| Hotline: 0983.970.780

Đẹp duyên trên đường chống tiêu cực

Thứ Bảy 29/12/2018 , 08:05 (GMT+7)

Nhà báo - nhà thơ Xích Điểu (1910-2003) là một nhân vật cầm bút cách mạng nổi tiếng. Cả đời ông chuyên viết thể loại châm biếm, cả tiểu phẩm và thơ, để đả phá cái xấu và cái ác. Thế nhưng, ít ai ngờ, trong hành trình gian nan có tính thêm thù bớt bạn ấy, ông đã có được một mối tình thật đẹp với bà Nguyễn Ngọc Dung!

Nhà báo - nhà thơ Xích Điểu tên thật Nguyễn Văn Tước, sinh ra và lớn lên tại Đông Anh - Hà Nội. Năm 1931, ông bước vào nghề cầm bút với nhiều bút danh như Minh Tước, Trần Minh Tước, Thương Biền… Sau một thời gian làm báo tranh đấu ở Sài Gòn, năm 1940, ông bị chính quyền đô hộ Pháp bắt giam ở Nhà tù Sơn La. Bút danh Xích Điểu ra đời trong bối cảnh ấy, khi ông cùng với những bạn tù như Lê Đức Thọ, Xuân Thủy, Tô Hiệu… làm tờ báo Suối Reo của những người cộng sản giữa sự đọa đày xiềng xích. Sau Cách mạng Tháng 8, ông làm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính ở tỉnh Lạng Sơn, rồi Phó Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính Liên khu Việt Bắc. Sau năm 1954, ông giữ nhiều chức vụ trong ngành báo chí như Giám đốc Sở Báo chí Trung ương, Phó Tổng Thư ký Thường trực Hội Nhà báo VIệt Nam.

17-26-04_xich_dieu
Ký họa chân dung nhà báo - nhà thơ Xích Điểu

Sau năm 1975, Xích Điểu chuyển vào sinh sống tại TPHCM và tiếp tục sự nghiệp cầm bút chống tiêu cực. Ví dụ, bài “Chống tiêu cực làng ta” viết năm 1986: “Tưởng đâu thuở trước bọn văn nô/ Rơi rớt thời nay vẫn sót lò/ Anh bảo bút đây vì tập thể/ Thật ra bút bợ cá nhân to/ Bút bic anh xài đỏ đỏ đen/ Tô màu thành tích nỏ cần xem/ Chỉ cần đối tượng anh tâng bốc/ Luôn nhớ anh bằng những tiếng khen…”, hoặc bài “Nhắm thẳng ô dù mà đánh” viết năm 1988: "Hãy nhắm thẳng ô dù mà chích/ Khẩu hiệu xưa đổi lệch ba từ/ Bởi nay tiêu cực dường như/ Giặc ngoài xâm lấn phá hư lòng người/ Vốn gia trưởng lại ngồi cao thế/ Thích bao che mấy kẻ cận thần/ Để rồi ban phước, tri ân/ Một lời phán gọn, chẳng cần đúng sai…”.

Vì nhà báo - nhà thơ Xích Điểu quá nổi tiếng trong lĩnh vực chống tiêu cực, nên có một người phụ nữ đến tìm ông để nhờ giúp một cuộc chiến đang diễn ra tại cơ quan bà. Đó là nữ Tiến sĩ chuyên ngành điện tử Nguyễn Ngọc Dung. Vốn là con gái một gia đình có truyền thống cách mạng ở Nam bộ, bà Nguyễn Ngọc Dung từng học trường Học sinh Miền Nam tại Hải Phòng, rồi làm nghiên cứu sinh ở Ba Lan. Không chịu được những khuất tất ở đơn vị mình công tác, bà Nguyễn Ngọc Dung đã đề nghị Xích Điểu hỗ trợ. 

Dĩ nhiên, với bản lĩnh của Xích Điểu, ông không thể không vung bút vào phường gian ác. Lúc ấy, Xích Điểu đã qua tuổi cổ lai hy, còn nữ Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Dung ở ngưỡng bốn mươi xuân thì. Khi trận thư hùng giữa cao thượng và đê hèn kết thúc, thì họ cũng… nên duyên. Kỳ tích đó, được chính bà Nguyễn Ngọc Dung viết thành trường ca “Nghĩa tình già chống tiêu cực”.

