an toàn gắn truy suất nguồn gốc sản phẩm giai đoạn 2022-2025. Hiện, toàn tỉnh có hơn 195.000 ha diện tích canh tác lúa, trên 48.000 ha cây ăn trái và gần 11.000 ha rau màu. Đến nay, tỉnh có 122 vùng trồng (xoài, mít, nhãn, thanh long) được cấp mã số phục vụ xuất khẩu với diện tích gần 6.000 ha xuất khẩu sang Trung Quốc và 40 mã số vùng trồng (xoài, nhãn, chanh không hạt) xuất khẩu sang Mỹ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Newzealand. Riêng đối với thị trường Nhật Bản, hiện có 14 mã số vùng trồng xoài với diện tích 528ha.
GIÁ DỪA BẾN TRE CÒN 30.000 ĐỒNG/12 QUẢ
Nhiều nhà vườn trồng dừa` Bến Tre cho biết, giá dừa thương lái thu mua tại vườn từ 30.000 - 40.000 đồng/chục (12 trái), giảm hơn 50.000 - 60.000 đồng/chục so với cùng kỳ.Dừa Bến Tre có trên 78.000 ha dừa, chiếm 80% diện tích dừa miền Tây và 50% dừa cả nước. Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre cho biết, ngành chức năng tỉnh đang hướng người dân sản xuất dừa theo hướng hữu cơ và xây dựng chuỗi giá trị cho cây dừa để người dân có thu nhập ổn định và bền vững hơn. Hiện, người dân sản xuất dừa bến tre hữu cơ có liên kết tiêu thụ giá dừa luôn cao hơn giá thị trường từ 10.000-15.000 đồng/chục. Bên cạnh đó, Bến Tre đã xây dựng được vùng nguyên liệu dừa hữu cơ với hơn 14.000ha bao gồm dừa khô nguyên liệu, dừa uống nước để cung cấp nguyên liệu sản xuất cho các doanh nghiệp trong tỉnh.
XUẤT KHẨU TÔM THÁNG 4 DỰ BÁO TĂNG 20%
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, tiếp nối đà tăng trưởng xuất khẩu tôm trong quý 1 của Việt Nam đạt hơn 900 triệu USD, tăng 37% so với cùng kỳ 2021 và dự kiến tháng 4 này, xuất khẩu tôm tiếp tục tăng 20% so với cùng kỳ. Có được điều này bởi các thị trường ở châu Âu, Mỹ đang chuẩn bị nguồn thực phẩm cung ứng cho người tiêu dùng trong dịp nghỉ hè. Bên cạnh đó, tháng 4 là thời điểm học sinh, sinh viên có nhiều chuyến dã ngoại thực tế và các nhà nhập khẩu cũng sẽ chuẩn bị nguồn hàng dự trữ cho mùa thu.Đến nay, diện tích nuôi tôm của cả nước đạt hơn 740.000 ha, với sản lượng đạt trên 900.000 tấn/năm. Riêng sản lượng tôm sú đạt trên 250.000 tấn, đứng đầu thế giới. Mặc dù diện tích nuôi tôm mỗi năm chỉ tăng khoảng 1,5% nhưng sản lượng tôm vẫn tăng mạnh 10% mỗi năm.
TĂNG CƯỜNG ỨNG PHÓ VỚI MƯA DÔNG KÈM LỐC, SÉT, MƯA ĐÁ
Ngày 16/4, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai ban hành văn bản gửi các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường các biện pháp ứng phó với mưa dông kèm lốc, sét, mưa đá. Trong đó, đề nghị theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo thiên tai, thời tiết để thông báo, hướng dẫn kịp thời cho các cấp chính quyền, nhân dân chủ động phòng tránh các hiện tượng thời tiết xấu. Chủ động chuẩn bị phương tiện, vật tư nhất là vải bạt, tấm lợp các loại và lực lượng xung kích tại cơ sở để sẵn sàng huy động giúp dân ứng phó, khắc phục hậu quả nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả. Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân các biện pháp trú, tránh đảm bảo an toàn khi xảy ra dông, sét; gia cố, che chắn, bảo vệ tài sản, cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện cụ thể tại địa phương để giảm thiểu thiệt hại. Đối với khu vực miền núi, mưa lớn nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, do vậy, các tỉnh thuộc khu vực trên cần tổ chức kiểm tra, rà soát nhà ở an toàn; sẵn sàng phương án sơ tán người dân đến nơi an toàn khi có tình huống xảy ra.