| Hotline: 0983.970.780

Để vật nuôi chết rét nhiều: Chủ tịch UBND tỉnh phải chịu trách nhiệm

Thứ Hai 17/01/2011 , 10:48 (GMT+7)

Thủ tướng lưu ý, nếu để tình trạng gia súc, gia cầm, thủy sản bị chết nhiều do chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống rét, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố sẽ phải chịu trách nhiệm.

Trước tình hình rét đậm rét hại kéo dài, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh quyết liệt áp dụng mọi biện pháp phòng, chống đói rét cho gia súc, gia cầm và thủy sản, đặc biệt là trâu, bò, cá giống. 

Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo cơ quan chuyên môn kiểm tra, hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng đầy đủ các biện pháp kỹ thuật, thông tin kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng để người chăn nuôi biết, không chủ quan, bị động trong việc phòng chống đói, rét cho vật nuôi. Các địa phương, đặc biệt là những địa phương vùng cao cử các đoàn công tác đi chỉ đạo trực tiếp, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống đói, rét.

Đồng thời, các địa phương chủ động sử dụng ngân sách dự phòng để kịp thời phục vụ công tác phòng, chống rét cho vật nuôi; hỗ trợ vật tư, kinh phí cho các hộ chăn nuôi nghèo, gia đình chính sách, đồng bào dân tộc để gia cố, che chắn chuồng trại và mua thức ăn cho đàn gia súc. Thủ tướng giao Bộ NN-PTNT tiếp tục chỉ đạo, cử đoàn công tác xuống địa phương trực tiếp hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc phòng, chống đói rét cho vật nuôi. Bộ Tài chính phối hợp với Bộ NN-PTNT thực hiện chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản để khôi phục sản xuất ở vùng bị thiệt hại cho các địa phương.

Thủ tướng lưu ý, nếu để tình trạng gia súc, gia cầm, thủy sản bị chết nhiều do chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống rét, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ.

Trước đó, ngày 14/1/2011, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cũng đã có công điện khẩn đề nghịChủ tịch UBND các tỉnh Trung du MNPB và Bắc Trung Bộ quyết liệt chỉ đạo các biện pháp phòng chống đói, rét cho trâu, bò; xem đó là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn hiện nay.

Bộ trưởng đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh chỉ đạo Sở NN-PTNT và các cơ quan chuyên môn thực hiện nghiêm Công văn Số 27/CN-GSL ngày 10/1/2011 của Cục Chăn nuôi về tăng cường các biện pháp kỹ thuật phòng, chống rét cho trâu, bò; đồng thời thống kê đầy đủ, chính xác số lượng gia súc, gia cẩm bị chết rét để thực hiện kịp thời chính sách hỗ trợ cho người chăn nuôi theo quy định tại Quyết định số 142/2009/QĐ-TTg ngày 31/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư số 39/2010/TT-BNN ngày 28/6/2010 của Bộ NN-PTNT và Thông tư số 187/2010/TT-BTC ngày 22/11/2010 của Bộ Tài chính về cơ chế, chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh. Bộ trưởng cũng đề nghị các tỉnh có chính sách hỗ trợ vật tư, kinh phí đối với các hộ nghèo, gia đình chính sách để gia cố và che chắn chuồng trại, mua thức ăn bổ sung cho đàn gia súc.

Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi đến ngày ngày 15/1 đã có trên 8.000 con trâu, bò ở miền Bắc bị chết rét và nhiều loại vật nuôi khác bị ảnh hưởng do đói, rét.

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Xuất khẩu lô thuốc thú y đầu tiên sang thị trường Hồi giáo

BẮC NINH Công ty CP Đầu tư và Phát triển công nghệ sinh học Visakan, thuộc Hùng Nhơn Group vừa tổ chức Lễ xuất khẩu lô hàng thuốc thú y đầu tiên sang thị trường Hồi giáo.

Phân biệt rõ giữa thương lái và 'cò lúa'

CẦN THƠ Doanh nghiệp mua lúa qua thương lái, nông dân bán lúa cho thương lái để lấy tiền mặt. Vì vậy, cần xem thương lái là đối tác đồng hành trong chuỗi lúa gạo.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.