| Hotline: 0983.970.780

ĐBSCL: Loay hoay giảm lượng giống gieo sạ

Thứ Tư 03/08/2016 , 14:01 (GMT+7)

Với tập quán sạ lan và gieo mật độ rất dày, nhiều nông dân ở ĐBSCL sử dụng lượng lúa giống gieo sạ cao gần gấp đôi so với khuyến cáo, làm phát sinh dịch hại, tăng chi phí SX.

Ngành chức năng đã có nhiều chương trình, dự án nhằm giúp nông dân giảm lượng giống gieo sạ nhưng không dễ thay đổi kiểu tư duy “thất dày hơn trúng thưa” của đại đa số người dân.

Huyện Tân Hiệp (Kiên Giang) là địa phương có trình độ thâm canh lúa rất cao, với năng suất đạt từ 18 - 20 tấn/ha/3 vụ/năm. Theo các nhà khoa học, với cơ cấu giống lúa và quy trình canh tác như hiện nay thì năng suất này gần như đã đội trần, khó có thể tăng thêm. Thế nhưng, đa phần nông dân ở đây vẫn giữ tập quán sạ lan và gieo sạ mật độ rất dày, với lượng giống gieo sạ từ 150 - 180 kg/ha.

Ghé thăm nhà anh Nguyễn Minh Tân ở ấp Tân Long, xã Tân An, nghe anh kể câu chuyện của chính gia đình mình, mới thấy việc thay đổi tập quán canh tác của người nông dân không đơn giản chút nào.

“Do là nông dân SX giỏi nên tôi được phòng nông nghiệp huyện cử đi dự lớp “3 giảm, 3 tăng”, được hỗ trợ máy sạ hàng, về làm trình diễn gieo sạ lượng giống chỉ 120 kg/ha, thấp hơn 60 kg so với cách làm truyền thống của nông dân địa phương. Nhưng mất cả tuần vẫn không thuyết phục được vợ con, cuối cùng phải chia 3ha ruộng nhà ra làm đôi. Khốn khổ nhất là thời gian đầu mới gieo sạ, chẳng ngày nào được yên thân vì vợ con cằn nhằn suốt.

Lý do là phần ruộng vợ con làm và của hàng xóm kế bên đã xanh kín mặt đất, còn phần trình diễn của mình nhìn vẫn đen thui, chỉ loe hoe vài cây lúa. Mãi đến khi thu hoạch, năng suất lúa không thua kém ruộng sạ dày, nhưng chi phí thấp hơn vì ít sâu bệnh, mọi người mới tin “cấy thưa thừa thóc”. Tuy nhiên, cũng ít người chịu làm theo vì kéo hàng tốn công hơn sạ lan, lại yêu cầu mặt ruộng phải thật bằng phẳng mới làm được”, anh Tân kể.

Theo ông Nguyễn Trung Tiền, GĐ Trung tâm Giống nông lâm ngư nghiệp Kiên Giang, có nhiều nguyên nhân khiến nông dân vẫn giữ tập quán gieo sạ dày, với lượng lúa giống lên đến 180 - 200 kg/ha.

Thứ nhất là mặt ruộng không được bằng phẳng, tỷ lệ giống bị chết do vũng nước, ốc ăn... mất khoảng 20 -30%, nếu sạ gặp trời mưa thì còn cao hơn. Thứ hai là nhiều nông dân sử dụng giống không tốt (lấy lúa thịt làm giống hoặc tự trao đổi...) nên tỷ lệ nảy mầm kém. Thứ ba là mỗi hộ nông dân thường có diện tích 1 - 2ha, có người 5 - 7ha nên họ chọn cách sạ lan cho nhanh, gieo mật độ dày để khỏi phải tốn công cấy dặm...

“Nếu chịu đầu tư sửa sang lại mặt ruộng, tốt nhất là trang phẳng bằng tia lazer thì nông dân sẽ giảm được nhiều chi phí, trước mắt là giảm lượng giống gieo sạ. Hiện toàn bộ diện tích canh tác của trung tâm và nông dân tham gia mạng lưới nhân giống (khoảng 2.500ha/vụ) trong tỉnh đều gieo sạ với lượng giống 120kg/ha nhưng vẫn hiệu quả. Phấn đấu thời gian tới sẽ giảm xuống 80kg/ha theo chương trình của Bộ NN-PTNT. Còn nếu làm mạ và cấy bằng máy thì lượng lúa giống giảm chỉ còn 40 - 50kg/ha”, ông Tiền dẫn chứng.

10-04-14_2-su-dung-my-s-hng-nong-dn-co-the-gim-luong-giong-gieo-s-moi-h-xuong-con-100-120-kg
Sử dụng máy sạ hàng, nông dân có thể giảm lượng giống gieo sạ mỗi ha xuống còn 100-120 kg

 

Ông Nguyễn Hữu An, Chi cục trưởng Chi cục BVTV An Giang cho biết, tỉnh khuyến cáo nông dân áp dụng các tiến bộ KHKT, trong đó đặt trọng tâm là khâu chọn giống chất lượng, giảm lượng giống gieo sạ, nhằm giảm chi phí đầu vào, tăng hiệu quả kinh tế. Tỉnh cũng đang đẩy mạnh áp dụng mô hình “ 3 giảm 3 tăng”, “ 1 phải 5 giảm” và mô hình canh tác lúa theo công nghệ sinh thái...

