| Hotline: 0983.970.780

ĐBQH bắt mạch nhiều “căn bệnh” mới của xã hội

Thứ Hai 31/05/2010 , 20:01 (GMT+7)

Các ĐB đã chỉ ra những “căn bệnh” mới của xã hội đang tác động không nhỏ tới nhiều mặt đời sống và đề nghị Chính phủ ngăn chặn ngay kẻo trở thành di căn, khó chữa.

Các ĐB đã chỉ ra những “căn bệnh” mới của xã hội đang tác động không nhỏ tới nhiều mặt đời sống và đề nghị Chính phủ ngăn chặn ngay kẻo trở thành di căn, khó chữa.

ĐB Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn): Thích “dự án”, “chi hoành tráng”, “to và dài nhất”

Kỳ họp trước, ĐBQH đã nêu lên tình trạng thu, chi ngân sách “quá tay”, thậm chí nhiều ĐB chất vấn trách nhiệm vấn đề này nhưng không khắc phục được là bao, thậm chí còn nghiêm trọng hơn, thể hiện chỉ số ICOR (tỷ lệ đồng vốn bỏ ra để đạt được tỷ lệ tăng trưởng kinh tế) đã lên đến 8, trước đây chỉ là 5, 6.

ĐB Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn)

Bộ trưởng LĐTB-XH Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng sở dĩ chỉ số ICOR cao bởi vì ta tính cả đầu tư chính sách. ĐB Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) phản bác: “Cứ cho rằng đó là chính sách đối với gia đình có công hay thương binh, đầu tư cơ sở hạ tầng cho miền núi. Nhưng nếu trừ phần đó ra thì ICOR vẫn cao. Phải xem chi đầu tư phát triển những vùng miền núi đã thật cao chưa so với làm 1,2km đường Hà Nội ngốn hết 600 tỷ đồng. Đó là căn bệnh “chi hoành tráng”.

“Nếu chưa giải quyết được, kỷ luật không nghiêm, bệnh này vẫn tiếp tục làm sập cầu. Đã có ba, bốn cái cầu sập chưa thấy ai bị kỷ luật, chưa thấy ai từ chức, không thấy xin lỗi dân. Duyệt lương cho lãnh đạo của TCty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) cao gấp 10 lần lương của Chủ tịch nước, đó có phải là tham nhũng không?”- ĐB Thuyết nói.

Ở Việt Nam cái gì người ta cũng thích to nhất, dài nhất. Cầu dài nhất, hầm dài nhất, đường sắt cao tốc dài nhất, bánh chưng to nhất…để ghi vào kỷ lục Guinnes. “Tại sao trong lúc đồng bào mình phải đu dây vượt qua sông, có cả các cháu học sinh đi học hàng ngày mà mình không làm đường ở đấy. Để cuối cùng, chỉ những người có tiền nhiều, hoặc những người tiêu tiền ngân sách ủng hộ làm đường sắt cao tốc dài nhất để đi lại cho nhanh?”- ĐB Thuyết đặt câu hỏi.

ĐB Nguyễn Minh Thuyết còn chỉ ra căn bệnh “thích dự án”. “Thực ra bệnh này có từ lâu rồi. Tại sao vỉa hè đang yên đang lành thì bóc ra thay bằng thứ đá trơn trượt? Vụ giả làm chuyên viên Văn phòng Chính phủ đi giới thiệu dự án được đón tiếp rất linh đình, hoành tráng, bố trí ở khách sạn 4- 5 sao, cấp cả ôtô cho đi, về sau mới phát hiện ra là kẻ lừa đảo. Tôi đối chiếu với ngày, tháng anh chuyên viên giả đến thành phố đó cũng đúng thời điểm tôi đi tháp tùng đồng chí Ủy viên TƯ Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban đang công tác ở đấy. Ông Ủy viên TƯ thì ở một nhà khách bình thường, tiếp đón thì cũng chu đáo. Thế nhưng một người giả danh cấp chuyên viên đi giới thiệu dự án thì được đón tiếp hoành tráng. Có phải đây là bệnh “thích dự án” không? Dự án đem lại lợi ích cho ai mà thích như thế? Nếu bệnh “thích dự án” này không chữa tích cực thì không thể nào khắc phục được tình trạng nợ nần chồng chất như hiện nay và sẽ còn kéo nền kinh tế xuống”.

ĐB Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh): “Bệnh xin cho đất, rừng, mỏ”

ĐB Nguyễn Đình Xuân cho rằng, hiện nay chúng ta bị thất thu cực kỳ lớn trong việc giao đất, giao rừng, giao mỏ khoáng sản. Tại sao lại thất thu nhiều thế? Đó là do bệnh xin cho đất, rừng, mỏ. Vì DN muốn lấy đất của dân thì phải đền bù, giải tỏa, tái định cư, tạo công ăn việc làm...chưa kể những khiếu nại, tố cáo phát sinh. Còn DN lấy đất của nhà nước, đất rừng, đất ven biển thì gần như không phải chi cái gì mà còn được lợi vì xin được. Ví dụ lấy đất rừng thì việc đầu tiên là được gỗ để bán, sau đó chia lô, bán nền...  

ĐB Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh)

“Đọc báo thấy ông GĐ Cty Cao su Sơn La bị bắt vì liên quan đến hợp đồng khai hoang trồng cao su mới thấy cơ chế của chúng ta quá hở. Hở nên phát sinh tiêu cực là đương nhiên. Cái đó chỉ là phần nổi tảng băng hay vây con cá mập lú trên mặt nước thôi. Mỏ khoáng sản, đất, rừng là tài nguyên và chúng ta phải đấu giá, phải công khai và minh bạch chứ không thể xin cho được. Xin cho một lần đến mấy ngàn ha. Thử hình dung mấy ngàn ha đất giá trị thế nào? Cái này chúng ta nên bán, bắt trả tiền, cho thuê…”.

ĐB Nguyễn Đình Xuân dẫn thêm một dẫn chứng nữa: “Những dãy đất hứa hẹn ở ven biển miền Trung, đặc biệt là Phan Thiết, Mũi Né...giờ đây đã biến thành resort. Giờ người dân muốn đi xuống biển không thể không bước qua cái resort, bởi vì tất cả đất ven biển đã được chia lô hết và giao cho các resort rồi”.

Xem thêm
Sống lại ký ức hào hùng trên tuyến đường 1C huyền thoại

KIÊN GIANG Tuyến đường 1C nối đường Hồ Chí Minh trên bộ nhằm vận chuyển hàng hóa, vũ khí, thuốc cứu thương, nhu yếu phẩm và đưa rước cán bộ chi viện cho chiến trường miền Nam.

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị: Điều tra, xử lý nghiêm hành vi gây cháy rừng

Ngày 28/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Quốc Trị đã có buổi làm việc với tỉnh Hà Giang về tình hình sản xuất nông nghiệp và công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Ùn tắc bến phà ra đảo Cát Bà dịp 30/4 và 1/5

HẢI PHÒNG Ngày 28/4, hàng nghìn người đã ùn ùn đổ về bến phà Đồng Bài để ra đảo Cát Bà khiến giao thông tắc nghẽn.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm