| Hotline: 0983.970.780

Di dời công trình vi phạm hành lang đê điều: "Dậm chân tại chỗ"

Thứ Hai 27/12/2010 , 09:36 (GMT+7)

Theo thống kê của Cục QLĐĐ-PCLB, từ khi luật có hiệu lực đến nay đã có trên 3.200 vụ vi phạm về bảo vệ và sử dụng đê điều.

Cuối tuần qua, Cục Quản lí đê điều và phòng chống lụt bão (QLĐĐ-PCLB, Tổng cục Thủy lợi) đã chủ trì hội nghị cùng 44 tỉnh thành có đê tổng kết 3 năm thực hiện Luật Đê điều. Dù đã có Nghị định và các văn bản hướng dẫn thực hiện luật khá chu đáo, tuy nhiên, vẫn còn “độ vênh” rất lớn giữa nhiều quy định về quản lí, bảo vệ đê điều với thực tế.  

Theo thống kê của Cục QLĐĐ-PCLB, từ khi luật có hiệu lực đến nay đã có trên 3.200 vụ vi phạm về bảo vệ và sử dụng đê điều. Trong đó, chỉ có hơn 530 vụ, chiếm 17% tổng số vụ vi phạm đã được xử lí. Riêng tại Hà Nội tính đến tháng 11/2010 đã có hơn 1.100 vụ vi phạm, nhưng cũng chỉ mới xử lí được chưa đầy 220 vụ. Như vậy, khoảng 85% số vụ vi phạm đến nay vẫn “treo”, mà nguyên nhân chủ yếu, theo phản ánh của các địa phương là đều liên quan đến vấn đề giải tỏa vi phạm hành lang bảo vệ đê và sử dụng đất bãi sông khi Luật Đê điều có hiệu lực.

Cụ thể, theo Điều 27 của Luật Đê điều và trong Nghị định 129/2007/NĐ-CP quy định việc xử lý công trình và nhà ở nằm trong phạm vi bảo vệ đê và bãi sông thì kể từ ngày 1/7/2007, công trình và nhà ở nào nằm trong khu vực đang bị sạt lở thì phải di dời ngay. Các công trình, nhà ở nằm trong phạm vi bảo vệ đê điều thì buộc phải di dời trong thời gian tối đa 2 năm (tính từ ngày 1/7/2007). Những công trình, nhà ở khác không phù hợp với quy hoạch (như quy hoạch sử dụng đất, phòng chống lũ...) đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt thì phải tổ chức di dời trong thời gian tối đa là 5 năm kể từ ngày Luật Đê điều có hiệu lực.  

Như vậy đến nay, thời hạn di dời đối với hầu hết các công trình nằm trong phạm vi bảo vệ đê đã hết. Tuy nhiên, báo cáo của các địa phương thì tiến độ thực hiện đến thời điểm này gần như “dậm chân tại chỗ”. Vướng mắc lớn nhất trong việc thực hiện quy định này, là do đa số các công trình nằm trong hành lang bảo vệ đê đều đã được các địa phương cấp quyền sử dụng đất và cấp phép xây dựng ổn định lâu dài. Trong khi đó, nhu cầu quỹ đất tái định cư và kinh phí đền bù tái định cư so với ngân sách của các địa phương là không nhỏ. Thậm chí có nơi, tiền đền bù giải tỏa mặt bằng còn cao hơn cả kinh phí xây dựng công trình đê điều.  

Luật Đê điều năm 2007 quy định hành lang bảo vệ đê cấp đặc biệt, cấp I; II; III đi qua khu vực khu dân cư, khu đô thị và khu du lịch là 5m về phía sông và 5m về phía đồng. Ông Lưu Văn Hải – PGĐ Sở NN-PTNT TP Hà Nội nêu ý kiến: chỉ có cách xây đường giao thông dọc theo các tuyến hành lang bảo vệ đê này với chiều rộng trên 5m thì mới chống được nạn xây dựng lấn chiếm hành lang bảo vệ đê tại các thành phố lớn như Hà Nội hiện nay.
Đơn cử như tại Hải Phòng, theo Chi cục QLĐĐ-PCLB cho biết thì đến nay toàn thành phố có tới trên 5.000 trường hợp vi phạm hành lang bảo vệ đê. Trong khi đó, hầu hết các công trình này đều đã được các địa phương cấp quyền sử dụng đất, hoặc cho thuê đất ổn định. Để giải quyết số lượng vi phạm này cần phải có kinh phí ít nhất là 9.000 tỉ đồng. Đây là số tiền nằm ngoài khả năng của một địa phương có thể gọi là “giàu” như Hải Phòng. Để giải quyết được vấn đề này, Cục QLĐĐ-PCLB cho biết, hiện đang hoàn tất việc điều tra thống kê thực trạng công trình, nhà ở trong phạm vi bảo vệ đê, trình Bộ NN-PTNT và Chính phủ vào cuối năm 2010 để Chính phủ phê duyệt chương trình di dời hỗ trợ cho các địa phương. Trong khi đó, nhiều ý kiến đề nghị: hoặc là các địa phương tuyệt đối không được cấp đất thuộc phạm vi bảo vệ đê giao lâu dài cho dân, hoặc là thời gian tới cần phải sửa đổi luật.  

Cũng liên quan đến việc cấp phép, quản lí đất bãi sông, ông Lưu Văn Hải – PGĐ Sở NN-PTNT TP Hà Nội nêu thực trạng bức xúc là chính quyền nhiều địa phương cấp phép bừa bãi, vi phạm Luật Đê điều. Đơn cử như vụ sụt lún nghiêm trọng bãi sông đê hữu Hồng (TX Sơn Tây) vào tháng 10/2010 có nguyên nhân xuất phát từ việc chính quyền cơ sở ký cả hợp đồng cho phép DN sử dụng đất bãi làm nơi khai thác tập kết cát sỏi. Có nơi, ngành TN-MT cấp phép cho các các DN không hề có kho bãi tập kết cát sỏi, sau đó để mặc DN tập kết cát sỏi ngoài bãi sông khiến nguy cơ sụt lún rất nguy hiểm. 

 Không những thế, hiện nay ngành TN-MT thì cấp phép khai thác VLXD, ngành GTVT thì cấp phép khai thác cảng, bến bãi, ngành nông nghiệp lại kiểm soát lũ và đê điều... nên gây rất nhiều chồng chéo trong quản lí xử lí vi phạm. Chi Cục trưởng Chi cục QLĐĐ-PCLB Hải Phòng minh chứng thêm: “Đất đai bây giờ có giá, nên người ta biết phạm luật vẫn cố làm. Vì xử lí vi phạm hành chính thì chỉ có cao nhất 2-30 triệu đồng là cùng, mà chỉ được phạt có một lần. Có khi, ngành đê điều chưa kịp phạt thì ngành xây dựng, ngành TN-MT cũng đã phạt trước rồi, nên họ vi phạm Luật Đê điều cũng đành bó tay”.

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Xuất khẩu lô thuốc thú y đầu tiên sang thị trường Hồi giáo

BẮC NINH Công ty CP Đầu tư và Phát triển công nghệ sinh học Visakan, thuộc Hùng Nhơn Group vừa tổ chức Lễ xuất khẩu lô hàng thuốc thú y đầu tiên sang thị trường Hồi giáo.

Có một ngôi làng Nam bộ bên dòng sông Thu Bồn

QUẢNG NAM Trồng đủ các loại cây trái có giá trị, kinh tế vườn giúp cho hơn 80% hộ dân ở làng Đại Bình thu nhập từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Năng suất sắn tăng 30 - 50% nhờ tưới tiết kiệm

Tại Tây Ninh, áp dụng tưới tiết kiệm đã giúp cây sắn tăng năng suất từ 30 - 50% (đạt 40 - 50 tấn/ha), giảm 40% lượng nước tưới so với tưới tràn.