| Hotline: 0983.970.780

Xâm nhập mặn diễn biến phức tạp, khó lường

Thứ Năm 26/12/2019 , 09:01 (GMT+7)

Hạn mặn đã xâm nhập vào các tỉnh ĐBSCL khá sớm so với nhiều năm trước.

10-34-09_nh_1_cong_kenh_nhnh_tp_rch_gi_dng_duoc_gp_rut_thi_cong_ngn_mn
Cống Kênh Nhánh, TP Rạch Giá đang được gấp rút thi công ngăn mặn từ biển Tây xâm nhập nhằm bảo vệ SX nông nghiệp và nước sinh hoạt cho người dân.

Hiện có những điểm đã xâm nhập mặn sâu tới 40- 50km, dự báo cao điểm tháng 2-3/2020 có những nơi xâm nhập mặn có thể vào tới 100km.
 

Căng thẳng nhất là Kiên Giang

Theo các tỉnh ĐBSCL, vụ ĐX năm nay sẽ có khoảng 200.000ha cây trồng bị ảnh hưởng, trong đó có khoảng 90.000ha bị nhiễm nặng. Theo kịch bản tính toán, Bộ NN-PTNT khuyến cáo sẽ không gieo cấy khoảng 70.000ha cây trồng do không đảm bảo nước tưới mà chuyển đổi sang cây trồng khác.

Tại Kiên Giang, tỉnh ven biển thường bị hạn mặn đến sớm, nhất là thời điểm sau tết mặn lấn sâu vào nội đồng gây thiệt hại cho SX nông nghiệp. Vùng bị ảnh hưởng được xác định trải rộng trên địa bàn tỉnh, từ vùng SX nông nghiệp, đất rừng và vùng đô thị (nước sinh hoạt).

Ông Nguyễn Văn Tâm, GĐ Sở NN-PTNT Kiên Giang cho biết, đối với sản xuất nông nghiệp, dự báo vùng bị ảnh hưởng trải dài từ ven biển TP Rạch Giá đến Hà Tiên, vùng ven sông Cái Lớn, Cái Bé, các huyện vùng U Minh Thượng. Đối với đất rừng, trọng tâm là VQG Phú Quốc và U Minh Thượng. Các khu vực xã đảo, các xã ven biển thuộc huyện An Biên, An Minh, Kiên Hải, Kiên Lương và TP Hà Tiên sẽ bị thiếu nước ngọt cho sinh hoạt.

Theo ông Tâm, để triển khai công tác phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, Sở đã phối hợp với các địa phương vận hành hệ thống cống tại TP Rạch Giá, ven sông Cái Lớn thuộc huyện Châu Thành (55 cống), vùng U Minh Thượng (17 cống) có hiệu quả. Triển khai gia cố, đắp mới các đập ngăn mặn theo thời vụ để tăng cường bảo vệ lúa ĐX 2019-2020 và tiếp tục phòng, chống hạn, mặn cho vụ lúa HT 2020.

Hiện tổng số đập đã đắp là 70/173 đập, trong đó có 2 đập bằng cừ thép Larsen tại khu vực T3 – Hòa Điền và Kênh Nhánh – TP Rạch Giá. Riêng đập T3 - Hòa Điền năm nay được triển khai sớm, từ ngày 31/7 đến hết mùa khô năm 2020. Việc đắp lại đập này sớm là để kịp thời đối phó khô hạn, xâm nhập mặn đang diễn biến phức tạp, khó lường và không để mặn vào sâu vào nội đồng, giữ ngọt phục vụ sản xuất.

Trong trường hợp mặn xâm nhập sâu đến huyện Giồng Riềng và Gò Quao, ngành nông nghiệp sẽ triển khai đắp 83 đập dự phòng, gồm Gò Quao 20 đập, Giồng Riềng 56 đập, Châu Thành 7 đập.

10-34-09_nh_2_nguoi_dn_vung_ven_bien_o_dbscl_dng_lo_lng_vi_hn_mn_nm_ny_den_som_v_ln_su_vo_noi_dong_ngy_su_tet
Người dân vùng ven biển ở ĐBSCL đang lo lắng vì hạn mặn năm nay đến sớm và lấn sâu vào nội đồng ngay sau tết.

Theo dự báo, từ tháng 1 đến tháng 6/2020, lượng mưa ở ĐBSCL phổ biến ở mức thấp, riêng trong tháng 2 sẽ không có mưa. Độ mặn bắt đầu tăng cao từ tháng 1, đến tháng 3, tháng 4, độ mặn duy trì ở mức cao trong thời gian nhiều ngày, khả năng độ mặn cao nhất trong năm xuất hiện vào những ngày cuối tháng 4.

Ông Nguyễn Huỳnh Trung, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Kiên Giang cho biết, từ ngày 10/12 đến nay, độ mặn ven bờ biển trên địa bàn tỉnh đã tăng cao, ở mức 22-29%o. Đợt triều cường giữ tháng 11 âm lịch đã gây xâm nhập mặn lấn sâu vào nội đồng ở 1 số khu vực.

Cụ thể, tại Gò Quao, cách biển 35 km độ mặn cao nhất đo được là 4,2%o, tuyến sông Cái Lớn tại Xẻo Rô, cách biển 7km, độ mặn là 13,8%o, tại cầu Lô, cách biển 16 km là 9,3%o. Tuyến sông Cái Bé, tại cửa Tà Niên là 7,8%o và dẫn mặn sâu vào kênh Ông Hiển 7 km (TP Rạch Giá) là 2,4%o.

