| Hotline: 0983.970.780

Để nông sản lên ngôi

Thứ Năm 23/06/2022 , 10:15 (GMT+7)

Từ cách làm của Thái Lan, ngành nông nghiệp trong nước cần có góc nhìn mới, giúp người nông dân tự ý thức được trách nhiệm, bổn phận trong phát triển bền vững.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam (ở giữa) tham quan gian hàng của doanh nghiệp Việt Nam tại Hội chợ chuyên ngành thực phẩm và đồ uống Thaifex Anuga Asia 2022.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam (ở giữa) tham quan gian hàng của doanh nghiệp Việt Nam tại Hội chợ chuyên ngành thực phẩm và đồ uống Thaifex Anuga Asia 2022.

Giấc mơ nông sản Việt được chế biến sâu, giá cao, bao bì đẹp, được người tiêu dùng trong nước ưa chuộng và được các thị trường lớn trên thế giới săn tìm là một giấc mơ đẹp nhưng đâu có quá xa vời? Trò chuyện với những chủ thể làm ra các sản vật quý phương Đông, chúng ta quay về với câu hỏi: Làm gì để họ có được kiến thức mới, kỹ năng, kỹ thuật mới, đầy sáng tạo và thành công trong giai đoạn hội nhập mới?

Câu hỏi được chúng tôi gửi trước cho lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan, chuẩn bị cho cuộc viếng thăm diễn ra vào sáng 27/5/2022, trong khuôn khổ Hội chợ Thực phẩm và đồ uống Thaifex-Anuga 2022. Không ngờ câu hỏi được lãnh đạo Thái Lan nghiên cứu và sớm có câu trả lời cởi mở, thẳng thắn.

Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan cũng đón đoàn Việt Nam với lực lượng hùng hậu với 9 người. Thứ trưởng Prapat Pothasuthon cùng 2 trợ lý. Ông Ratchasub Nishida, cố vấn trưởng của nhóm chuyên gia của Bộ. Một vụ trưởng Vụ Chăn nuôi. Một viên chức phụ trách Cục tiêu chuẩn chất lượng. Đại diện Hội Nông dân. Đặc biệt, có 3 công ty về logistic.

Thái Lan nhìn thẳng khó khăn

Ông Ratchasub Nishida, Cố vấn trưởng của Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan thừa nhận những khó khăn gặp phải khi làm việc với người nông dân. Một cách hùng hồn, ông cho rằng nếu làm theo cách mà những thế hệ trước đã làm thì không thể thay đổi người nông dân. Họ vẫn sản xuất như bao đời, và khó lòng đáp ứng những yêu cầu, tiêu chuẩn, hàng rào kỹ thuật mới từ khách hàng châu Âu, châu Á, châu Mỹ.

Cố vấn Ratchasub nhận định, cải tiến sản phẩm không chỉ đổi mới về sản phẩm mà còn phải thay đổi về  con người làm ra sản phẩm. Hiện nhiều máy móc mới, công nghệ mới đang hỗ trợ như trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật... nhưng đó chỉ là công cụ.

"Kinh nghiệm của chúng tôi qua thời gian thử nghiệm là nếu đem tiền bạc và các chính sách thuận lợi để giúp họ thay đổi thì sự chuyển biến đó không bền vững. Điểm chính tạo nên sự thay đổi bền vững là người nông dân phải cảm nhận sâu sắc việc cần thay đổi tư duy", ông Ratchasub nói.

Theo vị cố vấn này, khái niệm phát triển bền vững quá to và mơ hồ với người dân. Trong khi, nhu cầu của họ chỉ giản đơn là: giữ chất lượng ổn định, tuân thủ tiêu chuẩn nghiêm túc mỗi ngày. Ngày nào cũng chừng ấy công việc, nếu đảm bảo nghĩa là người dân đã phát triển bền vững.

Đoàn doanh nghiệp Việt Nam đến làm việc với lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan. 

Đoàn doanh nghiệp Việt Nam đến làm việc với lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan. 

Sau dịch Covid-19, người tiêu dùng ngày càng chú trọng vào chất lượng sản phẩm, trong đó đặc biệt là an toàn và chất lượng ổn định. Tình hình mới này dẫn đến việc sản xuất cần có tiêu chuẩn và tuân thủ một cách chặt chẽ. Doanh nghiệp và người nông dân cần nắm chắc những thông tin này, và phải quan tâm hơn nữa đến những vấn đề tiếp xúc với khách hàng hàng ngày.

Về marketing, nông dân Thái cũng rất quan tâm. Nhưng trong xu thế mới, hoạt động marketing cần những bước chuyển. Để người dân dễ hiểu, Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan diễn giải ngắn gọn "marketing" thành 3 chữ M, K, T; đồng thời chỉ rõ từng yếu tố thành phần là: Meet (tương tác), Credential (tiêu chuẩn) và Trend (xu hướng tiêu dùng).

Tức là, người nông dân muốn làm marketing tốt, cần nắm vững xu hướng tiêu dùng, tuân thủ tiêu chuẩn và luôn tương tác với khách hàng để thấu hiểu. Hai từ khóa quan trọng của giai đoạn mới, khi các giao dịch mua bán thường qua Internet là: Niềm tin của khách hàng và Dịch vụ giao hàng tốt (đúng chất lượng, đúng hạn).

