| Hotline: 0983.970.780

Đi xe máy cả trăm kilomet tiêm cho đàn vật nuôi

Thứ Năm 08/08/2024 , 10:19 (GMT+7)

Rủi ro nghề nghiệp, đi xe máy cả trăm kilomet tiêm cho vật nuôi, song cán bộ thú y vùng cao luôn nêu cao trách nhiệm công việc.

Cán bộ thú y hướng dẫn người dân vùng cao khử trùng tiêu độc xung quanh chuồng trại. Ảnh: HĐ.

Cán bộ thú y hướng dẫn người dân vùng cao khử trùng tiêu độc xung quanh chuồng trại. Ảnh: HĐ.

Công tác phí không đủ tiền đổ xăng xe

Bát Xát là huyện vùng cao biên giới phía Tây Bắc tỉnh Lào Cai. Sinh sống ở đây chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số. Cuộc sống của bà con phụ thuộc trồng cấy, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Chính vì vậy, việc phòng, chống dịch bệnh cho những đàn vật nuôi này đối với bà con rất quan trọng. Mỗi con trâu, con bò, con dê đối với bà con là cả một gia tài.

Ông Nguyễn Quang Chiến, Phụ trách Trạm Chăn nuôi Thú y huyện Bát Xát chia sẻ, Trạm có 5 biên chế nhưng chưa kiện toàn được chức danh Trạm trưởng và Phó. Bát Xát có 20 xã, thị trấn, công việc hiện chia đều cho tất cả. Mỗi người chịu trách nhiệm khoảng 4 xã. Ở Bát Xát, hầu hết là xã vùng cao nên không có xã nào sướng hơn xã nào.

Cũng theo người phụ trách Trạm, ngoài lương viên chức, khoản phụ cấp duy nhất đối với cán bộ thú y là công tác phí. Mỗi người được hưởng 250.000 đồng/tháng. Với khoản tiền này dùng để đổ xăng xe máy đi xã, đi thôn thôi cũng không đủ.

Từ trung tâm huyện Bát Xát tới xã xa nhất đến cả trăm cây số, đường đèo dốc. Vào mùa mưa, những cung đường miền núi nên thơ trở nên nguy hiểm, mưa lũ, sạt lở bất thình lình xảy ra.

Ông Vũ Ngọc Hứa, cán bộ thú y Trạm Bát Xát nhớ lại chuyến công tác hãi hùng, suýt bị lũ cuốn trôi sau khi đi tiêm ở xã Mường Hum và Sàng Ma Sáo. Trên đường về, nước đổ dồn, may mắn mấy anh em cùng đi kịp thời kéo lên, không cả xe và người trôi xuống vực.  

Đến xã, rồi phải đi thôn, đường sá hiện nay đã được bê tông hóa nhưng đi lại vẫn khó khăn, mất nhiều thời gian. Các hộ dân lại ở rải rác, dọc những con đường mòn, triền núi.

"Có những nơi, những xã phải tiêm vào buổi tối, soi đèn pin. Tiêm buổi trưa nắng, trâu bò đi cày, nếu phản ứng thuốc sẽ bị bắt đền... Xã ở xa đương nhiên không thể đi về trong ngày mà ăn, ngủ nhờ nhà dân. Tuy nhiên, cứ được phân công là anh em ở Trạm lên đường, bám sát địa phương, nắm bắt tình hình, đảm bảo không để bùng phát dịch bệnh", ông Nguyễn Quang Chiến tâm sự.

Hằng năm, Trạm Chăn nuôi Thú y Bát Xát triển khai 2 đợt tiêm phòng vacxin phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm của người dân. Một đợt triển khai vào tháng 3-4, còn lại triển khai vào tháng 9-10. Theo Nghị quyết số 26/2020/NQ-HĐND ngày 4/12/2020 của HĐND tỉnh Lào Cai quy định một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh thì 100% vacxin lở mồm long móng, tụ huyết trùng trâu bò, lợn, cúm gia cầm, vacxin phòng bệnh dại... được miễn phí. Thế nhưng, do nhận thức, vẫn có những hộ dân không chịu tiêm phòng cho đàn vật nuôi.

