| Hotline: 0983.970.780

Nuôi ngựa làm du lịch

Thứ Tư 01/11/2023 , 08:56 (GMT+7)

BÌNH PHƯỚC Từ cử nhân kinh tế, với niềm đam mê cưỡi ngựa, anh Nguyễn Minh Phát đã xây dựng cho mình nông trang ngựa gắn với du lịch, mở ra hướng đi mới ở vùng biên.

Trang trại ngựa của anh Nguyễn Minh Phát tọa lạc tại thị trấn Thanh Bình, huyện biên giới Bù Đốp. Ảnh: Trần Trung.

Trang trại ngựa của anh Nguyễn Minh Phát tọa lạc tại thị trấn Thanh Bình, huyện biên giới Bù Đốp. Ảnh: Trần Trung.

Thành công từ đam mê

Đến huyện biên giới Bù Đốp, tỉnh Bình Phước hỏi thăm trang trại ngựa của anh Nguyễn Minh Phát tọa lạc tại thị trấn Thanh Bình ai cũng biết, bởi đây là mô hình nuôi ngựa làm du lịch có 1 không 2 tại địa phương.

Không chỉ là địa điểm lý tưởng để các bạn trẻ được trải nghiệm cưỡi ngựa, chụp hình, mới đây, hình ảnh mộc mạc rước dâu bằng xe ngựa đã làm xôn xao cả một vùng quê, mở ra hướng đi mới làm kinh tế của người dân biên giới nơi đây.

Đến thăm trang trại ngựa của anh Phát, chúng tôi ngỡ ngàng trước sự bài trí khu nuôi. Bên cạnh những chú ngựa cao lớn, sạch sẽ là những tiểu cảnh xe ngựa, chuồng ngựa được sắp xếp khoa học, tận dụng những hoa sen sẵn có tại địa phương để trang trí càng tô điểm cho vẻ đẹp mộc mạc vùng quê biên giới thanh bình.

Đang cần mẫn chăm sóc những chú ngựa vừa hoàn thành nhiệm vụ rước dâu, anh Phát chia sẻ, vốn tuổi ngựa (sinh năm 1990), anh rất thích những gì liên quan tới ngựa. Theo anh Phát, lúc còn là sinh viên, một lần tình cờ đến trường đua Phú Thọ ở TP. HCM xem đua ngựa đã tiếp thêm niềm đam mê nghề nuôi ngựa.

Tiếp đó, khi đi vía núi Bà Đen, nhìn thấy những xe ngựa chở du khách ngược xuôi, nhận thấy cơ hội vừa làm kinh tế vừa thỏa chí đam mê, anh dấn thân với nghề nuôi ngựa để làm du lịch và sự nghiệp sang trang từ đây.

Anh Phát (áo đen) cần mẫn chăm sóc chú ngựa yêu quý của mình. Ảnh: Trần Trung.

Anh Phát (áo đen) cần mẫn chăm sóc chú ngựa yêu quý của mình. Ảnh: Trần Trung.

Chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi, anh Phát cho biết, ngựa vốn là động vật ăn cỏ, dễ nuôi, sức đề kháng tốt, Bù Đốp lại có nguồn thức ăn dồi dào, chỉ cần bỏ công chăm sóc và “làm đẹp” cho ngựa, mô hình tức sinh lời. Từ 4 chú ngựa ban đầu, đến nay anh Phát sở hữu hơn 10 con, trong đó, 4 chú ngựa đực đẹp nhất phục vụ cho du lịch, số còn lại ngựa sinh sản để phục nhu cầu giống.

“So với động vật, ngựa có lối sống cao thượng, chúng thích sạch sẽ, sống ở nơi có đồng cỏ rộng, thức ăn chính của ngựa là các loại cỏ (trừ cỏ ống). Cũng là loài móng guốc như trâu, bò, nhưng ngựa rất ít bị lở mồm long móng hay các dịch bệnh khác.

Tuy nhiên, ngựa là giống nhanh nhẹn và thiện chiến, khi người lạ đến gần, chúng quay ngoắt và tung chân đá hậu rất mạnh. Do đó, người nuôi cần có kỹ năng thuần hóa ngựa trước khi phát triển mô hình du lịch”, anh Phát chia sẻ.

Du khách thích thú được trải nghiệm cùng những chú ngựa. Ảnh: Trần Trung.

Du khách thích thú được trải nghiệm cùng những chú ngựa. Ảnh: Trần Trung.

