Đến nay diện tích lúa HT ở ĐBSCL 2020 đạt trên 1,4 triệu ha, trong đó đã thu hoạch 322.500 ha và trên 290.000 ha đang chín, diện tích còn lại ở các giai đoạn sinh trưởng khác nhau. Trong đó hơn 180.000 ha giai đoạn mạ, 267.000 ha lúa đang đẻ nhánh, 268.000 ha lúa đang làm đòng, trổ. Riêng vùng lúa TĐ-Mùa gieo sạ sớm đã xuống giống 200.000 ha vào giai đoạn mạ, đẻ nhánh.
Theo Trung tâm BVTV phía Nam, tuy các đối tượng sinh vật gây hại lúa với mức độ từ nhẹ đến trung bình nhưng nông dân cần theo dõi chăm sóc lúa đến cuối vụ để đảm bảo vụ mùa thắng lợi.
Trong tuần qua (từ ngày 19 đến 25/6), diện tích nhiễm rầy nâu 4.600 ha, tăng hơn 3.100 ha so với tuần trước. Mật số rầy nâu trên đồng phổ biến 750-2.000 con/m2. Các tỉnh có diện tích nhiễm rầy nâu như Bạc Liêu, Đồng Tháp, Hậu Giang, An Giang, Long An, Tiền Giang…
Tại tỉnh An Giang, lúa giai đoạn đòng-trổ nhiễm VL-LXL 10 ha, tương đương với tuần trước, tỷ lệ nhiễm nhẹ phổ biến 5-8%. Bệnh đạo ôn lá, toàn vùng có hơn 13.220 ha bị nhiễm bệnh, tăng hơn 1.500 ha so với tuần trước, tỷ lệ bệnh phổ biến 5-15%, nơi cao trên 20% với diện tích 111 ha, phân bố ở các tỉnh Long An, Kiên Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Đồng Tháp…
Bệnh đạo ôn cổ bông, toàn vùng có trên 2.580 ha nhiễm bệnh, giảm 24 ha so với tuần trước, tỷ lệ bệnh phổ biến từ 5-8%, xuất hiện ở các tỉnh Hậu Giang, Vĩnh Long, Bạc Liêu, Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp.
Bệnh lem lép hạt, toàn vùng có 10.820 ha bị nhiễm, tăng trên 4.200 ha so với tuần trước, tỷ lệ bệnh phổ biến từ 5-15%, xuất hiện như Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Vĩnh Long, Bạc Liêu…
Lúa bị nhiễm ốc bươu vàng hơn 1.100 ha, giảm 658 ha so với tuần trước, mật số phổ biến từ 2-4 con/m2. Bệnh bạc lá toàn vùng có trên 3.500 ha tăng 94 ha so với tuần trước, tỷ lệ bệnh phổ biến 10-25%, nơi cao hơn 40% với diện tích 5 ha, xuất hiện gây hại tại An Giang, Long An, Kiên Giang, Đồng Tháp, Bạc Liêu, Hậu Giang…
Diện tích lúa nhiễm sâu cuốn lá nhỏ toàn vùng 23.000 ha, tăng hơn 6.600 ha so với tuần trước, mật số phổ biến 10-25 con/ m2, nơi cao trên 40 con/m2 với diện tích 90 ha. Sâu cuốn lá nhỏ xuất hiện phổ biến tại các tỉnh Kiên Giang, Bạc Liêu, An Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Trà Vinh. Diện tích nhiễm chuột toàn vùng trên 3.000 ha, giảm 982 ha so với tuần trước, tỷ lệ hại phổ biến 5-8% ở các tỉnh Bạc Liêu, An Giang, Hậu Giang, Long An, Đồng Tháp, Sóc Trăng.
Trung tâm BVTV phía Nam khuyến cáo bà con nông dân thăm đồng thường xuyên theo dõi phát hiện sâu bệnh kịp thời để có biện pháp phòng trị. Các địa phương theo dõi bẫy đèn, tình hình khí tượng thủy văn để xác định lịch cụ thể gieo sạ cho từng vùng, tiểu vùng nhằm đảm bảo xuống giống lúa TĐ-Mùa 2020 theo hướng tập trung, né rầy hạn chế thấp nhất rầy nâu mang mầm bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá truyền bệnh cho cây lúa non và ảnh hưởng bất lợi của thời tiết phải sạ đi sạ lại nhiều lần.
Từ lúc gieo sạ đến giai đoạn mạ nông dân cần có biện pháp quản lý tốt ốc bươu vàng nhất là trên những cánh đồng không thoát nước được, dễ bị ốc bươu vàng gây hại. Lúa đang vào giai đoạn phát triển sung yếu (đẻ nhánh-đòng) lưu ý sâu cuốn lá nhỏ, bệnh đạo ôn lá trên những trà lúa sạ dày, bón thừa phân đạm. Vào giai đoạn trổ-chín cũng là lúc bệnh đạo ôn cổ bông, bệnh bạc lá, bệnh lem lép hạt phát sinh và gây hại cần phát hiện sớm bệnh để có biện pháp xử lý kịp thời, hiệu quả, hạn chế ảnh hưởng đến năng suất sau này.
Nông dân lưu ý không phun thuốc trừ sâu bệnh, thuốc kích thích sinh trưởng cho lúa ít nhất 20 ngày trước thu hoạch nhằm bảo đảm thời gian cách ly, an toàn thực phẩm. Tuân thủ tốt nguyên tắc 4 đúng khi phun thuốc.