Cán bộ thú y huyện Bát Xát tiêm phòng cho đàn vật nuôi. Ảnh: HĐ.

Cán bộ thú y huyện Bát Xát tiêm phòng cho đàn vật nuôi. Ảnh: HĐ.

Bỏ tiền mua trâu về chữa bệnh

Trước kia, việc tiêm phòng vacxin gia súc, gia cầm ở vùng cao Bát Xát gặp rất nhiều khó khăn, không chỉ do đường sá mà nhận thức người dân khi đó còn chưa cao.

Ông Vũ Ngọc Hứa gắn bó gần 30 năm với vùng cao này nhớ lại, những năm 90, việc thuyết phục bà con tiêm phòng cho con trâu, con bò khó lắm. Bà con bảo, tiêm vacxin làm con trâu, con bò gầy yếu đi, khó đẻ, rồi đến cả trâu đực... cũng bị xảy thai. Thế nhưng, đấy là cái lý của bà con.

Tháng 2/1992, tại xã Dền Sáng bùng phát dịch tụ huyết trùng la liệt, làm chết 74 con trâu. Con trâu lúc đó là tài sản lớn của người dân vùng cao. Trâu ốm, có hộ mời thầy về cúng, nhưng trâu vẫn không khỏi mà lăn ra chết.

Những con trâu chết được đem đi tiêu hủy, bà con xót xa lắm. Tuy nhiên, trâu ốm, bà con nhất định không chịu cho cán bộ thú y điều trị. Lúc đó, ông Hứa và một nữ cán bộ khác quyết định góp tiền mua con trâu ốm đem về chữa bệnh.

Khi trâu khỏe mạnh, hộ dân đó nhất định đòi xin mua lại, số tiền bằng đúng với giá bán, 500.000 đồng, không lãi một đồng.

Thế nhưng, sau vụ việc đó, bà con ở Dền Sáng nói riêng và Bát Xát nói chung dần thay đổi nhận thức, sẵn sàng tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm, tin tưởng vào cán bộ thú y.

Hiện, mỗi năm Trạm Chăn nuôi Thú y huyện Bát Xát triển khai hàng chục nghìn mũi tiêm vacxin phòng bệnh cho đàn vật nuôi. Tỷ lệ tiêm ngày càng cao thì số gia súc, gia cầm nhiễm bệnh ngày càng giảm.

Cá biệt, có hộ thấy lâu không bùng phát dịch bệnh lại không cho tiêm phòng. Cán bộ thú y đến nhà, tờ mờ sáng, họ đã sai con mở cửa chuồng, lùa trâu lên rừng ăn cỏ... để trốn tiêm phòng.

"Cầm phích đá trên tay, nặng 4-5kg, đi đến từng nhà mà không tiêm được, cán bộ, nhân viên thú y và trưởng thôn cũng oải lắm. Cơ bản phải tuyên truyền, vận động để người dân thấy được hiệu quả của việc tiêm phòng cho đàn vật nuôi. Vận động người nuôi thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, vệ sinh, khử khuẩn chuồng trại... để tránh lây lan bệnh dịch", ông Nguyễn Quang Chiến chia sẻ.

Nhờ đó, những tháng hè, thời tiết nóng ẩm, nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm rất cao. Song, đến thời điểm hiện nay, địa bàn huyện Bát Xát chưa phát sinh ổ dịch nghiêm trọng.

Qua tuyên truyền, vận động người dân vùng cao Bát Xát đã biết cách chăm sóc đàn vật nuôi của gia đình. Ảnh: HĐ.

Qua tuyên truyền, vận động người dân vùng cao Bát Xát đã biết cách chăm sóc đàn vật nuôi của gia đình. Ảnh: HĐ.

Người làm chủ tịch xã, người bỏ làm phụ hồ

Mỗi kỳ tiêm, cán bộ thú y sẽ tham mưu cho chính quyền địa phương để ra các văn bản tuyên truyền, vận động bà con thực hiện nghiêm tiêm phòng cho đàn vật nuôi.

