Hàng trăm ha cao su đầu nguồn đứng trước nguy cơ bị “khai tử” nhường đất cho dự án nuôi bò. |
Đáng nói chủ trương này một mình lãnh đạo huyện Hương Khê “tự biên, tự diễn”, cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh không hề hay biết, gây nên sự bức xúc, hoang mang cho hàng trăm người lao động Cty TNHH MTV Cao su Hà Tĩnh.
Đánh đổi môi trường
Những năm đầu thập kỷ 90 cây cao su bén duyên mảnh đất Hà Tĩnh. Đến khoảng giữa những năm 2000, Nghị quyết HĐND tỉnh Hà Tĩnh xác định cao su là cây trồng chủ lực ở các huyện miền núi như Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang, Kỳ Anh, Cẩm Xuyên… Đặc biệt, thời kỳ giá mủ cao su chế biến vượt mốc 100 triệu đồng/tấn, cây cao su ở Hà Tĩnh không khác “mỏ vàng trắng”. Thời điểm ấy nhiều năm liền Cty TNHH MTV Cao su Hà Tĩnh (Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam) đóng góp cho ngân sách lên đến gần 10 tỷ đồng/năm; đóng nộp BHXH cho hàng nghìn lao động với số tiền trên dưới 15 tỷ đồng/năm.
Tuy nhiên, từ năm 2015 đến nay, giá mủ cao su giảm sâu khiến cho hoạt động của các doanh nghiệp lâm vào cảnh khó khăn. Đây là giai đoạn DN cần sự đồng hành của chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng, nhưng thực tế đang diễn ra tại huyện Hương Khê thì ngược lại.
Ngày 11/6, Chủ tịch UBND huyện Hương Khê Lê Ngọc Huấn phát đi công văn đề nghị tỉnh Hà Tĩnh: “Chấp thuận cho một công ty sữa thực hiện khảo sát, lập dự án phát triển chăn nuôi bò quy mô 12.000 con tại tiểu khu 240, 241 thuộc địa bàn xã Hương Vĩnh, Hương Xuân”. Đáng nói, trong số 342ha huyện này đã lập đoàn đi khảo sát có đến 300ha đã được UBND tỉnh Hà Tĩnh giao cho Cty cao su Hà Tĩnh quản lý, sử dụng đến ngày 31/12/2050 và 42ha là đất ở, đất lâm nghiệp, trồng cây hàng năm của một số hộ dân thuộc xã Hương Vĩnh.
Trao đổi với NNVN, lãnh đạo Cty Cao su Hà Tĩnh khẳng định: “Việc đoàn cán bộ huyện Hương Khê năm lần bảy lượt vào rừng cao su nông trường Hàm Nghi, nông trường Phan Đình Phùng đo đạc, khảo sát dự án chăn nuôi bò mà không thông báo với Cty là vi phạm pháp luật. Nếu tỉnh Hà Tĩnh lấy diện tích trên để giao cho DN khác thì Cty cao su Hà Tĩnh không còn gì để phát triển”.
Chu kỳ khai thác mủ của vườn cây đang còn hơn 10 năm, thậm chí nhiều diện tích đang thời kỳ kiến thiết cơ bản. |
Vị lãnh đạo này cho biết thêm, từ năm 1997 NT Hàm Nghi và NT Phan Đình Phùng là 2 đơn vị chủ lực của Cty. Với gần 1.410ha cao su đang đỉnh cao giai đoạn khai thác, hàng năm sản lượng mủ của 2 NT chiếm hơn 70% tổng sản lượng mủ của toàn Cty; giải quyết việc làm cho hơn 200 công nhân và gần 50 hộ dân nhận khoán.
“Nếu huyện Hương Khê “bán đứng” diện tích cao su trên cho DN khác nuôi bò thì hệ lụy không chỉ “khai tử” Cty cao su Hà Tĩnh mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, việc làm của hàng trăm lao động địa phương. Đặc biệt, những cán bộ thực thi luật pháp còn vi phạm Điều 61, 62 Luật Đất đai sửa đổi năm 2013”, một lãnh đạo Cty cao su Hà Tĩnh nhấn mạnh.
