| Hotline: 0983.970.780

Để người thủ đô được dùng thực phẩm sạch: Xây dựng bản sắc ‘tam nông’

Thứ Tư 30/06/2021 , 10:27 (GMT+7)

Hà Nội Thủ đô muốn xây dựng một nền nông nghiệp đặc thù, tạo ra sản phẩm chất lượng, giá trị cao và có thương hiệu trên thị trường.

Phát triển nền nông nghiệp hữu cơ - con đường tất yếu!

Ông Phạm Văn Duy – Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) chia sẻ: Trong giai đoạn vừa qua, Hà Nội đã quản lý tốt vấn đề an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc nông sản thông qua việc xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Nhưng bây giờ, thành phố cần hướng tới chương trình đa mục tiêu hơn, vừa đảm bảo kiểm soát an toàn thực phẩm chặt chẽ, vừa nâng cao giá trị nông sản gắn với xây dựng thương hiệu.

Trên tinh thần đó, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản đã chủ động làm việc với Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật và Chi cục Chăn nuôi - Thú y Hà Nội để bàn về vấn đề này.

Ông Duy cho rằng, thành phố Hà Nội cần lồng ghép các chương trình phát triển nông nghiệp hữu cơ và kiểm soát an toàn thực phẩm. Bởi đây là hai trương trình có quan hệ mật thiết với nhau, tương hỗ nhau để đạt được “mục tiêu kép”: vừa nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm, vừa bảo vệ môi trường sinh thái và phát triển thương hiệu nông sản của thủ đô.

“Hà Nội là thị trường tiêu thụ lượng thực phẩm rất lớn, riêng thịt lợn khoảng 1.000 tấn/ngày, rau khoảng 3.000 tấn/ngày, cá, tôm các loại khoảng 400 – 500 tấn. Đặc biệt, mức sống và thu nhập của người dân Hà Nội rất cao. Nên chủ trương phát triển nông nghiệp hữu cơ, giá trị cao là rất đúng”, ông Phạm Văn Duy cho biết.

Để đạt được mục tiêu trên, ông Phạm Văn Duy cho biết, Hà Nội đã xác định được rất rõ các vùng sản xuất và sản phẩm có lợi thế của các địa phương. Ví dụ diện tích chuyển đổi và chứng nhận vùng sản xuất lúa hữu cơ khoảng 1.500ha; rau màu khoảng 500ha, chè 150ha, hơn 4.000 con bò, khoảng 14.000 con lợn và 80.000 con gia cầm các loại.

Nếu lồng ghép chương trình kiểm soát an toàn thực phẩm với chương trình phát triển nông nghiệp hữu cơ thì thành phố Hà Nội sẽ có nguồn lực lớn để triển khai thực hiện, đảm bảo tính đồng bộ hơn.

Tuy nhiên, ông Duy cũng cho biết, hiện nay chưa có nhiều hợp tác xã sản xuất nông nghiệp hữu cơ được thành lập. Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội, hiện nay riêng mảng trồng trọt theo hướng hữu cơ  11 hợp tác xã, 6 doanh nghiệp, còn lại là trang trại, tổ hợp tác và hộ dân. Bởi vậy, chúng ta vận động, khuyến khích, tạo điều kiện để các hợp tác xã tham gia vào chương trình nông nghiệp hữu cơ.

Liên quan đến xây dựng chuỗi cung ứng nông sản, thời gian tới Bộ NN-PTNT và Hà Nội sẽ lựa chọn một số ngành hàng quan trọng, có lợi thế như trứng, sữa, thịt, rau để làm điểm. Khi có mô hình rồi, khuyến nông sẽ vào cuộc để nhân rộng. Như vậy, chương trình sẽ đạt được mục tiêu đề ra.

Cần xây dựng thương hiệu sản phẩm

Ông Lê Quốc Thanh – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho rằng, Hà Nội hội tụ đầy đủ các yếu tố để phát triển nông nghiệp theo chuỗi, nhất là các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Vì rất ít thị trường tiêu thụ một khối lượng nông sản, thực phẩm lớn như Hà Nội. Chúng ta có hạ tầng nông thôn tốt, có điều kiện sản xuất tốt. Riêng về sản xuất lúa, Hà Nội là địa phương có diện tích gieo trồng lớn thứ 2 ở miền Bắc, chỉ sau Thanh Hóa.

“Hiện nay, chúng ta mới chỉ bán sản phẩm để thu lợi nhuận, chứ chưa bán giá trị của sản phẩm thông qua việc minh bạch hóa quy trình sản xuất. Vì quy trình khác nhau sẽ tạo ra sản phẩm khác nhau”, ông Thanh chia sẻ.

Bởi vậy, muốn định hình phân khúc riêng cho nông sản hữu cơ trên thị trường, chúng ta phải tuân thủ quy trình sản xuất hữu cơ và truyền thông để minh bạch hóa toàn bộ quy trình ấy ngay từ thời điểm bắt đầu chuẩn bị mùa vụ cho đến khi thu hoạch, bảo quản, chế biến, vận chuyển đến tay người tiêu dùng.

Vừa qua, ở Bắc Giang, nhiều vườn vải thiều được thương lái đến tận nơi đặt mua với mức giá 30.000 – 40.000 đồng/kg. Chủ vườn không có để bán. Ngược lại, nhiều sản phẩm vải thiều phải mang ra vỉa hè để bán với mức giá khá rẻ. Như vậy, có thể thấy, người nông dân có thể tự định giá được sản phẩm của mình ngay từ khi sản xuất, nếu quy trình sản xuất đó đảm bảo yêu cầu của thị trường.

Ông Lê Quốc Thanh cũng cho biết, sắp tới Trung tâm Khuyến nông Quốc gia sẽ phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Hà Nội và Sở NN-PTNT Hà Nội tổ chức một số diễn đàn để phát triển liên kết chuỗi cung ứng nông sản an toàn, nâng cao giá trị gia tăng theo chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ NN-PTNT và UBND TP Hà Nội. Đồng thời, mời một số doanh nghiệp lớn cùng tham gia vào các dự án khuyến nông trên địa bàn Hà Nội để sản xuất ra sản phẩm có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường.

 “Chúng ta hoàn toàn có thể đưa nông sản của thủ đô lên thị trường đấu giá và người sản xuất sẽ định giá sản phẩm của mình trước khi lên sàn giao dịch. Người tiêu dùng thủ đô và các thành phố lớn hoàn toàn có thể chấp nhận mức giá đúng với giá trị của nó”, ông Thanh nhấn mạnh.

Hiện nay, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đang là Chủ tịch Câu lạc bộ Khuyến nông đô thị. Vậy khuyến nông đô thị khác với khuyến nông các địa phương khác như thế nào? Đó chính là câu chuyện kết nối để hình thành các chuỗi giá trị nông sản.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Cách làm hay ở Bắc Giang [Bài 1]: Cán bộ làm gương

Khéo léo tuyên truyền vận động nhân dân, sáng tạo trong cách làm, xã Xuân Cẩm đã thực hiện được tiêu chí khó trong xây dựng NTM nâng cao, đó là hiến đất '0 đồng'.

Huyện Châu Đức có thêm 12 sản phẩm OCOP

BÀ RỊA - VŨNG TÀU Mới đây, huyện Châu Đức đã công bố và trao quyết định công nhận cho 12 sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao. Đây là những sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu của địa phương.