| Hotline: 0983.970.780

Để lây lan dịch tả lợn Châu Phi, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm

Thứ Hai 04/12/2023 , 09:56 (GMT+7)

Nghệ An Gần đây, dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn Nghệ An chuyển biến phức tạp, đáng nói nhiều địa phương lơ là phòng dịch, phó thác cho cơ quan chuyên ngành.

Dịch tả lợn Châu Phi đang có chiều hướng phát sinh trên địa bàn Nghệ An. Ảnh: Việt Khánh.

Dịch tả lợn Châu Phi đang có chiều hướng phát sinh trên địa bàn Nghệ An. Ảnh: Việt Khánh.

Cuối tháng 11/2023, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Chỉ thị số 35/CT-UBND về việc tập trung phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi.

Đây là chỉ đạo mang tính cấp bách khi diễn biến gần đây rất đáng quan ngại, nếu tiếp tục chủ quan, lơ là nguy cơ bùng phát trên diện rộng là điều khó tránh.

Lo ngại trên không thừa khi Nghệ An có tổng đàn chăn nuôi nhiều tốp đầu cả nước, bao gồm đàn lợn gần 1 triệu con. Số lượng quá lớn nhưng hình thức nuôi không đảm bảo, đa phần dưới dạng nông hộ, nhỏ lẻ nên tiềm ẩn muôn vàn nguy cơ phát sinh dịch bệnh, đặc biệt là dịch tả lợn Châu Phi.

Trong khoảng thời gian cuối năm, đặc biệt là từ tháng 9 đổ lại, tình hình chuyển biến theo chiều hướng đáng lo.

Đến cuối tháng 11, toàn tỉnh xuất hiện 77 ổ dịch tả lợn Châu Phi tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ của 12 huyện, thành phố, đáng nói nhiều ổ dịch chưa qua 21 ngày.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, đáng trách nhất là tâm lý chủ quan, thiếu quyết liệt của nhiều địa phương, nhiều huyện không bố trí đủ nguồn kinh phí, nhân lực cho công tác phòng, chống dịch, không chủ động mua vôi bột, hoá chất để khử trùng, tiêu hủy lợn mắc bệnh chưa đảm bảo yêu cầu kỹ thuật; một số nơi không có chốt kiểm soát dịch bệnh…

Nguy hại hơn nữa là tình trạng giấu dịch, vứt xác vật nuôi bừa bãi ra ngoài môi trường làm lây lan dịch bệnh, đồng thời gây ô nhiễm môi trường.

Lợn nhiễm dịch tả lợn Châu Phi cơ bản ghi nhận ở các hộ nuôi nhỏ lẻ. Ảnh: Việt Khánh.

Lợn nhiễm dịch tả lợn Châu Phi cơ bản ghi nhận ở các hộ nuôi nhỏ lẻ. Ảnh: Việt Khánh.

Bám sát Công điện số 1097/CĐ-TTg ngày 16/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi, Công văn số 8199/BNN-TY ngày 14/11/2023 của Bộ NN-PTNT về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã; Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ngành cấp tỉnh có liên quan khẩn trương thực hiện nghiêm các nội dung then chốt.

Nhất thiết phải chủ động ban hành kịch bản ứng phó khẩn cấp với bệnh dịch tả lợn Châu Phi, đồng thời thành lập các tổ phản ứng nhanh, báo cáo, xử lý kịp thời, đúng quy trình kỹ thuật, đảm bảo an toàn sinh học và tránh lây lan.

Mặt khác, phải đẩy mạnh công tác tiêm phòng vacxin dịch tả lợn Châu Phi cho đàn lợn thịt tại các địa phương, đặc biệt là các huyện có tỷ lệ tiêm phòng thấp như Diễn Châu, Anh Sơn, Quỳnh Lưu, Nghi Lộc, Tân Kỳ, Thanh Chương

Nếu lơ là, thiếu trách nhiệm để dịch tả lợn Châu Phi lây lan trên diện rộng, Chủ tịch UBND cấp huyện, xã phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh. Ảnh: Việt Khánh.

Nếu lơ là, thiếu trách nhiệm để dịch tả lợn Châu Phi lây lan trên diện rộng, Chủ tịch UBND cấp huyện, xã phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh. Ảnh: Việt Khánh.

Động thái quyết liệt của tỉnh Nghệ An có hiệu ứng tức thì. Xác nhận, ông Nguyễn Văn Dương, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành thông tin: “Từ tháng 9 đến nay ghi nhận dịch tả lợn Châu Phi tại 17 xã với số lượng 281 con, tổng trọng lượng trên trên 14 tấn. Số lượng lợn nhiễm bệnh lẻ tẻ, mỗi xã có một vài hộ, mỗi hộ đôi ba con.

Sau khi phát hiện, huyện đã chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp với cơ quan chức năng tiến hành tiêu hủy theo đúng quy định. Qua rà soát, hiện có 5 xã đã qua 21 ngày không phát sinh dịch”.

Ông Nguyễn Trọng Hương, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Yên Thành chia sẻ thêm, tổng đàn toàn huyện khá lớn, đa phần tập trung tại các trang trại, khu vực này quán xuyến nghiêm ngặt nên tình hình luôn trong tầm kiểm soát, ngược lại dịch tả lợn Châu Phi chỉ xuất hiện ở nông hộ nhỏ lẻ, nơi điều kiện chăn nuôi khá sơ sài. Lũy kế cả năm 2023 đã tiêu hủy khoảng 28 tấn lợn.    

Về phía Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nghệ An, đơn vị này đã tập trung toàn lực, khẩn trương vào cuộc bằng cách thành lập 5 tổ kiểm tra để tăng cường giám sát, hỗ trợ các địa phương triển khai phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi, dự kiến thời gian hoạt động kéo dài đến hết tháng 12/2023.

UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu các địa phương đang có dịch phải tập trung mọi nguồn lực để xử lý dứt điểm, không để kéo dài và phát sinh các ổ dịch mới. Địa phương nào chủ quan, lơ là, không chỉ đạo quyết liệt, không chấn chỉnh việc vứt xác động vật ra ngoài môi trường thì Chủ tịch UBND cấp huyện, xã đó phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.

Xem thêm
Chăn nuôi Bắc Kạn vượt khó: [Bài 1] Cứu cánh từ đàn đại gia súc

Trong bối cảnh dịch tả lợn Châu Phi hoành hành gây thiệt hại lớn, chăn nuôi đại gia súc trở thành cứu cánh của nhiều người dân, hợp tác xã ở tỉnh Bắc Kạn.

Cay đắng vì mua nhầm giống cúc mâm xôi lạ, chậm trổ bông

Bến Tre Hiện tượng cúc mâm xôi chậm phân cành, chậm phân hóa mầm hoa xảy ra với 70 hộ, số lượng khoảng 149.000 chậu, chiếm khoảng 10% tổng lượng cúc mâm xôi của huyện Chợ Lách.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.