| Hotline: 0983.970.780

Để tổ yến trở thành ngành hàng xuất khẩu tỷ đô

Thứ Hai 21/11/2022 , 07:49 (GMT+7)

Dù sản lượng tổ yến nước ta không nhiều, nhưng nếu tổ chức bài bản, chuyên nghiệp, ngành yến có thể đạt giá trị xuất khẩu hơn 1 tỷ USD trong tương lai.

Phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Văn Trọng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam (VFAEA) về vấn đề này.

IMG_9697

Ông Nguyễn Văn Trọng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam (VFAEA) trao đổi về tiềm năng, cơ hội phát triển của ngành yến trong tương lai. Ảnh: Minh Phúc.

Cơ hội nâng cao giá trị cho sản phẩm tổ yến Việt Nam

Thưa ông, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT vừa thông qua Nghị định thư về xuất khẩu chính ngạch sản phẩm tổ yến từ Việt Nam sang thị trường Trung Quốc, điều này có ý nghĩa gì đối với người nuôi chim yến cũng như cộng đồng doanh nghiệp sản xuất, chế biến, xuất khẩu tổ yến tại Việt Nam?

Ngành yến rất mừng khi Tổng cục Hải quan Trung Quốc và Bộ NN-PTNT đã ký Nghị định thư về việc xuất khẩu sản phẩm tổ yến từ Việt Nam sang thị trường Trung Quốc sau 3 năm đàm phán và hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục.

Nhưng bên cạnh sự vui mừng, đây là nỗi lo cho ngành yến. Ngành yến hình thành từ thế kỷ 18 (thời Vua Tự Đức), nhưng lúc đó số lượng rất ít, chủ yếu là khai thác tổ yến ngoài đảo. Đến năm 2004, nghề gây nuôi chim yến mới bắt đầu phát triển. Đặc biệt, từ năm 2010 trở lại đây, tốc độ tăng trưởng rất nhanh kéo theo nhiều hệ lụy.

Năm 2013, Bộ NN-PTNT đã kịp thời ban hành Thông tư 35 quy định tạm thời về quản lý nuôi chim yến. Vì khi ấy loài chim này vẫn được coi là động vật hoang dã. Sau đó, Bộ NN-PTNT thấy rằng sản phẩm tổ yến có giá trị rất cao, nên nội dung quản lý chăn nuôi yến đã được đưa vào Luật Chăn nuôi (gọi là động vật khác trong chăn nuôi) và Nghị định 13, Nghị định 46 và các thông tư, văn bản hướng dẫn Luật Chăn nuôi.

Ngành nuôi chim yến có tiềm năng rất lớn bởi hiện nay tập trung chủ yếu ở các nước Đông Nam Á như Philippines, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam và một số nước khác.

Đặc biệt, ở nước ta, ngành yến cũng được đưa vào chiến lược phát triển chăn nuôi. Năm 2017, cả nước chỉ có hơn 7.000 nhà yến (tại 42 tỉnh, thành phố), tập trung ở các tỉnh Nam Trung bộ, Tây Nguyên, Đông Nam bộ và Tây Nam bộ.

Tuy nhiên đến thời điểm hiện nay, cả nước đã có khoảng 30.000 nhà yến, tức là tốc độ tăng trưởng quá nhanh, chưa tính đến yến đảo. Thậm chí có địa phương, số nhà yến tăng lên gấp 5 lần trong 5 năm qua.

"Tổng sản lượng tổ yến của Việt Nam hiện nay khoảng 150 tấn, rất có giá trị và theo kế hoạch đến năm 2030, sản lượng tổ yến sẽ tăng lên 350 - 400 tấn (giá trị tương đương hơn 1 tỷ USD). Mặc dù sản lượng không lớn, số lượng không nhiều nhưng giá trị rất cao." Ông Nguyễn Văn Trọng.

Rất mừng là vừa qua Nghị định thư về xuất khẩu tổ yến từ Việt Nam sang thị trường Trung Quốc đã được Bộ NN-PTNT và Tổng cục Hải quan Trung Quốc ký kết. Đây là cơ sở quan trọng để chúng ta đẩy mạnh xúc tiến thương mại, phát triển thương hiệu và nâng cao giá trị cho sản phẩm tổ yến Việt Nam.

