| Hotline: 0983.970.780

Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao: Cần cách thức tiếp cận 'ngoài khung'

Thứ Hai 05/02/2024 , 14:53 (GMT+7)

'Thịnh vượng khởi đầu từ người trồng lúa - Vì người tiêu dùng - Vì môi trường xanh' luôn là mối quan tâm xuyên suốt của Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030.

LTS: Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan có bài tham luận tại Hội nghị triển khai "Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030" diễn ra tại  Kiên Giang ngày 5/2/2024. Báo Nông nghiệp Việt Nam trân trọng giới thiệu tới bạn đọc. Tựa do tòa soạn đặt.

Nếu không có “Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030”, thì ngành hàng lúa gạo Đất Chín Rồng sẽ ra sao? Sự khác biệt giữa việc tham gia Đề án và không tham gia Đề án là như thế nào? Khi tiếp xúc một doanh nghiệp ngành hàng lúa gạo, một hợp tác xã, một người nông dân trồng lúa, chúng ta sẽ nói gì về tính thuyết phục và sự phù hợp của Đề án?

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan phát biểu tại Hội nghị triển khai Đề án 'Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2023' tại Kiên Giang. Ảnh: Trung Chánh.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan phát biểu tại Hội nghị triển khai Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2023" tại Kiên Giang. Ảnh: Trung Chánh.

Để triển khai Đề án một cách hiệu quả, đồng bộ chúng ta cần có câu trả lời thỏa đáng cho những câu hỏi như thế này. Nhất quán về mục tiêu, đồng thuận trong hành động. “Thịnh vượng khởi đầu từ người trồng lúa - Vì người tiêu dùng - Vì môi trường xanh” luôn là mối quan tâm xuyên suốt của Đề án.

Bên cạnh các chỉ tiêu về năng suất, sản lượng, Đề án hướng tới việc chuyển đổi theo tư duy kinh tế nông nghiệp, nâng cao chất lượng, chuẩn hóa giống, chuẩn hóa quy trình canh tác, chuẩn hóa công nghệ thu hoạch và sau thu hoạch, chuẩn hóa mã vùng trồng, truy xuất nguồn gốc.

Từ tăng trưởng đơn giá trị, lấy giá cả hạt gạo làm mục tiêu, Đề án đặt ra mục tiêu tăng trưởng tích hợp đa giá trị, gắn với mô hình tăng trưởng xanh, nông nghiệp tuần hoàn, theo chuỗi ngành hàng.

Khắc phục tính phân mảnh, manh mún, nhỏ lẻ, tự phát trong sản xuất, kinh doanh lúa gạo vùng ĐBSCL, Đề án xác định yêu cầu tiên quyết: “Chuyên nghiệp hóa ngành hàng lúa gạo”, thông qua việc hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp, cập nhật tri thức, kỹ năng cho nông dân, nâng cao năng lực quản trị, khả năng hợp tác của những tổ chức nông dân, hợp tác xã nông nghiệp, đủ năng lực liên kết bền vững với doanh nghiệp.

Đề án Phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao hướng tới mục tiêu quan trọng nhất là tạo ra sinh kế và định hướng phát triển bền vững cho người nông dân trồng lúa - là chủ thể, nhân tố quyết định thành công của sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn. Ảnh: Hoàng Vũ.

Đề án Phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao hướng tới mục tiêu quan trọng nhất là tạo ra sinh kế và định hướng phát triển bền vững cho người nông dân trồng lúa - là chủ thể, nhân tố quyết định thành công của sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn. Ảnh: Hoàng Vũ.

Đề án phác thảo “bức tranh” phát triển tổng thể hơn, bao trùm hơn. Nhiều cơ hội việc làm được tạo ra, thu nhập cho người trồng lúa được cải thiện, nhờ những ngành nghề đa dạng, bổ trợ nhau trong khu vực kinh tế nông thôn. Nhờ vào các hình thức hợp tác, liên kết, nhờ vào các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước, doanh nghiệp, các nhà tài trợ quốc tế, các tổ chức phi chính phủ, người trồng lúa có thể tham gia tích cực hơn, chủ động hơn vào chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo ở những công đoạn phù hợp.

Tiếp cận đồng bộ các cơ chế chính sách như Nghị quyết số 13 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết 120 về phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, Đề án tập trung vào các giải pháp liên kết ngành hàng lúa gạo trong vùng.

Từ không gian liên kết cấp vùng, hình thành các cụm liên kết ngành lúa gạo, xây dựng các trung tâm dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp cấp huyện, liên huyện, cấp vùng. Các trung tâm này có chức năng khuyến nông, đặc biệt là thông qua các Tổ Khuyến nông Cộng đồng, hỗ trợ nông dân tiếp cận cơ giới hóa, hướng dẫn ứng dụng chuyển đổi số, quảng bá, kết nối thị trường, kiến thức kinh tế xanh, nông nghiệp tuần hoàn, kỹ năng giúp nâng cao năng suất lao động…

Các nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp cùng cam kết thực hiện thành công 'Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030'.

