| Hotline: 0983.970.780

Đề nghị hỗ trợ 131 tỷ đồng cho người chăn nuôi tại Nghệ An

Thứ Ba 30/07/2024 , 10:37 (GMT+7)

Giai đoạn 2021 - 2023, người chăn nuôi tại Nghệ An thiệt hại năng do dịch tả lợn Châu Phi gây nên, đến nay kinh phí hỗ trợ vẫn chưa đến tay họ.

Dịch tả lợn Châu Phi khiến nuôi trên địa bàn Nghệ An điêu đứng, đặc biệt là giai đoạn 2021 - 2023. Ảnh: Việt Khánh.

Dịch tả lợn Châu Phi khiến nuôi trên địa bàn Nghệ An điêu đứng, đặc biệt là giai đoạn 2021 - 2023. Ảnh: Việt Khánh.

Cận kề Kỳ họp thứ 21 HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 – 2026 đợt rồi, đồng loạt cử tri tại các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Yên Thành, Đô Lương, Con Cuông… tiếp tục kiến nghị cơ quan chuyên ngành sớm giải quyết kinh phí hỗ trợ thiệt hại do dịch tả lợn Châu Phi và bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò giai đoạn 2021 - 2023.

Theo dõi xuyên suốt đường đi của dịch tả lợn Châu Phi độ 4 – 5 năm qua, phải thừa nhận đây là nỗi lo thường trực của số đông người chăn nuôi trên địa bàn Nghệ An, đặc biệt là hình thức nuôi nông hộ.

Dịch chuyển biến quá khó lường, mầm bệnh lưu không âm ỉ, kết hợp điều kiện nuôi không đảm bảo, nhất là tâm lý chủ quan trong công tác ứng phó của người dân khiến tình hình khó kiểm soát.

Dịch tả lợn Châu Phi tràn qua từ năm 2021 nhưng đến nay gia đình anh Lê Văn Thọ ở xóm Trung Bắc, xã Nghi Hoa, huyện Nghi Lộc vẫn chưa gượng dậy nổi.

Trước đó, mọi thứ đang tiến triển khá thuận lợi, từ khi có dịch đã làm xáo trộn tất thảy mọi toan tính, kế hoạch đặt ra, trong chớp mắt “cướp trắng” tổng đàn 50 con. Tiếc công tiếc buổi anh Thọ ngẩn ngơ, buồn sầu suốt thời gian dài.

Gia đình anh Lê Văn Thọ bỏ trống chuồng trại suốt bấy lâu. Ảnh: Việt Khánh.

Gia đình anh Lê Văn Thọ bỏ trống chuồng trại suốt bấy lâu. Ảnh: Việt Khánh.

Để tránh dịch bệnh lây lan trên diện rộng, gia đình đã phối hợp cùng cơ quan thú y và chính quyền địa phương khẩn trương tiến hành thống kê, tiêu hủy cũng như đề xuất hỗ trợ kinh phí hòng sớm có cơ hội tái đàn. Cấp bách lạ vậy nhưng 5 năm rồi mọi thứ vẫn yên ắng như tờ:

“Chính sách hỗ trợ của Nhà nước chưa đến, dịch bệnh chuyển biến chẳng biết đường nào mà lần, giá cả thị trường thì bấp bênh mà đầu vào lại tăng phi mã, trăm cái khó dồn lên vai khiến chúng tôi không gắng gượng nổi. Chẳng riêng gì gia đình tôi, các hộ trong xóm này đều mong mỏi sớm nhận được kinh phí hỗ trợ để tạo đà khôi phục trở lại, chứ để trống chuồng trại như thế kia thì phí hoài lắm”.

Người nuôi phải chờ đợi quá lâu nên tâm lý sốt sắng là điều dễ hiểu, tuy nhiên việc chậm trễ là có nguyên do. Theo ghi nhận của Nông nghiệp Việt Nam, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, năm 2019, 2020 lợn nuôi trên địa bàn Nghệ An bị chết do dịch tả lợn Châu Phi đã được hỗ trợ đầy đủ theo Quyết định số 793/QĐ-TTg và Quyết định số 2254/QĐ-TTg.

Ngặt nỗi các Quyết định này chỉ có hiệu lực từng năm một, thành thử từ năm 2021 - 2023 dù dịch bệnh tác động nghiêm trọng nhưng Nghệ An không biết căn cứ vào đâu để áp dụng. Nút thắt chỉ được tháo gỡ khi Văn phòng Chính phủ ban hành Công văn số 8108/VPCP-NN ngày 18/10/2023 về việc hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại do bệnh dịch tả lợn Châu Phi và viêm da nổi cục.

Qua đây giao UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai theo đúng nội dung của Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 cho đến khi Nghị định mới quy định về cơ chế, chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh động vật được ban hành và có hiệu lực.

Bám sát tinh thần chỉ đạo, Sở NN-PTNT đã tham mưu cho UBND tỉnh Nghệ An ban hành các Công văn liên quan nhằm hướng dẫn làm hồ sơ hỗ trợ gia súc bị thiệt hại do 2 loại dịch bệnh nêu trên.

UBND các huyện, thành phố, thị xã hoàn thành gửi qua đầu mối chính là Chi cục Chăn nuôi và Thú y, chậm nhất là ngày 31/01/2024.

Thời gian hỗ trợ kéo dài nhiều năm, số lượng vật nuôi bị tiêu hủy quá lớn làm mất nhiều thời gian tổng hợp, thống kê. Ảnh: Việt Khánh.

Thời gian hỗ trợ kéo dài nhiều năm, số lượng vật nuôi bị tiêu hủy quá lớn làm mất nhiều thời gian tổng hợp, thống kê. Ảnh: Việt Khánh.

Tuy nhiên, do thời gian hỗ trợ kéo dài tận 3 năm, số lượng vật nuôi bị tiêu hủy quá lớn... nên các địa phương mất nhiều thời gian để rà soát, tổng hợp. Đáng lo hơn, quá trình kiểm tra, rà soát sau khi tiếp nhận hồ sơ phát hiện thấy nhiều sai sót, buộc phải bổ sung, chỉnh sửa nhiều lần, rất mất thời gian. Mãi đến ngày 8/7, Sở NN-PTNT mới “ráp” xong số liệu của 6 huyện sau cùng (Thanh Chương, Nghi Lộc, Đô Lương, Quế Phong, Kỳ Sơn và thị xã Thái Hòa) với tổng kinh phí tương đương gần 55 tỷ đồng.

Qua 4 đợt tổng hợp, hiện Sở NN-PTNT đã trình Sở Tài chính xem xét, tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định cấp kinh phí hỗ trợ bệnh dịch tả lợn Châu Phi và viêm da nổi cục cho 21 huyện, thành, thị trên địa bàn với tổng mức hơn 131 tỷ đồng.

Xem thêm
Gần 160 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP trong khoảng 5 năm qua

Thái Nguyên Tỉnh Thái Nguyên xác định các trang trại, cơ sở chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP là nền tảng để địa phương xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Nông dân Cao Phong chuyển đổi hàng ngàn bể phun thuốc vuông sang tròn

Hầu hết bể phun thuốc hình vuông sau một thời gian sử dụng đều bị nứt nhưng bể hình tròn thì không. Sáng kiến của ông Cường đã được hàng ngàn nhà vườn áp dụng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.