Như ông vừa chia sẻ, việc chúng ta ký kết Nghị định thư về xuất khẩu tổ yến sang thị trường Trung Quốc vừa là niềm vui, vừa là nỗi lo cho ngành yến. Vậy, sản phẩm tổ yến của Việt Nam phải đáp ứng những điều kiện nào để có thể chinh phục được thị trường này?

Để thực hiện được các nội dung quy định trong Nghị định thư, ngành yến còn rất nhiều việc để làm. Vì cơ bản bây giờ sản phẩm tổ yến của chúng ta chưa có mã số định danh, chưa truy xuất được nguồn gốc xuất xứ.

Mặc dù trước đó, để chuẩn bị cho việc này, Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam đã chủ động xây dựng phần mềm quản lý theo quy định của Thông tư 20, nhưng đến nay mới chỉ xây dựng mã định danh cho 1.250 nhà yến theo mã định danh Quốc gia tại Quyết định 124 của Thủ tướng Chính phủ. Để tổ yến có thể xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, toàn bộ sản phẩm phải có mã định danh cho chủ nhà yến, cho nhà yến để cơ quan chức năng truy xuất được nguồn gốc hàng hóa.

Ngoài ra, tất cả cơ sở nuôi, sơ chế, chế biến, đóng gói sản phẩm từ tổ yến phải đảm bảo được tất cả quy định pháp luật về mặt khoảng cách, quy định về vùng nuôi theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân các tỉnh có nghề nuôi yến (quy định tại Luật Chăn nuôi và Nghị định 13). Cùng với đó, phải đảm bảo được an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm mới đáp ứng được yêu cầu của thị trường Trung Quốc.

Đây là thách thức lớn nhất, mặc dù đã có Nghị định thư. Nếu không làm tốt những vấn đề trên thì việc xuất khẩu sẽ gặp khó khăn.

Vậy tiềm năng, lợi thế cạnh tranh của sản phẩm tổ yến Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc là gì so với các quốc gia khác?

Mặc dù sản lượng tổ yến của Việt Nam không bằng Philippines, Indonesia, Malaysia nhưng chất lượng tổ yến của Việt Nam rất tốt, được các doanh nghiệp Trung Quốc khen ngợi, đánh giá rất cao và có lợi thế cạnh tranh. Đặc biệt, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ tổ yến rất lớn.

Tôi lấy ví dụ, chỉ riêng Công ty Đông Nam Yến Đô tại tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc) đã đầu tư xí nghiệp sơ chế tổ yến với công suất 450 tấn/năm (tức gấp 3 lần sản lượng tổ yến của Việt Nam hiện nay). Cho nên, nhu cầu của họ rất cao. Kể cả khi sản lượng của chúng ta đạt 350 - 400 tấn cũng không đủ để cung cấp cho thị trường Trung Quốc, chứ chưa nói tới thị trường cộng đồng người Hoa ở khắp thế giới.

Empty

Cần có các chuyên đề nghiên chuyên sâu về kỹ thuật ấp trứng, kỹ thuật di đàn, kỹ thuật nuôi nhân tạo chim yến. Ảnh: H.Bình.

Quản chặt, không để người dân nuôi yến tự phát, tràn lan

Nuôi yến là nghề đặc thù, rất khó quản lý. Với tốc độ phát triển số lượng nhà yến như hiện nay, rõ ràng chúng ta cũng cần phải tính đến những hệ lụy, nguy cơ để phòng ngừa?

Đúng vậy. Tôi lấy một ví dụ, ở tỉnh Kiên Giang hiện có khoảng 3.000 nhà yến và trên phạm vi cả nước, trong tổng số 30.000 nhà yến, chỉ có 10% có hiệu quả cao, khoảng 20% hiệu quả và 70% còn lại chưa có hiệu quả.

Nếu chúng ta khai thác nhiều tổ yến, cộng với biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của chim yến và tốc độ phát triển của nhà yến quá lớn có thể sẽ dẫn đến những hệ lụy không nhỏ. Bởi chi phí xây dựng một nhà yến từ 1 tỷ đến 6 tỷ đồng.

