| Hotline: 0983.970.780

Đẩy lùi hạn hán, cả xã biên giới chuyển mình

Thứ Tư 08/11/2023 , 06:20 (GMT+7)

Bình Phước Từ vùng đất khô cằn nơi biên giới, Lộc Ninh đã chuyển mình sau khi có công trình thủy lợi Lộc Quang giúp đẩy lùi hạn hán, kinh tế nông nghiệp ngày một đi lên.

Với dung tích 6 triệu m3 nước, hồ Lộc Quang (huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước) được xem là “trái tim” của huyện biên giới Lộc Ninh. Nhờ nguồn nước tích trữ dồi dào, hệ thống kênh mương xây dựng đồng bộ, cùng với công tác quản lý, vận hành khai thác hiệu quả, đã giúp đẩy lùi hạn hán, kinh tế nông nghiệp của người dân nơi đây đổi thay từng ngày.

Từ vùng đất khô cằn nơi biên giới, Lộc Ninh đã chuyển mình sau khi công trình thủy lợi Lộc Quang giúp đẩy lùi hạn hán. Ảnh: Trần Trung.

Từ vùng đất khô cằn nơi biên giới, Lộc Ninh đã chuyển mình sau khi công trình thủy lợi Lộc Quang giúp đẩy lùi hạn hán. Ảnh: Trần Trung.

Xã Lộc Khánh là một trong những địa phương của huyện Lộc Ninh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của việc thiếu nước sản xuất vào mùa khô bởi địa hình nơi đây tương đối cao và bao bọc bởi các đồi đá. Đơn cử năm 2016, hạn hán đã khiến hơn 100 ha lúa cùng các cây ăn quả nơi đây mất trắng. Thế nhưng, đến xã Lộc Khánh những ngày này, nơi đâu được phủ lên màu xanh tươi.

Ông Lâm Khiêm ngụ ấp Chà Đôn, xã Lộc Khánh chia sẻ, lúc trước chưa có hệ thống kênh mương thủy lợi, người dân nơi đây vất vả lắm, đa phần người dân sử dụng nước trời, ai có điều kiện thì sử dụng giếng khoan. Giờ đây, nước sạch đã về thẳng tận ruộng. “Lúc trước mỗi năm bà con chỉ làm được 1 vụ lúa, năng suất chỉ từ 2-3 tấn/vụ thì giờ năng suất đạt 5-6 tấn, có nơi trên 8 tấn, bà con rất phấn khởi”, ông Lâm Khiêm nói.

Những vườn sầu riêng xanh tốt đang thay thế dần những vườn cao su già cỗi tại xã Lộc Khánh. Ảnh: Trần Trung.

Những vườn sầu riêng xanh tốt đang thay thế dần những vườn cao su già cỗi tại xã Lộc Khánh. Ảnh: Trần Trung.

Cách đó không xa, tại ấp Đồi Đá, những vườn sầu riêng trĩu quả đang thay thế dần những vườn cao su già cỗi. Đang tất bật chăm sóc vườn sầu riêng sau vụ mùa bội thu, anh Trương Văn Kiên, thành viên hợp tác xã sầu riêng Lộc Khánh chia sẻ: Từ khi đập dâng Cần Lê nằm trong hệ thống thủy lợi Lộc Quang được đưa vào vận hành khai thác, anh cũng như nhiều người dân nơi đây bắt tay chuyển đổi những diện tích cao su già cỗi, cây trồng kém hiệu quả sang cây sầu riêng, cuộc sống bắt đầu sang trang.

Hiện anh Kiên đang sở hữu 2 ha sầu riêng, trong đó 1 ha trong độ tuổi thu hoạch, vụ vừa qua, vườn sầu riêng cho năng suất hơn 25 tấn, đem lại thu nhập cho anh gần 1 tỷ đồng. “Nhằm phát huy tối đa hiệu quả nguồn nước, các thành viên trong hợp tác xã còn đầu tư hệ thống tưới nước tự động, đảm bảo lượng nước vừa đủ để cây phát triển tốt, đạt năng suất, chất lượng”, anh Kiên nói.

