Theo ông Hồ Đắc Chương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, trong phương án phòng chống thiên tai năm nay, Bình Định sẽ thực hiện “nhiệm vụ kép” là vừa phòng, chống thiên tai vừa phòng, chống dịch Covid-19 theo chỉ đạo của UBND tỉnh.
Những năm trước đây, đích nhắm đến đầu tiên khi di dời là những nhà dân được xây dựng kiên cố, cao tầng trong những khu dân cư. Khi có lệnh sơ tán, người dân ở trong những vùng nguy hiểm sẽ được di dời đến những căn nhà kiên cố tá túc qua mùa mưa bão. Ở những vùng không có nhà dân xây dựng kiên cố, thì những hộ trong diện sơ tán được phương tiện đưa đến cơ quan UBND xã, trụ sở thôn, trạm y tế, nhà tránh trú cộng đồng, các trường học trong khu vực để tránh trú.
“Thế nhưng năm nay, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang hoành hành, nhiều địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, kiểu sơ tán nói trên là không đúng theo tinh thần vừa phòng chống thiên tai vừa phòng chống dịch Covid-19, đây chính là nỗi lo lớn của ngành chức năng”, ông Hồ Đắc Chương chia sẻ.
Ông Chương lý giải, nếu bố trí người sơ tán giãn cách theo quy định để phòng, chống dịch Covid-19 thì hội trường hoặc phòng học chẳng chứa được bao nhiêu người. Đó là chưa nói phương án sơ tán tại chỗ trong tình hình này cũng bất khả thi, bởi trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, ai cũng có thể là F0, nên hộ có nhà kiên cố sẽ ngại tiếp nhận người dân trong vùng đến tá túc vì sợ lây lan dịch bệnh.
Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Bình Định, từ nay đến hết năm 2021, Bình Định có thể sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp từ 1-2 cơn bão. Tổng lượng mưa phổ biến có thể cao hơn so với các năm, gây lũ lụt trong tỉnh. Cần đề phòng các đợt mưa lớn xảy ra tập trung trong các tháng 10, 11 và nửa đầu tháng 12/2021. Trên các sông suối nhỏ, vùng thượng lưu các sông có khả năng xuất hiện lũ lớn, lũ quét và sạt lở đất.
Trong khi đó, theo khảo sát của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Định vào đầu năm nay, trên địa bàn Bình Định có 12 khu vực có nguy cơ cao sạt lở đất, đá rất cao; trong đó, tại huyện Hoài Ân có 4 khu vực, huyện An Lão có 3 khu vực, huyện Vĩnh Thạnh có 2 khu vực, huyện Phù Cát có 1 khu vực và TP.Quy Nhơn có 2 khu vực. Việc sạt lở tại những địa điểm nói trên có thể xảy ra bất cứ lúc nào, lượng mưa từ 50mm trở lên là đã phát cảnh báo. Thế nhưng trong những mùa mưa lũ vừa qua, trên địa bàn Bình Định có khu vực đã có lượng mưa lên đến 150mm. Do đó, trong mùa mưa năm nay, trước tiên Bình Định phải sơ tán 657 hộ dân với 2.751 nhân khẩu ở 12 khu vực nói trên đến nơi an toàn. Đó là chưa kể những hộ dân ở những vùng ngập lụt, vùng ven biển.
“Trước thực trạng trên, để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh về công tác phòng chống thiên tai năm 2021 trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, Sở NN-PTNT sẽ báo cáo, đề nghị UBND tỉnh xem xét, ưu tiên tiêm vacxin cho người dân ở 24 xã, phường ven đầm, ven biển TP.Quy Nhơn, các huyện Tuy Phước, Phù Cát, Phù Mỹ và thị xã Hoài Nhơn thường chịu ảnh hưởng trực tiếp từ bão. Có được như vậy, khi phải sơ tán dân đến nơi tránh trú tập trung sẽ giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch bệnh. Mùa mưa bão năm nay, chúng tôi cũng đề nghị UBND tỉnh cho phép sử dụng các khu cách ly, các bệnh viện dã chiến hiện có để sơ tán dân khi có nhu cầu”, ông Hồ Đắc Chương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định.