Do biến đổi khí hậu, chim yến di đàn từ những vùng không thuận lợi đến thuận lợi hơn. Ở Tây Nguyên, mấy năm vừa rồi mật độ chim yến tăng lên rất nhiều do điều kiện sống thuận lợi. Mỗi địa phương cần đánh giá đúng hiện trạng, điều kiện phát triển nuôi yến để đề ra kế hoạch phát triển phù hợp.

Theo quy định của Luật Chăn nuôi, với những thành phố, thị trấn đã có nhà yến vẫn cho phép tồn tại nhưng không được cơi nới và phát âm thanh dẫn dụ ảnh hưởng đến khu dân cư xung quanh. Còn đối với nhà yến đầu tư xây mới phải nằm trong vùng nuôi được quy định tại Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ban hành. Các địa phương phải kiểm soát rất chặt chẽ vấn đề này để tránh hiện tượng phát triển nuôi yến tự phát và tràn lan.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, thời gian tới Bộ NN-PTNT sẽ xây dựng ngành yến Việt Nam có trách nhiệm, bền vững. Vậy theo ông, những giải pháp trọng tâm chúng ta cần tập trung triển khai để đạt được mục tiêu trên là như thế nào?

Tôi thấy ý tưởng của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan là rất kịp thời và hoàn toàn phù hợp với điều kiện hiện tại. Tuy nhiên, để phát triển bền vững và hiệu quả, trước hết ngành chăn nuôi cần đánh giá tổng thể thực trạng ngành yến của Việt Nam cả về quy mô, sản lượng. Các tiểu vùng khí hậu vùng nuôi, tiểu vùng khí hậu nhà nuôi và tất cả trang thiết bị có liên quan.

Cùng với đó, cần có các chuyên đề nghiên chuyên sâu về kỹ thuật ấp trứng, kỹ thuật di đàn, kỹ thuật nuôi nhân tạo chim yến… Hiện chúng ta cũng chưa có nghiên cứu nào về dinh dưỡng cho chim yến. Phải hình thành các chuỗi giá trị sản phẩm từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm và phát triển sản phẩm quốc gia đối với sản phẩm từ tổ yến trong tương lai.

Để làm được điều đó, các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương các cấp phải thực hiện tốt vai trò quản lý vùng nuôi, cơ sở chăn nuôi, hướng dẫn người nuôi yến thực hiện quy trình chăn nuôi đảm bảo an toàn dịch bệnh…

Bên cạnh đó, các Hiệp hội cũng phải trở thành cầu nối để tập hợp các doanh nghiệp và các hộ chăn nuôi, hình thành các chuỗi liên kết giá trị sản phẩm, đáp ứng được yêu cầu của thị trường.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Việt Nam là nhà cung cấp chè lớn nhất cho Trung Quốc về sản lượng

Tuy nhiên xét về giá trị, Việt Nam chỉ đứng thứ 2, chiếm 12,1% tỷ trọng, thấp hơn nhiều so với mức 39,6% của thị trường cung cấp chè lớn nhất là Sri Lanka.

Xét tuyển công chức làm việc tại Cục Bảo vệ thực vật và Cục Thú y

Bộ NN-PTNT thông báo xét tuyển công chức làm việc tại Cục Bảo vệ thực vật và Cục Thú y thuộc Bộ, như sau:

Cao su Chư Prông tổ chức Hội thi thợ giỏi khai thác mủ

Trong 2 ngày 30-31/10, tại Nông trường Cao su Thanh Bình, Công ty TNHH MTV Cao su Chư Prông đã tổ chức Hội thi thợ giỏi khai thác mủ cao su năm 2024.

Dự án căn hộ Conic Boulevard có giá khoảng 37 triệu đồng/m2

Dự án Conic Boulevard gồm khu dân cư và căn hộ cao tầng với quy mô 5,3ha, tọa lạc tại đường Huỳnh Bá Chánh, thị trấn Tân Kiên, Bình Chánh, TP.HCM.

Bình luận mới nhất