Ngày 9/1, tại TP Cần Thơ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì Hội nghị thu hút đầu tư, kinh doanh logistics vùng ĐBSCL, do Bộ Công thương, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam tổ chức.
Theo dự báo Bộ Công thương, lượng hàng qua cảng ĐBSCL từ nay đến 2030 rất lớn. Đến năm 2020 sẽ có khoảng 25-28 triệu tấn/năm, trong đó hàng tổng hợp, container từ 11,5 đến 14,0 triệu tấn/năm. Đến năm 2030 có từ 66,5 triệu tấn đến 71,5 triệu tấn/năm, trong đó hàng tổng hợp, container từ 21,7 triệu tấn đến 26,2 triệu tấn/năm. Qua đó cho thấy vùng ĐCSCL có nhu cầu rất cao trong đầu tư phát triển hoạt động logistics, cả về đầu tư cơ sở hạ tầng logistics cũng như phát triển DN cung ứng dịch vụ logistics.
Ông Trần Hữu Hiệp, Ủy viên chuyên trách phụ trách Kinh tế, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, cho biết: Vùng ĐBSCL có hệ thống đường thủy nội địa đày đặc với trên 14.800 km đường thủy nội địa; có 2 tuyến kết nối với Campuchia và 5 tuyến kết nối với vùng Đông Nam bộ và 4 tuyến kết nối nội vùng. Trong đó, có 2 tuyến đường thủy huyết mạch từ TP.HCM đi Kiên Giang, Cà Mau và kênh Quan Chánh Bố cho tàu trọng tải lớn ra vào sông Hậu. Hiện nay toàn vùng có 7 cảng biển, 34 bến cảng, 57 cảng thủy nội địa và gần 4.000 bến thủy.
Tuy nhiên, hiện thời mặt hạn chế chính là sự phân tán quy mô nhỏ lẻ của hệ thống cảng, các phương thức vận tải chưa đồng bộ, năng lực các cảng còn yếu. Lượng hàng hóa các cảng của vùng hàng năm rất thấp, chỉ khoảng 20% (tương đương 9 triệu tấn/năm), còn lại 80% phải tiếp chuyển đến các cảng khu vực Đông Nam bộ bằng đường bộ, khiến giá thành sản phẩm bị đội lên; 1/3 chuyến xe tải sau khi giao hàng thì quay về bằng xe không, đây là sự lãng phí rất lớn.
Đến nay ĐBSCL chưa có trung tâm logistics được công nhận nằm trong Quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, vùng này đang cần đầu tư vào nhiều hạ tầng logistics mới như hệ thống trung tâm logistics vệ tinh, hệ thống cảng biển, cảng sông, cảng cạn (ICD), kho bãi, trong đó chú trọng phát triển các dịch vụ logistics cho các sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu chủ lực của vùng.
Ông Trương Quang Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ nói: Cùng với việc đầu tư trung tâm logistics cho vùng ĐBSCL, thành phố Cần Thơ đề xuất thành lập trung tâm kiểm định nông sản cấp vùng đặt tại TP Cần Thơ, mở đường bay quốc tế tại sân bay quốc tế Cần Thơ phục vụ xuất khẩu để giảm tải cho sân bay Tân Sơn Nhất.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, chỉ đạo: Các Bộ, ngành cần thay đổi nhận thức, tư duy, xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi nhất cho DN. Bộ Công thương, Bộ GTVT rà soát cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan hiện hành để tiếp tục cụ thể hóa, sửa đổi, bổ sung kịp thời nhằm khắc phục những chồng chéo, chưa thống nhất.
Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ chủ trì, phối hợp với các địa phương liên quan lập kế hoạch hành động chung của vùng về phát triển cơ sở hạ tầng logistics và dịch vụ logistics; nghiên cứu đề xuất việc xây dựng Quy hoạch phát triển logistics chung của vùng ĐBSCL. Bộ Công thương trao đổi với các địa phương liên quan đẩy nhanh triển khai đầu tư trung tâm logistics tại vùng ĐBSCL theo Quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt.
WB tài trợ 3 triệu USD nghiên cứu phát triển logistics vùng ĐBSCL Tại hội nghị, Ngân hàng Thế giới (WB) đã cam kết gói tài trợ 3 triệu USD để phát triển nghiên cứu logistics tại vùng ĐSBCL. Ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam cho biết, WB có kế hoạch phát triển logistics cho vùng ĐBSCL kết nối với TP.HCM nhằm đẩy mạnh thông thương, tiết giảm chi phí cho DN, chỉ cần giảm được 1% chi phí logistics, mỗi năm, vùng ĐBSCL sẽ tiết kiệm được hơn 2.000 tỷ đồng. |