Tuy nhiên, công tác tiêm phòng không vì thế mà đã vẹn toàn. Theo ông Nguyễn Quang Chiến, hiện chưa có chi phí làm gióng giá giữ trâu bò khi tiêm. Trước đây, có trường hợp đã bị trâu húc chấn thương, xi lanh tiêm chứa vắc xin cắm vào chân phải nhập viện.

Cách đây nhiều năm, ông Trần Văn Thọ, nhân viên thú y xã Trịnh Tường đang hì hụi tiêm, bất chợt con trâu lồng lên, húc vào bụng. Chi Cục thú y tỉnh đã phải điều ngay một chuyến xe đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai. Một năm sau, người này quyết định nghỉ việc, phần vì thu nhập của nghề quá thấp.

Hiện, ông Hà Văn Tuyền được thay thế làm nhân viên thú y xã Trịnh Tường. Tuy vậy, mỗi tháng chỉ hưởng vỏn vẹn khoản phụ cấp 1.980.000 đồng. Từ ngày 1/7, khoản phụ cấp tăng lên theo lương cơ sở, nhưng cũng chỉ được 2.574.000 đồng/tháng.

Ông Nguyễn Văn Tâm, cán bộ thú y của trạm, nắm địa bàn các xã Y Tý, Trịnh Tường, Nậm Chạc, A Lù cho hay, để duy trì cuộc sống, một số nhân viên thú y phải kiếm việc ngoài. Người làm phụ hồ, người làm bốc vác để có thêm thu nhập trang trải sinh hoạt gia đình. Chính vì vậy, mỗi đợt triển khai tiêm phòng ở xã, họ phải bỏ ngang công việc hoặc chấp nhận mức thu nhập. Thế nhưng, đội ngũ nhân viên thú y xã lại đang giữ vai trò quan trọng, cùng cán bộ thú y của trạm triển khai tiêm phòng đạt tỷ lệ cao.

Theo ông Nguyên Quang Chiến, vacxin là kháng thể sống cho gia súc nên việc tiêm vào người rất độc hại, mặc dù cán bộ, nhân viên thú y được trang bị bảo hộ lao động, song khó tránh khỏi những tai nạn nghề nghiệp... Nhưng công việc của cán bộ, nhân viên thú y vùng cao đầy thử thách, đòi hỏi nhiều kỹ năng, kiến thức chuyên môn, và đối mặt khó khăn trong cuộc sống song không vì thế quên đi trọng trách của mình.

"Dù vất vả, nguy hiểm nhưng cán bộ thú y cũng có những cơ hội thăng tiến ở địa phương. Ông Lù A Hòa, trước đây trong quá trình tiêm bị trâu húc văng xi lanh và cắm vào chân phải nằm viện suốt một tuần. Quá trình công tác, nhiệt huyết, trách nhiệm với công việc, ông Lù A Hòa hiện được bổ nhiệm giữ chức vụ Chủ tịch UBND xã Nậm Chạc", ông Nguyễn Văn Tâm chia sẻ.

Xem thêm
Khánh thành trang trại chăn nuôi lợn thông minh 3 triệu USD Hàn Quốc tài trợ

NINH BÌNH Sáng 6/9, Bộ NN-PTNT phối hợp Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Nông thôn Hàn Quốc tổ chức Lễ khánh thành Trang trại chăn nuôi lợn thông minh tại Tam Điệp, Ninh Bình.

Ruộng vườn tả tơi sau bão

HẢI PHÒNG Rảo quanh các địa phương tại Hải Phòng chiều 8/9, khắp nơi ruộng đồng tả tơi, những vườn chuối, những đồng lúa nát bươm sau bão...

Nhà khoa học thăm mô hình dùng bèo hoa dâu nuôi cá

HÀ NỘI Tranh thủ ngày nghỉ Quốc khánh, PGS.TS Nguyễn Thị Trâm, TS Ngô Kiều Oanh, TS Phạm Gia Minh, TS Đỗ Thị Thanh Vân đã đi thăm mô hình dùng bèo hoa dâu để nuôi cá.