Ban chủ tọa buổi tọa đàm. |
Ban Quản lý dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững Cần Thơ (VnSAT), Sở NN-PTNT TP Cần Thơ phối hợp các đơn vị liên quan vừa tổ chức tọa đàm đầu bờ tại xã Trung Hưng, huyện Cờ Đỏ về việc đẩy mạnh áp dụng tiến bộ kỹ thuật, phát triển liên kết, xây dựng HTX gắn với doanh nghiệp để nông dân “được mùa, được giá” vụ đông xuân 2019-2020.
Theo các đại biểu, trong bối cảnh kinh tế thị trường và hội nhập sâu rộng với quốc tế, ngành lúa gạo nước ta phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt. Gạo nước ta phải cạnh tranh với gạo các nước cả về giá cả, chất lượng và vấn đề an toàn thực phẩm. Sản xuất theo kiểu manh mún, nhỏ lẻ với chất lượng không ổn định và giá thành sản xuất cao, khó tồn tại và phát triển.
Nông dân và doanh nghiệp cần quan tâm tăng cường liên kết, hợp tác với nhau theo chuỗi giá trị ngành hàng. Đây cũng là xu hướng tất yếu nhằm sản xuất hàng hóa lớn, chất lượng cao, đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Có gắn kết lại với nhau, chúng ta mới xây dựng được các vùng nguyên liệu lúa gạo chất lượng cao và có điều kiện đẩy mạnh cơ giới hóa và áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất để đạt hiệu quả tốt nhất. Qua liên kết thành lập các tổ hợp tác và HTX, nông dân cũng thuận lợi ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp.
Ông Phạm Trường Yên, Phó GĐ Sở NN-PTNT TP. Cần Thơ cho biết: Dự án VnSAT Cần Thơ được thực hiện tại 4 quận, huyện trọng điểm trồng lúa, gạo như: Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ, Thới Lai và quận Thốt Nốt với tổng diện tích thực hiện 38.863 ha và 32.231 hộ nông dân tham gia.
Dự án VnSAT Cần Thơ giúp những nông hộ trồng lúa trên địa bàn gia tăng 30% lợi nhuận trong sản xuất lúa gạo thông qua áp dụng kỹ thuật “3 giảm 3 tăng” và “1 phải 5 giảm” nhằm góp phần giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, còn làm giảm tác động tiêu cực tới môi trường thông qua việc giảm lượng giống gieo sạ, nước tưới, giảm lượng phân bón và thuốc BVTV trong quá trình canh tác lúa gạo.
Dự án VnSAT Cần Thơ triển khai trên cây lúa với tổng diện tích thực hiện 38.863 ha và 32.231 hộ nông dân tham gia. |
Tăng cường năng lực thể chế phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Có 75% diện tích (22.472 ha) trong vùng dự án áp dụng kỹ thuật “3 giảm 3 tăng” và 50% diện tích áp dụng kỹ thuật “3 giảm 3 tăng” kèm kỹ thuật “1 phải 5 giảm” (11.236 ha). Có trên 10.000 ha áp dụng kỹ thuật tiên tiến được liên kết củng cố xây dựng 20 tổ hợp tác/HTX và tiếp cận doanh nghiệp.