| Hotline: 0983.970.780

Để người dân nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học

Thứ Tư 13/04/2022 , 18:16 (GMT+7)

Những công trình, đề tài nghiên cứu của khối viện, trường cần xuất phát và giải quyết vấn đề trong thực tiễn, theo lời Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan luôn trăn trở với những đề tài nghiên cứu khoa học.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan luôn trăn trở với những đề tài nghiên cứu khoa học.

Luôn hỏi "rồi sao nữa?"

Mở đầu buổi làm việc với Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam; Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường; Cục Trồng trọt; Cục Bảo vệ thực vật; và Ban CPO Nông nghiệp ngày 13/4, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đặt hai câu hỏi: Tại sao chưa thể lan tỏa nhiều mô hình tốt ra ngoài thực tiễn cuộc sống? Số phận những dự án sau khi hết thời gian rót vốn từ đối tác nước ngoài giờ ra sao?

Lắng nghe ý kiến từ các đơn vị, Bộ trưởng nhận thấy, đa số nhận ra vấn đề nhưng cho rằng vướng mắc nằm ở nguồn tài chính, cách giải ngân vốn đầu tư. Trong khi đó, những vấn đề gắn chặt với cuộc sống của người dân như nhận thức, cuộc sống, thu nhập... lại hiếm khi được nhắc.

"Chúng ta cần thay đổi cách tiếp cận vấn đề, dựa trên quan điểm của người nông dân, thay vì trên quan điểm của những nhà khoa học. Câu trả lời cuối cùng, sản phẩm cuối cùng cũng phải thân thuộc với bà con, như con cá dưới ao, bông lúa ngoài đồng. Nếu không như vậy, nào ai muốn tìm hiểu những công trình khoa học", Bộ trưởng chia sẻ.

Hồi tháng 6/2021, Bộ trưởng Lê Minh Hoan từng gửi "Thư ngỏ" tới các nhà khoa học đang công tác trong các Viện, Trung tâm Nghiên cứu Khoa học chuyên ngành thuộc Bộ NN-PTNT. Trong thư, ông nhấn mạnh việc "đừng để hoạt động nghiên cứu khoa học rơi vào bẫy hành chính hóa", "đừng chấp bút đề tài nghiên cứu như được lập trình trước", và "khoa học xuất phát từ ý tưởng, cảm xúc".

Suốt thời gian dài sau đó, Bộ trưởng dành nhiều thời gian đi thăm các cơ sở, Viện, trường trực thuộc Bộ NN-PTNT và chiêm nghiệm rằng chừng nào cán bộ khoa học không thể tìm thấy "vấn đề nghiên cứu", không thể giảm chi phí đầu vào, không thể tăng năng suất, không thể có quy trình canh tác tiên tiến hơn nữa, thì đó chính là vấn đề.

Cần thay đổi cách tiếp cận vấn đề, dựa trên quan điểm của người nông dân, thay vì trên quan điểm của những nhà khoa học.

Cần thay đổi cách tiếp cận vấn đề, dựa trên quan điểm của người nông dân, thay vì trên quan điểm của những nhà khoa học.

Trích dẫn câu: “Người thành công tìm phương pháp, người thất bại tìm cách biện minh”, người đứng đầu Bộ NN-PTNT khuyên mỗi nhà nghiên cứu, mỗi cán bộ ngành nông nghiệp phải thường trực đặt câu hỏi: Làm thế nào để lan tỏa các giá trị? Còn cách nào tốt hơn không?

Theo ông, khi nào còn bị những câu hỏi đeo bám, người làm nông nghiệp sẽ tìm thấy động lực và không rơi vào trạng thái tự mãn.

"Người ta thường nói vui là "rồi sao nữa", nhưng trong trường hợp này, đó là một lời gợi mở cho công tác nghiên cứu. Chúng ta không thể bằng lòng với những gì đã và đang có, mà cần đẩy vấn đề lên. Chẳng hạn, phối hợp các bên xây dựng một khuyến nghị, hoặc tham mưu chính sách mới. Những giải pháp phía sau mỗi đề tài nghiên cứu thậm chí có thể đưa ra phương án tốt hơn, phát triển thêm đề tài nếu chúng ta thực sự trăn trở và nghĩ đến bà con nông dân nhiều hơn", Bộ trưởng Lê Minh Hoan bày tỏ.

Ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, đánh giá, cơ chế đặt hàng đề tài khoa học của các Cục, Vụ cho khối Viện, Trung tâm nghiên cứu như hiện nay đúng trên lý thuyết, nhưng khó đạt hiệu quả cao trong thực tiễn. 

“Nếu đặt hàng không đúng, chất lượng sản phẩm đầu ra sẽ có vấn đề. Chưa kể, những yếu tố như phát triển bền vững, sự phối hợp với địa phương thường ít được quan tâm khi đặt hàng", ông Việt nhận xét.

Để giải quyết, Vụ trưởng Việt nêu hai giải pháp. Một, là mời các cơ quan độc lập để đánh giá, tổng hợp, rà soát các đề tài nghiên cứu khoa học. Hai, là Bộ NN-PTNT nghiên cứu thêm những chính sách để hỗ trợ, kích hoạt nhu cầu nghiên cứu khoa học.

Phát huy tinh thần chủ động

Đi sâu vào các quy trình nghiên cứu khoa học, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho biết, hiện có 3 công đoạn chính. Một, là các Cục, Vụ đặt hàng và giao lại Viện nghiên cứu. Hiện 100% các đơn được giao trực tiếp, dựa trên chức năng nhiệm vụ và vị trí địa lý.

Hai, là nghiệm thu sản phẩm cuối cùng. Đó có thể là giống hoặc quy trình canh tác, đòi hỏi những Cục , Vụ liên quan công nhận, thậm chí qua 2-3 giai đoạn. 

Ba, là đưa vào dự án sản xuất thử nghiệm dựa trên nguyên tắc 50-50: Viện nghiên cứu và người dân, doanh nghiệp, mỗi bên chịu một nửa. Dựa trên kết quả này, Bộ NN-PTNT sẽ cân nhắc việc có cấp tiếp  vốn để chuyển sang xây dựng mô hình khuyến nông hay không.

"Trong suốt quá trình, Bộ có thể kiểm tra, kể cả hậu kiểm đề tài. Tuy nhiên, vướng mắc chính hiện nằm ở hậu mô hình khuyến nông. Hiện chưa có phương án đánh giá hiệu quả của mô hình sau khi hết hỗ trợ dự án. Độ lan tỏa, có tác động đến kinh tế - xã hội cũng chưa được nhìn nhận một cách đúng mức", bà Thủy nói.

Quy trình là như vậy, nhưng theo bà Thủy, chất lượng đề tài nghiên cứu khoa học, cũng như các đề xuất đặt hàng đang gặp khó về mặt ý tưởng. Có những đề tài thậm chí quay lại giải quyết vấn đề từ nhiều năm trước, trong khi các phát hiện từ thực tế sản xuất hiện khan hiếm.

Chung quan điểm với bà Thủy, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Nguyễn Quý Dương nêu thực tế, là vai trò của doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng và địa phương trong chỉ đạo sản xuất ngày càng quan trọng. Ông lấy ví dụ một số điểm sáng nông nghiệp như Sơn La, Bắc Giang, Hải Dương... chủ động trong việc mời nhà khoa học đến khảo sát các khía cạnh của quy trình canh tác, giống, đồng thời phát huy tối đa vai trò người đứng đầu.

"Những doanh nghiệp đầu tàu mới đang là người ứng dụng khoa học công nghệ và chỉ đạo sản xuất quyết liệt nhất. Nếu không có họ, nghiên cứu khoa học rất dễ rơi vào cảnh hết tiền là dừng", ông Dương bộc bạch.

Để người dân nghiệm thu

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính: "Nông dân là trung tâm, nông thôn là nền tảng và nông nghiệp là động lực", trong những chính sách, kế hoạch phát triển thời gian qua, Bộ NN-PTNT chủ trương trả lời đến cùng câu hỏi: Làm như thế, người nông dân liệu có thu nhập cao hơn, cuộc sống tốt hơn không?

Để người dân nghiệm thu đề tài khoa học và kêu gọi doanh nghiệp tạo thêm xung lực phát triển đề tài.