Là người đầu tiên chứng kiến cây cao su bám rễ mảnh đất “chảo lửa, túi mưa”, ông Đặng Bá Thức - Chủ tịch Hội KHKT lâm nghiệp, nguyên Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp Hà Tĩnh khẳng định, việc chặt bỏ hàng trăm ha cao su đầu nguồn đã khép tán để trồng cỏ nuôi bò chẳng khác gì “bán lá phổi xanh”. Thời kỳ Hà Tĩnh còn khó khăn, đất rừng chủ yếu đất trống, đồi trọc bỏ hoang. Nếu không có cây cao su thì rừng Hà Tĩnh khó có thể phủ xanh được như bây giờ. Hiện tại, dù cây trồng này đang ở giai đoạn khó khăn nhưng Bộ NN-PTNT vẫn luôn khẳng định, cao su là cây đa mục tiêu, ngoài đem về giá trị kinh tế còn đóng vai trò bảo vệ môi trường đất, môi trường nước rất lớn.
“Nếu không muốn dẫm lên vết xe đổ của dự án chăn nuôi bò Bình Hà, ở huyện Cẩm Xuyên và Kỳ Anh thì lãnh đạo huyện Hương Khê cần dừng ngay ý tưởng chuyển đổi cây cao su sang trồng cỏ, nuôi bò ở TK 240, 241”, ông Đặng Bá Thức nói.
Hơn 200 lao động có nguy cơ thất nghiệp
Nông trường Hàm Nghi tiền thân là nông trường chè. Trước năm 1997 hiệu quả kinh tế từ cây chè thấp nên HĐND tỉnh Hà Tĩnh đồng ý cho chuyển đổi gần 630ha sang trồng cây cao su. Kể từ đó đến nay diện tích cao su phát triển tốt, phù hợp đất đai, thổ nhưỡng trên địa bàn. Bình quân năng suất mủ đạt 1,2 tấn/ha; một số vườn thuộc Đội 2, 3 thời điểm thâm canh tốt năng suất đạt tới 1,8 tấn/ha; tạo công ăn việc làm cho 116 công nhân và 20 hộ nhận khoán.
Hơn 200 công nhân và hàng chục hộ dân liên kết bức xúc trước chủ trương phi khoa học của lãnh đạo huyện Hương Khê. |
Ông Trần Thanh Nam, Phó giám đốc nông trường bức xúc nói: “Đất có thổ công, sông có hà bá. Chúng tôi đang sản xuất ổn định, hiệu quả, đùng một cái lãnh đạo huyện Hương Khê kéo vào chỉ chỉ trỏ trỏ, không hề thông báo với chúng tôi và còn nói với công nhân sắp chuyển đổi cao su sang nuôi bò khiến cho anh em rất hoang mang, lo sợ mất việc làm”. Theo ông Nam, hiện chu kỳ khai thác diện tích cao su của nông trường đang còn hơn 10 năm; ngoài ra một số diện tích liên kết với các DN đóng trên địa bàn trồng tại xã Phú Gia, Hương Vĩnh, Hương Long chưa đến tuổi khai thác, gây thiệt đơn thiệt kép cho nông trường Hàm Nghi nói riêng, Cty Cao su Hà Tĩnh nói chung.
Gần 12 năm gắn bó với cây cao su, khi hay tin UBND huyện Hương Khê có chủ trương phá bỏ cây trồng này chuyển sang trồng cỏ, nuôi bò, ông Trần Bá Quý, công nhân đội 2 - NT Hàm Nghi thở dài nói: “Gia đình tôi 6 miệng ăn nhìn hết vào đồng lương cạo mủ cao su của tôi. Bây giờ huyện đem chặt bỏ cây trồng chủ lực này thì không khác gì cướp miếng cơm của người dân, công nhân lao động”.
Khi đề cập đến chủ trương phá cao su nuôi bò ở huyện Hương Khê, một lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh khẳng định, tỉnh chưa hề có chủ trương về vấn đề này. Việc chặt bỏ cả rừng cao su đầu nguồn xung yếu để trồng cỏ nuôi bò là không thể, bởi bài học nhãn tiền từ sự thất bại về mặt chủ trương, kinh tế, xã hội của dự án chăn nuôi bò Bình Hà vẫn còn đó.
Công văn “cầm đèn chạy trước ô tô” của Chủ tịch huyện Hương Khê. |
Sở NN-PTNT Hà Tĩnh cho hay, đơn vị mới chỉ nghe thông tin và chưa thấy chủ trương nào của tỉnh cho chuyển đổi từ dự án cao su sang trồng cỏ, nuôi bò nên Sở chưa có ý kiến gì. |