Thủ tướng: Chủ động ứng phó mưa lũ tại miền Trung và Tây Nguyên. Dự án MCRP cùng người dân ĐBSCL thích ứng thiên tai. Bình Phước báo động công trình thủy lợi xuống cấp. Cá tầm nuôi theo công nghệ sông trong ao phát triển mạnh. Bảo vệ trang trại an toàn trước dịch lở mồm long móng.
Thủ tướng: Chủ động ứng phó mưa lũ tại miền Trung và Tây Nguyên
Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện số 1034 phủ yêu cầu chủ động ứng phó mưa lũ, bảo đảm an toàn cho người dân tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các tỉnh, thành phố gồm: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk; Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai; Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; các bộ, ngành liên quan chủ động triển khai công tác đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập theo cấp báo động, nhất là các công trình xung yếu, đang thi công, hạn chế tối đa thiệt hại.
Tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động thực hiện các biện pháp tự bảo đảm an toàn khi xảy ra mưa lũ, ngập lụt; dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm để chủ động đề phòng mưa lũ, sạt lở đất gây chia cắt.
Chủ động bố trí lực lượng, phương tiện tại khu vực trọng điểm để kịp thời tổ chức hỗ trợ người dân sơ tán và cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xảy ra.
Dự án MCRP cùng người dân ĐBSCL thích ứng thiên tai
Kim Anh sx
Ngày 1/11, tại TP Cần Thơ, Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) phối hợp với Cục Quản lý đề điều và Phòng chống thiên tai (Bộ NN-PTNT) tổ chức Hội thảo đối tác triển khai Dự án thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL (gọi tắt là MCRP) pha 2, dự án được tài trợ bởi Chính phủ Thụy sĩ và Chính phủ Đức.
Bà Sibylle Bachmann (Sai-by-lơ-bát-mân), Phó Cơ quan Hợp tác Phát triển, Đại sứ quán Thụy Sĩ tại Việt Nam nhấn mạnh, các thách thức do BĐKH rất phức tạp và đòi hỏi một cơ chế phối hợp từ tất cả các cấp quản lý, chính quyền. Hội thảo đối tác triển khai Dự án MCRP là một bước quan trọng trong việc tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan từ trung ương đến địa phương. Thụy Sĩ cam kết tiếp tục hỗ trợ và đồng hành cùng Việt Nam vì một tương lai phát triển bền vững, thích ứng với BĐKH.
Ông Jens Schmid-Kreye (jen-smit-krây-ơ), Phó Phòng Hợp tác Phát triển - Đại sứ quán CHLB Đức tại Việt Nam đồng thời bày tỏ, các hoạt động hợp tác kỹ thuật từ dự án sẽ góp phần hiện thực hóa kế hoạch hành động, xây dựng chiến lược phát triển bền vững và thích ứng với BĐKH cho vùng ĐBSCL
Ông Phạm Ngọc Mậu, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN-PTNT) chia sẻ, Dự án MCRP được mong đợi triển khai một cách thiết thực, hữu ích, phù hợp với tình hình thực tế trong công tác phòng, chống thiên tai, hướng tới sự phát triển bền vững ở khu vực ĐBSCL,
Bình Phước báo động công trình thủy lợi xuống cấp
Trần Trung sx
Là tỉnh không giáp biển nhưng Bình Phước có địa hình phức tạp, các loại hình thiên tai phổ biến ở địa phương này đều hứng phải, trừ hạn mặn.
Dù sở hữu hệ thống công trình thủy lợi tương đối lớn, với 62 hồ đập lớn nhỏ. Tuy nhiên, hầu hết các công trình được xây dựng từ lâu, một số công trình đã hết thời gian sử dụng nên xuống cấp. Do nguồn kinh phí của tỉnh còn hạn hẹp chưa thể bố trí để sửa chữa đồng bộ.
Ông Nguyễn Đăng Dương - Phó Chi Cục Trưởng Chi cục Thủy Lợi tỉnh Bình Phước cho biết thêm, trong 62 công trình công trình, hiện có 15 công trình hư hỏng xuống cấp đến mức báo động, tìm ẩn rủi ro cao cần kinh phí khoảng 138 tỷ đồng để duy tu, địa phương đang kiến nghị Trung ương hỗ trợ để công tác phòng chống thiên tai địa phương đạt hiệu quả cao.
Cá tầm nuôi theo công nghệ sông trong ao phát triển mạnh
Minh Hậu sx
Ngày 31/10, Trung tâm Quốc gia giống thuỷ sản nước ngọt miền Trung (tại tỉnh Lâm Đồng) tổ chức Hội thảo đánh giá mô hình Ứng dụng công nghệ sông trong ao nuôi cá tầm thương phẩm. Theo đó, sau 12 tháng nuôi, khối lượng cá trung bình đạt 2,2 kg/con, tỷ lệ sống 82% và năng suất đạt trên 23kg/m2 mương nuôi. Với kết quả này, mô hình cho thấy sự phù hợp với điều kiện của tỉnh Lâm Đồng và có thể ứng dụng, mở rộng vùng nuôi nhằm nâng cao sản lượng cá tầm trong những năm tới.
Mô hình Ứng dụng công nghệ sông trong ao nuôi cá tầm được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lâm Đồng phối hợp với Trung tâm Quốc gia giống thuỷ sản nước ngọt miền Trung thực hiện trong thời gian từ tháng 10/2022 đến tháng 10/2023. Mô hình được thực hiện trên quy mô 3 ao nuôi, mỗi ao rộng 2.000m2. Ở mỗi ao, đơn vị nghiên cứu xây dựng 1 mương nuôi với diện tích 125m2 và thiết lập hệ thống sục khí để tăng hàm lượng ôxy hoà tan của dòng nước chảy. 3 mương nuôi được thả cá theo các mật độ 10, 13 và 16 con/m2.
BẢO VỆ TRANG TRẠI AN TOÀN TRƯỚC DỊCH LỞ MỒM LONG MÓNG
Duy Học sx
Ngày 1/11, tại Hà Nội diễn ra Hội thảo cập nhật tình hình dịch bệnh Lở mồm long móng trên thế giới và Việt Nam. Theo các diễn giả, dịch bệnh lở mồm long móng trên thế giới đang diễn biến phức tạp. Thực tế dịch bùng phát ở Anh, Hàn Quốc đã ghi nhận thiệt hại con số hàng tỷ USD. Tại Việt Nam, bệnh lở mồm long móng (FMD) gây thiệt hại nghiêm trọng nhất từ năm 2006-2012. Tuy nhiên nhờ “Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh lở mồm long móng giai đoạn 2021-2025” đã có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, từ Trung ương đến cơ sở, cả doanh nghiệp và người dân, theo đó đã kiểm soát tốt dịch bệnh.
Cụ thể năm 2020, cả nước có 7.000 con gia súc mắc bệnh FMD nhưng đến thời điểm hiện tại chỉ còn hơn 700 con mắc bệnh. Như vậy đã giảm gần như tuyệt đối, trên 90%, cả phạm vi dịch bệnh cũng như mức độ gia súc bị bệnh. Tại hội thảo, các chuyên gia bàn về giải pháp cho sự an toàn của trang trại, đánh giá rủi ro cách li, kiểm dịch, vệ sinh tiêu độc chuẩn đoán và ngăn ngừa và sử dụng Vacxin.