Các nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp cùng cam kết thực hiện thành công “Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030”.

Chủ động thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu, khắc phục hạn chế, hệ lụy về thoái hóa đất, môi trường thiên nhiên, đa dạng sinh học của phương pháp canh tác truyền thống, Đề án mong muốn tạo dựng hình ảnh một ngành hàng lúa gạo “minh bạch, trách nhiệm, bền vững”.

Kỳ vọng càng cao, áp lực càng lớn.

Đề án không chỉ nhận được sự quan tâm lớn lao của bộ, ngành Trung ương và địa phương, các tổ chức, đối tác quốc tế, mà còn hàng triệu bà con nông dân trồng lúa, hợp tác xã, cộng đồng doanh nghiệp ngành hàng lúa gạo.

“Làm sao để Đề án này không lặp lại “vết xe đổ” của một số Đề án từng nhận được kỳ vọng trước đây vướng phải?”, theo như nhiều ý kiến quan ngại mang tính xây dựng - là một câu hỏi rất thẳng, rất thật, và gợi lên bao tâm tư, trăn trở.

Đó là lý do chúng ta tiếp tục ngồi với nhau ngày hôm nay, để thẳng thắn nhìn nhận, chỉ ra những điểm cần lưu ý, những điều có thể gây ra vướng mắc, để cùng tìm ra giải pháp và thống nhất về kế hoạch triển khai thực hiện khả thi, hiệu quả, để cùng lạc quan về bao kết quả tích cực phía trước của ngành hàng lúa gạo ĐBSCL.

“Điều gì không đo lường được, thì không quản trị được. Điều gì không đo lường được, thì cũng không cải tiến được”. Đề án này hướng tới đa mục tiêu, nhưng cách thức vận hành, xác lập lộ trình, cách thức đo lường, đánh giá... cần đi vào cụ thể. Việc đo lường, đánh giá theo từng thời điểm, mốc tiến độ, vừa giúp điều chỉnh linh hoạt theo thị trường trong ngắn hạn, vừa bảo đảm việc kiên trì, nhất quán mục tiêu trong dài hạn. Đề án đề cao vai trò sáng tạo từ thực tiễn của các địa phương trong Vùng.

Kế tiếp, cần mở rộng đối tượng tham gia vào các khâu triển khai, định kỳ đánh giá…: Trung ương và địa phương, khu vực công và khu vực tư, doanh nghiệp và nông dân, hiệp hội ngành hàng và tổ chức nông dân, hợp tác xã, các chuyên gia, các nhà tài trợ, tổ chức quốc tế, các cơ quan truyền thông…

Để Đề án đạt được hiệu quả thực tế trên những cánh đồng, cần đến cách thức tiếp cận “ngoài khung”, ngoài những cách nghĩ, cách làm quen thuộc. Cần đến sự đổi mới linh hoạt, chủ động, không ngừng từ thể chế, các vấn đề mang tính nguyên tắc, đến từng nội dung quản trị, vận hành cụ thể, chi tiết.

Mô hình lúa - tôm sinh thái ở Cà Mau. Ảnh: Trọng Linh.

Mô hình lúa - tôm sinh thái ở Cà Mau. Ảnh: Trọng Linh.

Hơn hết, cần thấu hiểu rằng Đề án không chỉ mang yếu tố kỹ thuật đơn thuần, mà tích hợp đa dạng yếu tố kinh tế - xã hội, trong đó người nông dân có năng lực hợp tác là trung tâm; doanh nghiệp có vai trò liên kết, kết nối dẫn dắt thị trường; các chuyên gia, nhà khoa học khuyến nghị, hướng dẫn ứng dụng chuẩn hóa, Nhà nước vai trò khởi tạo và hỗ trợ bằng cơ chế chính sách; địa phương có vai trò tích hợp, lồng ghép các nguồn lực và nhất là sáng tạo trong triển khai thực hiện…

Với thông điệp “thịnh vượng khởi đầu từ người trồng lúa”, mong rằng Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” nhận được nhiều kết quả thiết thực, hữu ích.

Xem thêm
Tổng cục Thuế chỉ đạo tinh gọn và siết chặt kỷ luật ngành

Tổng cục Thuế chỉ đạo toàn ngành tinh gọn bộ máy, siết chặt kỷ luật, đảm bảo hiệu quả công tác và hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước.

Gượng dậy sau bão Yagi: Nơi bảo tồn nguồn gen 15 loài cá biển quý hiếm

Anh Phạm Văn Thìn - Trưởng phòng Nuôi giữ và Bảo tồn nguồn gen của Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Bắc lái cano chở tôi ra khu Tai Kéo vịnh Lan Hạ.

Bố trí đất, xây nhà ở cho người dân sau bão lũ

YÊN BÁI Hàng trăm ngôi nhà bị ảnh hưởng trong bão số 3 ở huyện Trấn Yên đang được xây dựng, sửa chữa đồng loạt để giúp bà con ổn định cuộc sống, đón Tết yên vui.