Kinh tế nông nghiệp huyện biên giới Lộc Ninh nói chung, xã Lộc Khánh nói riêng đổi thay từng ngày nhờ thủy lợi. Ảnh: Trần Trung.

Kinh tế nông nghiệp huyện biên giới Lộc Ninh nói chung, xã Lộc Khánh nói riêng đổi thay từng ngày nhờ thủy lợi. Ảnh: Trần Trung.

Ông Trần Quang Vinh, Chủ tịch UBND xã Lộc Khánh cho biết thêm, là xã thuần nông và từng được xem xã khó khăn của huyện Lộc Ninh, xác định thủy lợi có vai trò quan trọng trong đầy lùi hạn hán, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển, vì thế tranh thủ mọi nguồn lực, thời gian qua địa phương rất chú trọng đến đầu tư các hệ thống kênh mương thủy lợi. Cùng với đó, khuyến khích người dân thâm canh, tăng vụ, chuyển đổi các diện tích cây trồng kém hiệu quả sang các cây trồng giá trị kinh tế cao để phát huy tối đa nguồn nước.

“Bên cạnh 100 ha lúa canh tác các loại giống chất lượng cao như đài thơm 8, ST24, ST25 với 3 vụ/năm, Lộc Khánh còn có hơn 50 ha sầu riêng và đang tiếp tục mở rộng, góp phần nâng cao thu nhập người dân địa phương. Hiện mức thu nhập bình quân trên 1 ha nông nghiệp của địa phương đạt trên 100 triệu đồng/năm. Xã cũng đang trong lộ trình về đích xã nông thôn mới nâng cao”, ông Trần Quang Vinh phấn khởi nói.

Lộc Ninh từng bước hiện đại hóa các công trình kênh mương thủy lợi. Ảnh: Trần Trung.

Lộc Ninh từng bước hiện đại hóa các công trình kênh mương thủy lợi. Ảnh: Trần Trung.

Theo Phòng NN-PTNT huyện Lộc Ninh, toàn huyện có trên 55.000 ha đất sản xuất nông nghiệp nên việc đảm bảo an ninh nguồn nước, đẩy lùi hạn hán, phục vụ sản xuất nông nghiệp cũng như sinh hoạt của người dân là vấn đề cấp thiết. Do vậy, địa phương đặc biệt quan tâm đến công tác thủy lợi.

“Hiện trên địa bàn huyện có 13 công trình hồ, đập phát huy khá hiệu quả, trong đó hồ Lộc Quang là hiệu quả nhất. Các công trình thủy lợi đã giúp đẩy lùi hạn hán, cấp nước tưới cho khoảng 5.000 ha lúa nước và khoảng 20.000 ha cây trồng khác. Việc quản lý, vận hành, khai thác hiệu quả hệ thống thủy lợi là tiền đề để huyện thực hiện thắng lợi chương trình đột phá “chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo hướng an toàn, bền vững, nâng cao chất lượng giá trị sản phẩm nông nghiệp. Qua đó góp phần ngăn ngừa thiên tai, ổn định cuộc sống người dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển”, ông Trần Hùng - Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Lộc Ninh khẳng định.

Xem thêm
Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh chính sách tín dụng đối với lâm sản, thủy sản

Thủ tướng yêu cầu Bộ NN-PTNT chủ động chỉ đạo các giải pháp linh hoạt tháo gỡ khó khăn, bảo đảm sản xuất, thúc đẩy, tiêu thụ, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản.

Siết chặt khai thác nước ngầm, bảo vệ 'túi' nước ngọt ở ĐBSCL

Nước ngầm - nguồn nước ngọt dự trữ lớn cho ĐBSCL đang đứng trước nguy cơ bị nhiễm mặn. Giải pháp lâu dài kiểm soát, ngăn chặn khai thác nước ngầm cần được tính toán.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Tặng 72.000 chai nước suối cho người dân vùng hạn, mặn

ĐBSCL Lực lượng Công an 2 tỉnh Kandal và An Giang phối hợp với chính quyền địa phương trao tận tay người dân bị ảnh hưởng bởi hạn, mặn 72.000 chai nước suối.