Lái xe, tiểu thương bất ngờ khi lực lượng chức năng.... làm việc
Sau khi Báo Nông nghiệp Việt Nam đăng tải loạt bài “Canh cánh nỗi lo từ chợ đầu mối gia cầm Hải Bối", thời điểm 19 giờ tối ngày 22/7, tại các chốt bảo vệ, chốt kiểm tra thú y không còn cảnh “vườn không nhà trống” như trước.
Theo quy định, gia cầm trước khi nhập vào chợ, khâu quan trọng nhất là kiểm tra để cắt kẹp chì. Công việc này phải do cán bộ thú y thực hiện.
Những ô tô lớn nhỏ chở gia cầm ra vào chợ trước đó không phải qua ải kiểm dịch, nay công tác kiểm tra, kiểm soát, phun khử trùng khử khuẩn được cán bộ thú y thực hiện đầy đủ trong sự ngỡ ngàng của nhiều người. Bởi chỉ cách đó một ngày, các xe chở gia cầm vẫn cứ bon bon vào chợ.
Ông T.V.T, lái xe chở gia cầm tỏ ra bất ngờ, nói với phóng viên rằng, trước đó việc kiểm tra như thế này hoàn toàn không có, nay tự nhiên làm vậy chắc là có đoàn kiểm tra.
“Mới hôm qua, hôm kia xe vẫn bon bon đi vào chợ, chả có ai kiểm tra cả. Nay tự nhiên lại đòi xem giấy tờ kiểm dịch, nguồn gốc gia cầm với phun khử khuẩn. Chắc có đoàn kiểm tra về nên mới làm chặt như vậy. Trước đây chúng tôi đi vào thoải mái quen rồi”, ông T nói thẳng.
Không chỉ các lái xe chở gia cầm tỏ ra ngạc nhiên về hoạt động kiểm tra, kiểm soát của lực lượng thú y mà các tiểu thương bán hàng tại chợ cũng ngạc nhiên khi thấy lực lượng công an, thú y, quản lý thị trường xuất hiện.
“Tôi buôn bán ở chợ nhiều năm nay, rất ít khi thấy đông đủ lực lượng chức năng như vậy. Bình thường, chỉ thấy mỗi bảo vệ với Ban quản lý chợ ngồi ở cổng để thu tiền ra vào”, bà T.T.H, tiểu thương ở chợ gia cầm Hải Bối chia sẻ.
Phải chăng, công tác kiểm soát gia cầm chỉ được cơ quan chức năng của huyện Đông Anh thực hiện khi có sự xuất hiện của phóng viên? Tìm đến Ban quản lý chợ, phóng viên không nhận được bất kỳ câu trả lời nào?!.
Tiếp tục ghi nhận tại các cơ sở giết mổ gia cầm ở chợ Hải Bối, những nồi chất lỏng màu vàng đặc là nhựa thông mà phóng viên đã phản ảnh trước đó vẫn đang được những cơ sở này sử dụng trong hoạt động giết mổ gia cầm.
Nay khi được hỏi lại, chất lỏng đó có phải nhựa thông hay không, tất cả các cơ sở giết mổ đều có chung một câu trả lời rằng, họ không rõ đó là chất gì, bởi vì mua qua mạng và được người bán khẳng định rằng không độc hại nên chỉ biết vậy.
“Tôi mua ở trên mạng, thường mua theo thùng. Tôi chỉ biết người ta bảo là nó không nguy hiểm gì nên tôi cứ dùng thôi. Lúc bán cho tôi họ cũng có cho giấy tờ liên quan, tuy nhiên giờ tôi không cầm theo. Còn cụ thể giấy tờ đấy ghi như nào tôi cũng không đọc kỹ nên không nhớ”, ông N.V.T, chủ cơ sở giết mổ gia cầm ở chợ Hải Bối nói với phóng viên.
Phải kỷ luật cán bộ thú y để răn đe!
