Đông Nam bộ, vùng chăn nuôi trọng điểm của cả nước, đang có những thay đổi, những dịch chuyển rõ rệt về chăn nuôi, nhất là tại Đồng Nai và Bình Phước.
Nói đến chăn nuôi ở Đông Nam Bộ, ai cũng nghĩ ngay tới Đồng Nai, vì từ hàng chục năm nay, Đồng Nai luôn là thủ phủ chăn nuôi không chỉ ở Đông Nam Bộ mà còn của cả nước. Đến hết năm 2022, tổng đàn heo của Đồng Nai là 2,5 triệu con, tổng đàn gà 26 triệu con.
Với tổng đàn lớn như vậy, Đồng Nai đã và đang là nguồn cung cấp chính các sản phẩm thịt heo, thịt gà, trứng gà cho Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ. Ngành chăn nuôi cũng đóng một vai trò quan trọng vào phát triển kinh tế, xã hội tỉnh Đồng Nai.
Chăn nuôi đã đóng một vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội ở tỉnh Đồng Nai, nhưng chăn nuôi cũng đang gây áp lực không nhỏ lên môi trường ở tỉnh này. Kết quả kiểm tra của cơ quan chức năng cho thấy, nhiều trang trại chăn nuôi đang là nguồn gây ô nhiễm nghiêm trọng ở các địa phương.
Là một tỉnh đang phát triển mạnh về công nghiệp, dịch vụ, du lịch, ưu tiên hàng đầu của Đồng Nai là bảo vệ môi trường. Chính vì vậy, tỉnh này đang mạnh tay sắp xếp lại ngành chăn nuôi theo hướng ổn định sản lượng và bảo vệ môi trường. Với chủ trương không đánh đổi kinh tế lấy môi trường, hàng nghìn trang trại chăn nuôi ở Đồng Nai sẽ phải ngừng hoạt động hoặc di dời ra khỏi những khu vực không được phép chăn nuôi.
Trong khi Đồng Nai không còn ưu tiên phát triển chăn nuôi theo số lượng, sản lượng, thì ở một tỉnh khác cũng thuộc Đông Nam Bộ là Bình Phước, ngành chăn nuôi đang có bước phát triển vượt bậc về quy mô, tổng đàn. Từ một tỉnh vốn chủ yếu là chăn nuôi nhỏ lẻ, nhờ chính sách thu hút đầu tư cũng như điều kiện tự nhiên thuận lợi, Bình Phước đã vươn lên thành tỉnh có ngành chăn nuôi công nghiệp quy mô lớn với tổng đàn heo 2 triệu con, tổng đàn gia cầm 13,5 triệu con, tức là chỉ đứng sau Đồng Nai ở Đông Nam Bộ.
Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp từng có thời gian dài đầu tư ở Đồng Nai, thì gần đây lại chọn Bình Phước để xây dựng, phát triển những dự án chăn nuôi lớn. Điển hình như C.P. Việt Nam với tổ hợp CPV Food trị giá 250 triệu đô la hay Japfa Comfeed Việt Nam với dự án chăn nuôi có tổng vốn đầu tư tới 250 triệu đô la.
Đến nay, đã có khoảng 150 doanh nghiệp trong ngành chăn nuôi đến đầu tư ở Bình Phước với tổng vốn đầu tư 24 nghìn tỷ đồng, trong đó bao gồm các tập đoàn chăn nuôi hàng đầu. Với đội ngũ các nhà đầu tư hùng hậu như vậy, Bình Phước đang hướng tới việc đạt tổng đàn heo 3,2 triệu con và tổng đàn gia cầm 27 triệu con vào năm 2030, vừa đáp ứng được nhu cầu của thị trường nội địa, vừa đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi.
Để ngành chăn nuôi phát triển nhanh và bền vững, Bình Phước đang đẩy mạnh xây dựng vùng an toàn dịch bệnh, xây dựng các chuỗi giá trị chăn nuôi đảm bảo an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh.
Bên cạnh đó, tỉnh Bình Phước cũng đã coi bảo vệ môi trường là mối quan tâm hàng đầu trong phát triển chăn nuôi để tránh xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường như ở nhiều địa phương đi trước trong phát triển ngành chăn nuôi.
Tiềm năng để phát triển chăn nuôi ở Bình Phước nói riêng và Đông Nam Bộ nói chung còn rất lớn, khi nhu cầu tiêu thụ trong nước ngày càng tăng và sẽ có thêm những thị trường mở cửa cho các sản phẩm chăn nuôi Việt Nam. Điều đáng ghi nhận là hiện nay, các tỉnh Đông Nam Bộ không còn phát triển nóng về chăn nuôi như trước đây nữa mà đã đặt ra yêu cầu phát triển chăn nuôi phải song hành với bảo vệ môi trường.