Lo ngại lớn nhất với SX nông nghiệp tỉnh Kiên Giang là hạn, mặn có thể ảnh hưởng đến diện tích lúa đang canh tác. Đối với vụ mùa 2019-2020, diện tích đã xuống giống là hơn 62.500 ha, chủ yếu tập trung ở các huyện vùng U Minh Thượng, trên nền đất nuôi tôm. Hiện nay, một số nơi đã bắt đầu tư hoạch, rộ từ cuối tháng 12 và phải đến giữa tháng 2/2020 mới dứt điểm.

Diện tích lúa ĐX 2019-2020, đã xuống giống gần 285.000 ha, phải đến tháng 1/2020 mới bắt đầu thu hoạch với diện tích gieo sạ sớm khoảng 15.000 ha, ở các huyện U Minh Thượng, Vĩnh Thuận, An Biên, Gò Quao, Giang Thành. Thu hoạch rộ trong tháng 2 và phải qua đầu tháng 3 mới dứt điểm. Đây là thời điểm hạn, mặn được dự báo tăng cao và rất nguy hiểm cho sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, cần triển khai đồng bộ các giải pháp bảo vệ lúa, cả công trình và phi công trình.

10-34-09_nh_3_ngnh_chuc_nng_gi_co_no_vet_kenh_muong_v_chu_dong_ngn_mn_de_phuc_vu_sx_nong_nghiep
Ngành chức năng gia cố nạo vét kênh, mương và chủ động ngăn mặn để phục vụ SX nông nghiệp.
Ông Lê Văn Khanh, Trưởng phòng NN-PTNT huyện An Minh cho biết, huyện có diện tích lúa mùa lớn nhất tỉnh, với gần 25.800 ha, hiện đã thu hoạch được hơn 8.000 ha, năng suất từ 4-4,5 tấn/ha. Diện tích còn lại sẽ thu hoạch dứt điểm trong đầu tháng 1/2020. Nhờ chủ động thực hiện các biện pháp ngăn mặn, nên nhiều khả năng sẽ đảm bảo an toàn, tránh bị thiệt hại như đợt hạn mặn lịch sử 2015-2016.


Các tỉnh khác đang gấp rút đối phó

Còn tại An Giang, mùa khô 2019-2020, khả năng sớm hơn trung bình nhiều năm và kéo dài, các huyện trồng lúa và hoa màu đã có kế hoạch, chủ động ứng phó hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn sẽ xảy ra.

Ông Lương Huy Khanh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi An Giang cho biết: Chống hạn và xâm nhập mặn, theo phương châm "4 tại chỗ".

Trong đó lập kế hoạch nạo vét hệ thống kênh mương cạn kiệt, cửa vào các cống lấy nước, lắp đặt trạm bơm dã chiến, khơi thông dòng chảy, đảm bảo đủ nguồn nước phục vụ SX và dân sinh. Xác định từng vùng, khu vực khả năng bị ảnh hưởng khô hạn để có giải pháp cụ thể, giảm thiểu ảnh hưởng đến SX nông nghiệp.

Phối hợp với Đài Khí tượng thủy văn tăng cường công tác thông tin, tuyền truyền về nguồn nước để người dân biết chủ động phòng tránh, như thực hiện bơm tưới vào thời điểm nước con nước lớn để tăng hiệu quả, áp dụng quy trình sản xuất “1 phải 5 giảm” đối với cây lúa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng lúa sang cây trồng cạn.

Ông Nguyễn Quí Ninh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi TP Cần Thơ cho biết: Đặc biệt mùa khô năm nay dự kiến đến sớm. Ngành nông nghiệp thành phố đã chủ động thi công nạo vét, nâng cấp mới 12 công trình đê bao khép kín với tổng chiều dài là 31,240km. Thực hiện sửa chữa, nâng cấp, nạo vét hệ thống thuỷ lợi Ô Môn Xà no do Trung ương đầu tư với tổng mức đầu tư 2.800 triệu đồng. Và gia cố đê bao vùng SX cây ăn trái ở xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền trên 568ha.

10-34-09_nh_4_hien_co_nhung_diem_o_dbscl_d_xm_nhp_mn_40-50km_vo_noi_dong
Hiện có những điểm ở ĐBSCL đã xâm nhập mặn 40-50km vào nội đồng.

Ông Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập sinh thái ĐBSCL:

"Với lượng nước sông Mekong thấp kỷ lục như năm nay, có thể thấy mùa khô sau Tết, đỉnh điểm tháng 3- 4/2020 có thể sẽ diễn ra hạn, mặn gay gắt.

Đối với những năm khô hạn cực đoan, xâm nhập mặn sâu thì không có cách nào tốt hơn là cảnh báo sớm và né, để tránh thiệt hại, không nên đương đầu.

Kinh nghiệm cho thấy như năm 2016 ít có biện pháp nào để đối phó với khô hạn cực đoan. Dù có cống đập ngăn mặn thì cũng không có tác dụng vì bên trong không đủ nước thì ngăn mặn cũng không có tác dụng mấy".

Theo ông Thiện, những vùng mặn ở ĐBSCL như ở bán đảo Cà Mau, mặn là từ trong đất ra.

Trong quá trình bồi đắp vùng này, phù sa sông Cửu Long mang ra biển rồi vòng đường biển vào bồi đắp bán đảo Cà Mau nên đất ở đây mặn. Vùng này có 6 tháng ngọt là nhờ lớp nước mưa ở trên đè xuống.

Trong những năm khô hạn, mưa ít và sông Hậu rất yếu thì dù có đóng cống ngăn mặn bên trong vẫn mặn do không đủ nước ngọt bên trong.

Riêng với nước sinh hoạt thì ngành chức năng cần thông báo sớm cho người dân để tích cực chuẩn bị trữ nước sinh hoạt bằng các dụng cụ trong gia đình và các ao, mương gia đình hoặc cộng đồng.

  • Tags:
Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.