Gắn du lịch với cộng đồng

Chính nét đẹp riêng biệt từ mô hình anh Phát đã tạo dựng được ấn tượng với du khách gần xa. Dịp lễ 2/9 vừa qua, mỗi ngày trang trại anh Phát đón khoảng 1.000 lượt khách. Riêng ngày cuối tuần, lượng khách dao động 200 - 500 người, đem lại thu nhập khấm khá cho gia đình anh Phát.

“Để lan tỏa niềm đam mê yêu thiên nhiên, yêu động vật nói chung, yêu ngựa nói riêng, tôi không bán vé tham quan, thay vào đó tôi mở thêm dịch vụ ăn uống và cho thuê ngựa. Tuy thu nhập bước đầu chưa cao, nhưng du khách tìm đến để trải nghiệm cảm giác mới lạ ngày một đông, từ đó, tạo động lực tôi gắn bó với mô hình này”, anh Phát phấn khởi nói.

Hình ảnh mộc mạc rước dâu bằng xe ngựa đã làm xôn xao cả một vùng quê, mở ra hướng đi mới làm kinh tế của người dân biên giới nơi đây. Ảnh: NVCC.

Hình ảnh mộc mạc rước dâu bằng xe ngựa đã làm xôn xao cả một vùng quê, mở ra hướng đi mới làm kinh tế của người dân biên giới nơi đây. Ảnh: NVCC.

Theo anh Phát, sau khi thành công với mô hình, anh nhận thấy Bù Đốp có nhiều cộng đồng dân tộc sinh sống, giàu bản sắc văn hóa, có nhiều dư địa để phát triển du lịch sinh thái cộng đồng như: người đồng bào S’tiêng vẫn lưu giữ được nét đẹp văn hóa cồng chiêng, lễ hội mừng lúa mới, nghề dệt thổ cẩm.

Đồng bào Kh’mer có lễ hội phá bàu, cùng các điệu múa dân gian đặc sắc, trang phục đẹp mắt; các cộng đồng dân tộc Tày, Nùng phía Bắc cũng đến đây lập nghiệp và mang theo đàn tính, hát then...

Với nền tảng sẵn có, anh Phát đang ấp ủ kế hoạch vận động các bạn trẻ trong các cộng đồng dân tộc để thành lập HTX du lịch sinh thái cộng đồng.

Ông Trần Văn Thành, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Bù Đốp cho biết, tận dụng thế mạnh địa phương, phong trào khởi nghiệp trong giới trẻ tại huyện Bù Đốp đang phát triển rất mạnh. Trong đó, ấn tượng nhất là mô hình nuôi ngựa gắn với du lịch của anh Nguyễn Minh Phát, đây là mô hình mở ra hướng đi mới và phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp gắn với du lịch của địa phương.

Chúng tôi đang xúc tiến thành lập HTX gắn với chính sách hỗ trợ để mô hình từng bước trở thành mô hình điểm của huyện, giúp tạo thêm sinh kế cho cộng đồng người đồng bào dân tộc thiểu số địa phương”, ông Thành nhấn mạnh.

Xem thêm
Quan điểm trái chiều về kiểm kê khí nhà kính lĩnh vực chăn nuôi

Hội Chăn nuôi Việt Nam kiến nghị chưa đưa lĩnh vực, cơ sở chăn nuôi vào danh mục phải kiểm kê khí nhà kính trong giai đoạn hiện nay.

Cục trưởng Cục Thú y: ‘Không có lợi ích nhóm trong hoạt động kiểm dịch động vật’

Trước thông tin có lợi ích nhóm trong hoạt động kiểm dịch động vật, Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long đã đối thoại với các doanh nghiệp để làm rõ tin đồn này.

Trồng sầu riêng nghịch vụ, kiếm tiền tỷ mỗi năm

CẦN THƠ Một kỹ sư nông nghiệp có bí quyết xử lý sầu riêng nghịch vụ, tận dụng khoảng trống thị trường để bán được giá cao, mang về doanh thu tiền tỷ mỗi năm.

Lãi gấp đôi khi chuyển sang trồng rau thủy canh

HẢI PHÒNG Mạnh dạn chuyển sang ứng dụng công nghệ mới trong trồng rau, Hợp tác xã nông nghiệp Thái Sơn đã thu được lợi nhuận gấp đôi bình thường ngay trong vụ đầu tiên.

Bình luận mới nhất