| Hotline: 0983.970.780

Đề nghị xử lý vi phạm tại Sở LĐTBXH Thanh Hóa

Thứ Ba 07/02/2023 , 09:18 (GMT+7)

Những khuyết điểm, vi phạm được nêu trong kết luận có trách nhiệm chung thuộc về Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Thanh Hóa, Giám đốc, Thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở...

Sử dụng xe công chưa đúng quy định

Cơ quan có thẩm quyền vừa ban hành Kết luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật và nhiệm vụ quyền hạn về thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo; phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong việc mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công; việc quản lý sử dụng nguồn ngân sách nhà nước trong các chương trình, dự án tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thanh Hóa (viết tắt là Sở LĐ-TB&XH Thanh Hóa).

sở ld

Sở LĐ-TB&XH Thanh Hóa.

Tại kết luận này, cơ quan có thẩm quyền đã chỉ rõ nhiều khuyết điểm, vi phạm của Sở LĐ-TB&XH Thanh Hóa, trong đó đáng chú ý là nội dung liên quan tới việc quản lý đầu tư bằng ngân sách và sử dụng tài sản công.

Theo đó, trong quản lý, sử dụng nguồn ngân sách nhà nước trong các chương trình, đề án, dự án, do Sở và các một số đơn vị sự nghiệp công lập làm chủ đầu tư, cơ quan có thẩm quyền nêu rõ, việc quản lý sử dụng nguồn ngân sách trong 3 dự án, công trình đều có khuyết điểm, vi phạm. 

“Chủ đầu tư chưa thực hiện đầy đủ quy định về quản lý chất lượng khảo sát; hồ sơ dự thầu của nhà thầu trúng thầu không nêu rõ chủng loại, nhãn mác và xuất xứ các loại vật liệu cơ bản, dẫn đến không có cơ sở để kiểm soát chất lượng vật liệu đầu vào trong quá trình thi công; đơn vị thi công không lập tiến độ thi công chi tiết.

Chủ đầu tư chưa ban hành thông báo về nhiệm vụ, quyền hạn của các cá nhân trong hệ thống quản lý chất lượng của chủ đầu tư, nhà thầu thi công; các bản vẽ hoàn công không ghi ngày, tháng, năm, thời điểm nghiệm thu, hoàn công; một số biên bản nghiệm thu công việc không ghi số biên bản, ngày tháng nghiệm thu và khối lượng được nghiệm thu. Qua kiểm tra, 3 công trình, phát hiện tổng giá trị sai phạm thu hồi về ngân sách hơn 77 triệu đồng”, kết luận nêu rõ.

Về việc chấp hành pháp luật trong việc thực hiện tiết kiệm, lãng phí, cơ quan có thẩm quyền chỉ rõ: “Sở chưa có kế hoạch rõ ràng, xác định bằng số tuyệt đối hoặc tỷ lệ phần trăm các chỉ tiêu phải tiết kiệm. Xây dựng định mức khoán công tác phí tối thiểu theo tháng để chi trả cho cán bộ, nhân viên làm chuyên môn từ 200-300 nghìn đồng/người/tháng là chưa phù hợp theo quy định; việc sử dụng 3 xe ô tô phục vụ cho hoạt động thường xuyên tại Sở là chưa đúng quy định; chưa công khai ngân sách qua cổng thông tin điện tử”.

Tại một số đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở còn thực hiện chưa đúng chế độ khoán công tác phí, việc sử dụng xe công, lập dự toán còn chưa sát với thực tế…

Kê khai tài sản chưa đúng

Qua kiểm tra cho thấy, trong tổng số cán bộ phải kê khai tài sản là 74 người, có một số bản kê khai chưa đầy đủ nội dung theo quy định của Thanh tra Chính phủ như: Kê khai con đã thành niên trong bản kê khai; không mô tả thông tin về tài sản nhưng giải trình biến động nguồn gốc của tài sản lại đưa thông tin về tài sản; không ghi thời gian kê khai, nhận bản kê khai; xác nhận tổng thu nhập giữa hai lần kê khai chưa chính xác. 

Ngoài ra, việc chấp hành pháp luật trong thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng tại Sở còn nhiều bất cập, tồn tại: "Hiện tại, Sở có 9 công chức văn phòng sở có thời gian công tác từ 24 đến dưới 60 tháng và 1 công chức trên 60 tháng chưa được chuyển đổi vị trí công tác là chưa đảm bảo quy định tại Nghị định 59/2019/NĐ-CP ngày 1/7/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng", kết luận nêu. 

Bên cạnh đó, việc thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo, cơ quan có thẩm quyền cho hay, việc thực hiện một số cuộc thanh tra còn chưa đảm bảo đầy đủ về trình tự thủ tục quy định.

Theo đó, trong 2 năm (2020-2021) Sở đã thực hiện 152 cuộc thanh tra, kiểm tra tại các đơn vị, phát hiện, 2 cuộc thanh tra hành chính không có báo cáo kết quả giám sát của công chức được giao nhiệm vụ giám sát, gửi người ra quyết định thanh tra; sổ nhật ký đoàn thanh tra không ghi chi tiết các nội dung có liên quan tới hoạt động thanh tra kể từ khi diễn ra; không có biên bản tổng kết rút kinh nghiệm. Công tác kiểm tra, đôn đốc xử lý sau thanh tra đối với một số kiến nghị tại các đơn vị là đối tượng thanh tra chưa kịp thời.

Cơ quan có thẩm quyền cho rằng, trách nhiệm về khuyết điểm, vi phạm chung thuộc về Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, Giám đốc, Thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp trực thuộc sở; trưởng các phòng chuyên môn theo chức năng, nhiệm vụ và công chức, viên chức được phân công thực hiện nhiệm vụ.

“Đề nghị Giám đốc Sở LĐ-TB&XH chấn chỉnh các hạn chế, khuyết điểm nêu trên; tổ chức kiểm điểm các tổ chức, cá nhân có liên quan đến những khuyết điểm, vi phạm đã được nêu ra tại kết luận. Đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo Giám đốc Sở LĐ-TB&XH thực hiện nghiêm túc kết luận, kiến nghị của Thanh tra tỉnh”, kết luận nêu rõ.

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.