Liên quan đến hàng loạt bất cập tại chợ đầu mối gia cầm Hải Bối, huyện Đông Anh như: thiếu kiểm soát dịch bệnh, giết mổ gia cầm mất vệ sinh, nhồi nhét tăng trọng cho gà, ông Nguyễn Tử Cương, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Bộ NN-PTNT) chia sẻ, rất nhiều vấn đề ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe con người như ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước,… trong đó mất vệ sinh an toàn thực phẩm chiếm một phần không hề nhỏ.
"Vậy, nguyên nhân bắt đầu từ đâu? Bắt đầu từ chính những người được giao trách nhiệm kiểm soát an toàn dịch bệnh không hoàn thành nhiệm vụ, mà cụ thể ở chợ Hải Bối là cán bộ thú y phụ trách địa bàn. Với những cán bộ như vậy, cần phải có biện pháp kỷ luật mạnh tay, thậm chí là cho ra khỏi ngành", ông Cương nhấn mạnh.
Ông Cương chia sẻ thêm: “Không kiểm tra đâu biết rằng trong quá trình nuôi nó có nhiễm những mối nguy hại nào hay không? Những con gà, con vịt có ăn chất tăng trọng không? Có vừa mới sử dụng các loại kháng sinh không? Đó là những chất gây hại cho người, thú y không biết, vì thiếu kiểm soát".
Từ việc cán bộ thú y địa phương thiếu trách nhiệm trong kiểm soát đầu vào gia cầm, dẫn đến hàng loạt hệ lụy về sau. Theo ông Cương, các khu chợ gia cầm nếu không có sự kiểm soát chặt chẽ rất dễ trở thành nguồn lây lan dịch bệnh. Trong đó, nhiều bệnh có khả năng truyền nhiễm sang người thông qua đường hô hấp như cúm A/H5N1, A/H7N9, A/H5N6,… từ đó dễ dẫn đến bùng phát dịch bệnh trong cộng đồng trên diện rộng.
Ông Cương cũng khẳng định, việc giết mổ, vận chuyển gia cầm đi tiêu thụ ở chợ Hải Bối không đạt yêu cầu, bởi 4 lý do chính: Thứ nhất, không có khu giết mổ riêng biệt. Thứ hai, gà, vịt giết mổ phải để ở trên giàn cao, không được để ở dưới đất, dưới nền, nơi con người đi lại. Thứ 3 là người giết mổ không có đồ bảo hộ lao động.
Cuối cùng là gà, vịt thành phẩm phải được vận chuyển trong xe lạnh, nhiệt độ từ 4 độ C đến 8 độ C. Việc mất vệ sinh trong giết mổ gia cầm tại chợ sẽ tạo cơ hội để virus, vi khuẩn phát triển, gây ra dịch bệnh.
“Người ta làm thịt con gia cầm ngay trên nền nhà, giày dép đi lại, bụi bẩn như vậy, xong gia cầm lại ném vào đấy như vậy là không an toàn thực phẩm. Cống rãnh thoát nước ngay bên cạnh và không xử lý, rất mất vệ sinh. Người giết mổ không có bảo hộ lao động, trong quá trình làm việc, nói chuyện nước bọt bắn ra, đấy là nguồn cho virus, vi khuẩn sinh sôi”, ông Cương nói với phóng viên.
Cũng theo chuyên gia này, việc mất vệ sinh an toàn thực phẩm không chỉ mới diễn ra. Để đảm bảo sức khỏe của người tiêu dùng, các cơ quan chức cần có nhiều biện pháp mạnh tay hơn, việc đánh đổi sức khỏe con người để lấy lợi nhuận là hành vi đáng lên án.
Trở lại với câu chuyện ở chợ gia cầm Hải Bối, phóng viên sẽ tiếp tục liên hệ với UBND huyện Đông Anh để tìm hiểu rõ trách nhiệm của các cơ quan liên quan trước những bất cập đang tồn tại ở khu chợ đầu mối quan trọng cung cấp thực phẩm của Thủ đô này.