Đề án 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao nâng tầm gạo Việt. Quảng Trị tiêu hủy hơn 1.000 con lợn mắc dịch tả lợn châu Phi. Đào tạo đội ngũ khuyến nông đa giá trị. Phát triển du lịch từ nghề làm muối.
ĐỀ ÁN 1 TRIỆU HA LÚA CHUYÊN CANH CHẤT LƯỢNG CAO NÂNG TẦM GẠO VIỆT
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang vừa ký Quyết định số 1490 ngày 27/11/2023 phê duyệt Đề án “Phát triển bền vững một triệu hécta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng Xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”. Đề án sẽ được triển khai tại 12 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long gồm: An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Long An, Sóc Trăng, Cần Thơ, Bạc Liêu, Trà Vinh, Hậu Giang, Cà Mau, Tiền Giang và Vĩnh Long. Mục tiêu chung của đề án là hình thành một triệu hécta vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững của ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam.
Đề án cũng đưa ra 4 chương trình nhiệm vụ ưu tiên gồm: Chương trình nâng cao năng lực cho hợp tác xã và doanh nghiệp tham gia đề án; chương trình tín dụng hỗ trợ liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp giữa hợp tác xã với doanh nghiệp; chương trình hiện đại hóa hạ tầng sản xuất cho 1 triệu ha lúa chất lượng cao và chương trình thí điểm chi trả carbon.
QUẢNG TRỊ TIÊU HỦY HƠN 1.000 CON LỢN MẮC DỊCH TẢ LỢN CHÂU PHI
Võ Dũng - Sản xuất
Dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại Quảng Trị từ ngày 26/10 hiện đã lây lan ra 25 xã, phường, thị trấn của 7 huyện, thành phố, thị xã. Trong đó, nặng nhất là huyện Triệu Phong với 18/18 xã đều có ổ dịch. Tính đến 27/11, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị tiêu hủy trên 1.000 con lợn với tổng trọng lượng hơn 51 tấn. Trong đó, lợn nái, đực giống, lợn thịt chiếm tỷ lệ gần 97% trọng lượng và trên 64% tổng số con.
UBND tỉnh Quảng Trị đã hỗ trợ người dân hơn 500 lít hóa chất và gần 2,6 tấn vôi bột. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu thực tế thì cần tới 15.000 lít hoá chất từ nguồn dự phòng. Vì vậy, công tác phòng chống dịch tả lợn Châu Phi đang gặp rất nhiều khó khăn.
Theo nhận định của cơ quan chuyên môn, thời tiết hiện nay rất thuận lợi để virus dịch tả lợn Châu Phi phát triển. Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng người chăn nuôi tự điều trị, xử lý lợn chết không đảm bảo quy định, có trường hợp còn vứt xác lợn bệnh chết ra môi trường … Thực trạng này khiến nguy cơ bùng phát bệnh dịch tả lợn Châu Phi ra toàn tỉnh là rất cao.
ĐÀO TẠO ĐỘI NGŨ KHUYẾN NÔNG ĐA GIÁ TRỊ
Quang Linh - Sản xuất
Từ ngày 22 đến 29/11, Trung tâm khuyến nông tỉnh Thái Nguyên phối hợp với Trường Cao đẳng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Bộ tổ chức lớp tập huấn phương pháp nghiệp vụ khuyến nông tại 2 huyện Phú Lương và Võ Nhai.
Tại đây, các học viên sẽ được trau dồi kiến thức, kỹ năng hỗ trợ bà con tổ chức sản xuất hiệu quả, liên kết sản xuất với doanh nghiệp, định hướng thị trường, xây dựng và phát triển nông thôn mới. Lớp tập huấn còn hướng dẫn các học viên nhiều phương thức đào tạo nâng cao do Trường Cao đẳng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Bộ triển khai như: Phương pháp tư vấn nông dân tại hiện trường FCV, phân tích SWOT…Bên cạnh đó, các cán bộ khuyến nông cộng đồng cũng được cập nhật các kiến thức mới về nghiên cứu phát triển thị trường, xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu sản phẩm.
PHÁT TRIỂN DU LỊCH TỪ NGHỀ LÀM MUỐI
Văn Vũ - Sản xuất
Bạc Liêu được xem là thủ phủ muối của Việt Nam với gần 1.500 ha, sản lượng hàng năm đạt hơn 15.000 tấn. Năm 2013, sản phẩm “Muối ăn Bạc Liêu” được cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý. Đến năm 2020, “Nghề làm muối ở tỉnh Bạc Liêu” được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản phi vật thể quốc gia.
Theo ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, nghề làm muối còn chưa nhận được sự quan tâm đúng mức khiến diện tích ngày càng bị thu hẹp, đời sống diêm dân ngày càng khó khăn. Do đó, để nâng cao giá trị hạt muối, tỉnh Bạc Liêu đang xây dựng kế hoạch phát triển mô hình du lịch từ nghề làm muối. Hiện, địa phương này đang có kế hoạch chức Festival muối vào năm 2024, qua đó giúp quảng bá, giới thiệu sản phẩm đặc trưng của địa phương. Ngoài ra, Bạc Liêu đang kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, chế biến và thương mại muối. Từ đó, nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành muối ở thị trường nội địa và quốc tế.