Tóm lại, ông Ratchasub tin rằng, để nông dân luôn giữ được năng lượng và động lực làm việc thì chỉ cần yêu cầu họ: chất lượng ổn định và tiêu chuẩn chặt chẽ.

Tuy nhiên, bí quyết nằm ở chỗ: Sau khi yêu cầu, cần phải xây dựng một hệ sinh thái đồng hành, gắn bó chặt chẽ giúp người nông dân. Trong khi chờ họ nhận ra thực tế, là phải làm đúng thì mới thành công, Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan tổ chức lực lượng cán bộ khuyến nông, cán bộ xúc tiến, cán bộ kỹ thuật, các hiệp hội... sao cho mỗi nhóm hỗ trợ người nông dân trên suốt chiều dài chuỗi giá trị từ đầu vào cho đến đầu ra.

"Tại Thaifex, sự gắn bó giữa cán bộ khuyến nông và xúc tiến với nông dân là điều tôi thấy rõ. Trong khu vực dành cho Chỉ dẫn địa lý, hầu như gian hàng nào, tôi cũng gặp chuyên viên về tiêu chuẩn và các thầy giáo lo khâu R&D của các trường đại học. Họ có mặt để chào hàng, giới thiệu sâu các tính năng sản phẩm và trả lời thắc mắc của khách hàng, cũng như các chủ thể của HTX hay doanh nghiệp đã nhận chứng nhận Chỉ dẫn địa lý", ông Ratchasub chia sẻ.

Vị cố vấn người Thái Lan cũng bỏ ngỏ kết quả, nếu lực lượng chuyên nghiệp kể trên không đồng hành sâu sát với nông dân hàng ngày.

Câu chuyện Việt Nam

Câu chuyện về phương cách hỗ trợ nông dân Thái Lan được thảo luận thường xuyên giữa những chuyên gia thị trường của Thường trực Hội doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao với các đồng nghiệp tại TP.HCM.

Tất cả cùng đồng quan điểm, rằng quá trình thay đổi cần có thời gian, và không thể lấy tham chiếu từ công nhân trong nhà máy - nơi có KPI, quy trình, quản lý năng suất, quản lý rủi ro, thưởng phạt năng suất. Nông dân là những người tự giác và tự do nhất. Một thời gian dài, họ đã quen với quán tính trong suy nghĩ. Sản xuất chất lượng cỡ nào cũng bán được, thậm chí bán khó quá thì giảm giá để bán.

Nông dân thường nêu 3 câu hỏi “kinh điển” khi được yêu cầu xây dựng tiêu chuẩn: Tại sao phải làm theo tiêu chuẩn? Làm theo tiêu chuẩn có bán được giá cao hơn để bù đắp chi phí sản xuất không? Làm theo tiêu chuẩn có dễ xuất khẩu và bán hết hàng hơn không?

Về vướng mắc khi bị phát hiện sử dụng hóa chất (phân bón, thuốc trừ sâu) không trong danh mục hay quá liều lượng, nhận thức của người nông dân còn hạn chế. Họ thường cãi: Tôi xịt thuốc nửa đêm, đồng ruộng tối thui, ai thấy đâu mà biết? Tôi chỉ xịt ít và để mấy ngày cho thuốc bay hết? Liệu thuốc sâu này có “hạ gục nhanh, tiêu diệt gọn” không, tụi sâu nó có lăn đùng chết ngay không?

Nếu không quen sống cùng nông dân, bất cứ chuyên gia nào cũng có thể váng vất, muốn đừng “lăn đùng ra chết” theo lời họ. Đã có nhiều giải pháp được thử nghiệm trước đây, nhưng chưa có giải pháp nào thực sự bền vững cho vấn đề này.

Phạt tập thể khi có cá nhân vi phạm, là cách từng được các chương trình hỗ trợ sản xuất cà phê bền vững áp dụng, nhưng không nhân rộng được. Xây dựng đội nhóm tương tác, thường xuyên chia sẻ thông tin và giúp nhau điều chỉnh các chệch choạc trong quá trình canh tác; hoặc hỗ trợ sát từng khâu, tránh để tình trạng “gạo nấu thành cơm” mới cảnh báo cũng là một cách, nhưng tốn công tốn của mới có kết quả nhất định.

Để giúp người nông dân thay đổi, cuối cùng chúng ta vẫn quay về giải pháp căn cơ. Trước mắt, làm cho họ hiểu được điều kiện cần - sự cố gắng mỗi ngày là gốc rễ nguyên nhân đem lại thành công. Sau đó là điều kiện đủ - xây dựng hệ sinh thái đồng hành, thiết thực với người nông dân, với chi phí sức người sức của không hề nhẹ.

Hệ sinh thái đó chúng ta có chưa? Mâm bát luôn có sẵn, chỉ thiếu sự chuyên nghiệp, chuyên tâm của từng thành tố trong bộ máy và sự nhịp nhàng, ăn khớp để đi tới thành công.

Còn cứ giữ sức mạnh cũ, kiểu mạnh ai nấy làm thì... hết mạnh. 

Xem thêm
Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.

Thu ngân sách Nhà nước đạt hơn 97% dự toán

Sau 10 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.654,2 nghìn tỷ đồng, bằng 97,2% dự toán năm và tăng 17,3% so với cùng kỳ 2023.