Để người dân nghiệm thu đề tài khoa học và kêu gọi doanh nghiệp tạo thêm xung lực phát triển đề tài.

Công tác nghiên cứu khoa học không phải ngoại lệ. Bộ trưởng Lê Minh Hoan chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, "đưa người dân nghiệm thu đề tài" và "kêu gọi doanh nghiệp tạo thêm xung lực phát triển đề tài".

"Nhiều khi tôi thấy tội người dân quá. Đề tài nghiên cứu tốt đấy, hay đấy, nhưng sao bà con hiểu hết được. Nếu cứ chờ đợi, công trình thẩm thấu từ trung ương xuống địa phương, thì đến bao giờ dân mình mới đưa những tiến bộ vào trong sản xuất", Bộ trưởng trăn trở.

Đôi khi phải chấp nhận "hèn một chút”, phải tích cực tuyên truyền, đi tìm những điểm nghẽn - Bộ trưởng nói. Bởi theo ông, có những vấn đề người dân không biết để hỏi, hoặc không biết nơi nào để hỏi, trong khi chính họ lại đích đến, là nơi kiểm chứng đề tài nghiên cứu khoa học. 

Trên góc nhìn công trình nghiên cứu khoa học cũng là một sản phẩm để tiếp thị, Bộ trưởng Lê Minh Hoan kêu gọi các đơn vị thay đổi phương án "tiếp thị", tránh đóng khung hành động vào những thông tư, nghị định. Ngoài ra, cần đề cao tính lan tỏa, tư duy mở, cách làm thật, kết quả thật, tích hợp đa giá trị vào một công trình nghiên cứu.

Lấy dẫn chứng về những tôn chỉ mà một doanh nghiệp khởi nghiệp nên làm như: làm đúng cái đang bị sai, làm có cái chưa có, tạo ra giá trị cho cộng đồng, Bộ trưởng kết luận: "Chúng ta đã nói nhiều đến thủy lợi hóa, cơ giới hóa, điện khí hóa, giờ có thêm thương mại hóa, công nghệ hóa, và số hóa. Đó sẽ là phương pháp luận của những đề tài nghiên cứu khoa học. Còn người nông dân thực ra rất đơn giản, họ chỉ cần người trả lời cho câu hỏi: "Ai mua trái sầu riêng cho tôi" mà thôi".

GS.TS. Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS) cho biết, hai đặc tính của công tác nghiên cứu khoa học là đi trước xu thế và chịu nhiều rủi ro. Trong bối cảnh nước ta đề cao tính ứng dụng và luôn mong muốn cải tiến quy trình sản xuất, sức ép cho hoạt động nghiên cứu càng tăng thêm.

Tại một số nơi, có sự nhầm lẫn giữa khái niệm "trình diễn công nghệ" (demonstation) với "mô hình phát triển" (development), theo ông Sơn. "Đa số quan tâm tới mô hình phát triển, nhưng điều này muốn hiệu quả lại phải tích hợp vào các chương trình lớn của Bộ, ban, ngành, địa phương, đặc biệt ở khâu tận dụng quy hoạch, cũng như thông tin thị trường", ông bày tỏ.

Xem thêm
Tổng cục Thuế chỉ đạo tinh gọn và siết chặt kỷ luật ngành

Tổng cục Thuế chỉ đạo toàn ngành tinh gọn bộ máy, siết chặt kỷ luật, đảm bảo hiệu quả công tác và hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước.

Gượng dậy sau bão Yagi: Nơi bảo tồn nguồn gen 15 loài cá biển quý hiếm

Anh Phạm Văn Thìn - Trưởng phòng Nuôi giữ và Bảo tồn nguồn gen của Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Bắc lái cano chở tôi ra khu Tai Kéo vịnh Lan Hạ.

Mù Cang Chải thu hút khách du lịch suốt bốn mùa

YÊN BÁI Với vẻ đẹp hoang sơ hùng vĩ của núi non trùng điệp cùng những nét văn hóa đậm đà bản sắc, Mù Cang Chải là điểm đến hấp dẫn du khách 4 mùa trong năm.