Để giúp nông dân tăng thêm lợi nhuận, giảm chi phí đầu tư và hạn chế tình hình dịch bệnh gây hại, các ngành chuyên môn ở Đồng Tháp đã tích cực vận động, tuyên truyền nông dân sạ thưa, giảm giống. Tuy nhiên, đây là “bài toán” đau đầu vì không dễ thực hiện khi phương thức SX truyền thống đã ăn sâu trong tập quán người dân.

Ông Nguyễn Văn Tài, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tân Hồng cho biết, trên thực tế nhiều nông dân vẫn còn thực hiện phương thức SX với lượng giống gieo sạ từ 180 - 200kg/ha đối với lúa và 200 - 220kg/ha đối với các loại nếp.

Với lượng giống gieo sạ cao như vậy sẽ làm tăng chi phí tiền giống, tăng mật độ số cây lúa trên ruộng, kéo theo hậu quả là dễ phát sinh sâu bệnh, hao tốn thêm số lần phun xịt thuốc. Đồng thời do nhiều cây lúa trên ruộng thì thêm tốn chất dinh dưỡng nhiều hơn, phải bón thêm phân. Mặt khác, thuốc BVTV đa số đều là những độc chất, việc sử dụng nhiều lượng, nhiều lần sẽ đem lại nguy cơ có hại cho con người và ô nhiễm môi trường nước và đất.

Anh Phan Thiện Khanh ở ấp Định Khánh B, xã Định Môn, huyện Thới Lai (TP. Cần Thơ) cho biết: “Nhờ áp dụng mô hình canh tác lúa thông minh ứng phó biến đổi khí hậu của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Cty CP Phân bón Bình Điền mà gia đình đã giảm được lượng giống gieo sạ từ 170 - 200kg/ha xuống còn 100 - 120kg/ha. Mặt khác điều quan trọng để giảm lượng giống hiện nay phải triển khai dần dần, không giảm một cách đột ngột được, mà làm qua từng vụ”.

10-04-14_3-phuong-php-cy-my-se-mng-li-hieu-qu-co-voi-luong-giong-chi-tu-40-50-kg-moi-h
Phương pháp cấy máy sẽ mang lại hiệu quả cao, với lượng giống chỉ từ 40-50 kg mỗi ha

 

Theo anh Khanh, kinh nghiệm trong SX lúa để giảm được lượng giống cần chú trọng khâu làm đất kỹ, đất ruộng không gồ ghề, thoát nước tốt, chọn giống xác nhận từ đó sẽ tiết kiệm được lượng giống lớn gieo sạ.

“Thực tế tại ruộng lúa của tôi khi sạ thưa chồi lúa to, cứng, lá đứng thẳng, bộ rễ phát triển mạnh. Còn ruộng lúa gần kế bên sạ dày cây lúa nhỏ, yếu, ít nở bụi. Vì vậy sạ dày vừa phải bón nhiều phân và xịt nhiều thuốc hơn mà năng suất rõ ràng không cao bằng sạ thưa”, anh Khanh chia sẻ.

Trong thời gian qua, tỉnh An Giang đã thực hiện nhiều mô hình canh tác lúa như “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải 5 giảm” kết hợp với cánh đồng sinh thái (trồng hoa trên bờ ruộng) đã thật sự phát huy hiệu quả, giúp tăng năng suất, giảm chi phí và tăng lợi nhuận. Yếu tố “cốt lõi” hàng đầu vẫn là giảm lượng giống gieo sạ từ 18 - 20kg/công xuống còn 10 - 12kg/công.

Ông Nguyễn Văn Bá ở xã Phú Thọ, huyện Phú Tân (An Giang) cho biết, với diện tích 1,5ha chuyên sản xuất nếp CK92 nhưng mỗi vụ gia đình chỉ sử dụng từ 130 - 140 kg giống/ha, giúp giảm chi phí từ 700.000 - 800.000 đồng/ha tiền mua giống; giảm phân bón, giảm số lần phun thuốc trừ sâu, từ đó giúp tăng thêm lợi nhuận từ 1,2- 1,5 triệu đồng/ha so với canh tác lúa truyền thống.

Lão nông Trần Văn Liệt ở xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự, với 30 năm kinh nghiệm trong SX lúa chia sẻ: “Do tập quán canh tác của nông dân ĐBSCL nói chung “thích” ruộng lúa được dày, số lượng cây, chồi nhiều dù biết sẽ tốn tiền giống, phân và nhiều thứ khác. Muốn thay đổi vấn đề này các ngành chức năng, các chuyên gia cần thí điểm nhiềm mô hình giảm giống và nhân rộng khi đạt kết quả cao, lúc đó nông dân sẽ dần dần thay đổi phương thức canh tác lạc hậu”.

 

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cao điểm phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa xuân vào dịp nghỉ lễ 30/4

Theo Trung tâm BVTV phía Bắc, thời điểm phòng trừ tập trung sâu cuốn lá nhỏ từ 25/4 - 5/5. Sau khi phun lần 1, nếu mật độ còn cao tổ chức phun trừ lần 2.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm