| Hotline: 0983.970.780

ĐH ngoài công lập có tha thiết tuyển sinh riêng?

Thứ Ba 14/01/2014 , 10:08 (GMT+7)

Hầu hết các trường ĐH ngoài công lập đều muốn đến thời điểm không còn thi 3 chung sẽ được phép xét tuyển thí sinh sau khi thi đỗ tốt nghiệp THPT kèm theo một số điều kiện khác.

Trong khi những trường ĐH công lập đang tỏ ra hào hứng với thông tin được phép tuyển sinh riêng thì đối với những trường ĐH ngoài công lập, việc thi riêng được cho là chẳng khác nào “trứng chọi đá”.

Vì thế, hầu hết các trường ĐH ngoài công lập đều muốn đến thời điểm không còn thi 3 chung sẽ được phép xét tuyển thí sinh sau khi thi đỗ tốt nghiệp THPT kèm theo một số điều kiện khác.

“TRỨNG CHỌI ĐÁ”

Ông Đỗ Thế, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Phan Châu Trinh (Quảng Nam) cho biết, sau khi có dự thảo của Bộ GD-ĐT, nhà trường đang rà soát lại phương án tuyển sinh đã gửi Bộ từ đầu năm 2013 xem có gì không phù hợp với các yêu cầu mới của Bộ. Tuy nhiên, về cơ bản trường sẽ giữ nguyên phương án đã nộp.

Theo đó, đợt 1 trường vẫn muốn xét tuyển theo kết quả thi “3 chung” do Bộ GD-ĐT tổ chức, nếu thi tuyển là để đợt sau bổ sung nếu còn thiếu chỉ tiêu. Lý giải cho sự lựa chọn này, ông Thế nói: “Trường không thể tự tuyển sinh riêng cùng với đợt thi “3 chung” của Bộ, vì như thế khác nào lấy trứng chọi đá? Trường thi riêng làm sao địch nổi khi không được dùng kết quả để xét tuyển chung. Nếu thi riêng, trường sẽ thi vào một đợt khác”.

Trong khi đó, hiệu trưởng Trường ĐH CNTT Gia Định – ông Nguyễn Đăng Liêm cho biết năm 2014 trường đề xuất xét tuyển riêng dựa vào kết quả thi “3 chung” của Bộ và đề nghị được xét tuyển bổ sung với 2 phương án trong trường hợp chưa đủ chỉ tiêu.

Hai phương án bổ sung mà trường xây dựng là: Lấy tổng kết quả phổ thông của 3 môn học trong khối thi cộng với điểm thi tuyển sinh tương ứng, rồi chia đôi. Phương án 2 là với mức điểm thấp hơn điểm sàn của Bộ 0,5 điểm nhân hai, cộng với điểm trung bình cuối năm ở bậc THPT, chia cho 3.


Các trường đại học dân lập sẽ tự lên phương án xét tuyển trong tương lai

Theo ông Liêm, việc Bộ GD-ĐT “bật đèn xanh” cho cho các trường tuyển sinh riêng là rất tốt, mở ra tương lai cho các trường. “Trường tôi rất muốn tự tổ chức thi riêng, tuy nhiên, với quy mô còn tương đối nhỏ, Trường ĐH CNTT Gia Định năm tới chưa dám tự tổ chức thi riêng. Trường cũng không muốn chờ tới khi Bộ không tổ chức thi “3 chung” nữa mới thi riêng, mà sẽ cố gắng rút ngắn thời gian này lại, đồng thời với việc hoàn chỉnh cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên để đủ sức hấp dẫn thí sinh.

Lý giải với NNVN về tâm lý “không tha thiết” với thi riêng của các trường ĐH ngoài công lập, GS Đoàn Hữu Nghị, Hiệu trưởng Trường ĐH Hải Phòng cho biết: Các trường công lập muốn thi riêng vì họ có thế mạnh và thương hiệu bền vững, còn các trường ngoài công lập hết sức dè chừng. Bởi “sân chơi chung” giữa ĐH công lập và ngoài công lập hiện nay chưa đạt được sự công bằng.

“Trường công lập học phí thấp hơn, được hỗ trợ nhiều chính sách của Nhà nước, ra trường sinh viên lại được chào đón. Trong khi đó, trường ngoài công lập thì ngược lại, ra trường sinh viên còn bị phân biệt kỳ thị. Trong bối cảnh đó, nếu thi riêng thì trường ngoài công lập khó xoay xở nổi để đảm bảo đủ nguồn tuyển”, ông Nghị nói.

XIN ĐƯỢC TUYỂN HỌC SINH ĐÃ ĐỖ TỐT NGHIỆP THPT

Trước những thông tin mà Bộ GD-ĐT công bố về thay đổi thi cử trong thời gian tới, ông Đoàn Hữu Nghị cho biết thời điểm hiện tại Trường ĐH Hải Phòng chưa xây dựng được kế hoạch cụ thể về việc chuyển đổi từ thi chung sang thi riêng như lộ trình của Bộ GD-ĐT. Tuy nhiên, sau khi biết dự thảo của Bộ GD-ĐT thì ông Nghị cũng có nhiều điều trăn trở.

Theo đó, nếu thi riêng thì khâu làm đề rất phức tạp, tốn kém mà nguồn tuyển lại chưa thể chắc chắn (vì tâm lý xã hội đang kỳ thị hệ ngoài công lập). Vì thế, đến thời điểm 2017, khi các trường bắt buộc phải tự tuyển sinh, Bộ không làm thay nữa, ông Nghị đề nghị Bộ GD-ĐT cho phép những trường ĐH, CĐ ngoài công lập được xét tuyển học sinh đã đỗ tốt nghiệp THPT kèm theo một số tiêu chí cụ thể.

Các tiêu chí có thể bao gồm: Học sinh đó phải đỗ tốt nghiệp THPT, 3 năm học phổ thông các môn chính phải đạt ít nhất từ 6,5-7 điểm trở lên, hạnh kiểm tốt, các môn phụ phải đạt loại khá,...

“Như thế để thấy không phải các trường ngoài công lập chọn học sinh ào ào cho đủ chỉ tiêu. Chúng ta cần siết đầu ra chứ không nên quá nặng nề đầu vào như hiện nay. Thực tế có nhiều học sinh thi trượt ĐH ở VN nhưng sau đó sang nước ngoài học. Quá trình đó họ phấn đấu tốt, được đào tạo tốt, trở về Việt Nam họ lại trở thành giảng viên ĐH và giảng dạy sinh viên của chúng ta. Như vậy cần hiểu chất lượng đầu vào là như thế nào cho phù hợp”, ông Nghị nói.

Tuy nhiên, nếu làm theo cách này (xét tuyển học sinh đã đỗ tốt nghiệp THPT kèm theo các điều kiện như vừa nêu), ông Nghị cũng lưu ý cần siết chặt chất lượng giáo dục phổ thông, bởi nếu chỉ căn cứ vào kết quả tốt nghiệp, kết quả học 3 năm và hạnh kiểm… để xét tuyển thì có thể sẽ xảy ra tiêu cực ở cấp học này với mục đích đạt được một “học bạ” đẹp.

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, khi giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường ĐH thì thí sinh sẽ có nhiều cơ hội hơn. Bởi vì tuyển sinh riêng không bắt buộc thi theo khối, một số trường có thể tuyển sinh theo các môn phù hợp với chuyên ngành đào tạo của mình (ví dụ như thi Toán rồi sau đó phỏng vấn, kiếm tra năng khiếu…).

“Thi riêng sẽ giúp cho học sinh thể hiện sở trường của mình còn các trường cũng sẽ sàng lọc được đầu vào tốt hơn và phải cố gắng nỗ lực hơn nữa để nâng cao chất lượng, thu hút được người học, đặc biệt là các trường ngoài công lập”, Thứ trưởng Ga nói.

Xem thêm
Đại tướng Tô Lâm, ông Trần Thanh Mẫn được giới thiệu làm Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội

Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an, được Trung ương giới thiệu để Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch nước. Ông Trần Thanh Mẫn được giới thiệu để bầu Chủ tịch Quốc hội.

Đông Nam bộ đủ nước cho vụ hè thu

Đông Nam bộ đã bắt đầu bước vào mùa mưa. Mực nước hiện tại ở các hồ chứa trong khu vực có khả năng đáp ứng đủ cho sản xuất vụ hè thu.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cựu binh Đồi A1 & ký ức 'máu trộn bùn non'

Tròn 70 chiến thắng Điện Biên Phủ nhưng những đồng đội, những nắm cơm, những chiến hào 'máu trộn bùn non'… vẫn còn mãi trong tâm trí nhà giáo ưu tú Đỗ Ca Sơn.