Qua chính “Nghĩa tình già chống tiêu cực”, có thể mường tượng hình ảnh nữ Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Dung lần đầu tiên gặp Xích Điểu: "…Đôi mắt ướt mày thanh uốn rũ/ Một vóc hình thanh tú dễ thương/ Ngắm nhìn mặt sáng như gương/ Mà không son phấn đoan trang vắng cười/ Dáng uyển chuyển khách ngồi trước mặt/ Rồi lạ thay nước mắt tuôn tràn…" nhưng đang phải đối mặt với éo le và bất công “Vì "tội" chống cả dòng tiêu cực/ Mà chịu điều oan ức khinh khi/ Sống nay còn ý nghĩa gì/ Thà thành tro bụi tan đi cho rồi!/ Cháu quyết định thay lời phẫn nộ/ Bằng dấn thân vào lửa tự thiêu/ Đảng ơi! Dù ít hay nhiều/ Việc này xin được thay điều khiếu oan…". Và khí chất hừng hực của cây bút lão luyện Xích Điểu đã không hổ danh: “Thôi, cười gừng, cười ớt/ Khỏi khuấy chuyện cay đời/ Cung đàn cũng hết nốt/ Cộm lại, lọt tai ai/ Khô cứng rồi ư, huyết quản già? /Không! Không! Hun nóng thổi bùng ra/ Từ tim, công phá rào tiêu cực/ Góp lửa phê bình, lửa của ta!”

Khi nhà báo - nhà thơ Xích Điểu và Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Dung quyết định gắn bó với nhau, thì con trai của Xích Điểu từ Hà Nội bay vào và mẹ ruột của Nguyễn Ngọc Dung từ Long An lên, đã chứng kiến hôn lễ của họ. Hai trái tim cùng nhịp đập chống tiêu cực, đã cùng nhau chan hòa mối duyên lành hơn 20 năm. Những năm cuối đời, Xích Điểu ít làm thơ trào phúng mà chuyển sang làm thơ trữ tình: "Hãy coi mình như anh/ Dù hơn em nhiều tuổi/ Đời thêm đượm mùi thanh/ Như hoa quỳnh nở tối/ Đã soi gương hỏi tóc/ Truyền tín hiệu cho hồn/ Đêm đêm còn thao thức/ Nghe nhựa dâng chồi non…".

Khi ông lâm bệnh nặng, nằm ở Bệnh viện Chợ Rẫy, người vợ trẻ Nguyễn Ngọc Dung đã viết những câu thơ nghẹn ngào: “Từ nơi sâu thẳm cõi tâm linh/ Vẫn nhen nhóm lên niềm hy vọng/ Dù chỉ mỏng manh như đường tơ nhện/ Hay bảng lảng như khói như sương/ Em vẫn nắm thật chặt không buông/ Ước mơ ngày đoàn tụ/ Xích Điểu ơi! Đã hơn 90 ngày đêm/ Anh chìm sâu vào giấc ngủ/ Quằn quại trong cơn nghẹt thở/ Nhưng chưa có giây phút nào/ Em không nguôi yêu anh…”.

Ngày 26/7/2003, nhà báo - nhà thơ Xích Điểu qua đời ở tuổi 93, để lại cho nhân gian nhiều tác phẩm đáng lưu ý như tập thơ châm biếm “Cướp mới, cướp cũ”, tiểu thuyết trào phúng “Ba xoay diễn nghĩa”, các tập tiểu phẩm “Trắng đen”, “Sau mặt nạ nhân vị”, “Người hay vật”, “Cái đuôi chó”, “Chủ nghĩa lưu manh hiện đại”… Lúc sinh thời, nhà báo-  nhà thơ Xích Điểu đã sử dụng tư liệu cùng nữ Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Dung chống tiêu cực, để viết thành tiểu thuyết châm biếm “Mệnh phụ cuồng mê”. Sau khi vĩnh biệt người chồng đáng kính, nữ Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Dung đã viết lại những ngày căng thẳng và ân cần của họ thành trường ca “Nghĩa tình già chống tiêu cực”.

(Kiến thức gia đình số 52)

Xem thêm
Diễn viên Midu sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6

Diễn viên Midu vừa thông báo sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6/2024. Cô cũng đã gửi thiệp đến những người bạn thân thiết về sự kiện trọng đại này.

Nhận định U23 Việt Nam vs U23 Iraq: Vượt lên chính mình

Trận đấu giữa U23 Việt Nam vs U23 Iraq trong khuôn khổ vòng tứ kết giải U23 Châu Á 2024 sẽ diễn ra vào lúc 00h30 ngày 27/4/2024 trận sân vận động Al Janoub.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm