| Hotline: 0983.970.780

Thay đổi tập quán chăn nuôi ở miền núi: [Bài 1] Hành trình đưa bò vào chuồng

Thứ Ba 23/07/2024 , 06:00 (GMT+7)

GIA LAI Từ thói quen thả rông trên núi, đến nay, đàn bò của xã Ia Tô, huyện Ia Grai đã có chuồng để ở, được chăm sóc bởi các dịch vụ thú y bài bản.

Sau khi cho bò ăn xong, chuồng sẽ người nhà  được vệ sinh sạch sẽ. Ảnh: Đăng Lâm.

Sau khi cho bò ăn xong, chuồng sẽ người nhà  được vệ sinh sạch sẽ. Ảnh: Đăng Lâm.

Đổi phân lấy chuồng bò

Chuồng bò của gia đình ông Puih Mur, người J’rai ở làng Krung (xã Ia Tô, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) nằm sau vườn nhà với chiều rộng tầm 7m, chiều dài hơn 10m, được chia làm hai ngăn, một ngăn nhốt 12 con bò lớn bé, ngăn nhỏ hơn dùng để đựng phân bò thải ra.

Puih Mur cho biết, chuồng bò này được làm cách đây hai năm, cũng là chừng ấy năm đàn bò của gia đình ông chính thức có “nhà” để ở. Trước đó, khi chưa có chuồng, đàn bò của gia đình ông tối về quây quần trong cái hàng rào lưới bao quanh vườn, đêm mưa lạnh không có mái che, sinh ra dịch bệnh. Bò chết mà bà con không biết do bệnh gì.

Theo ông Puih Mur: “Chuồng bò này do anh em người Kinh làm giúp đấy. Không biết là làm cái chuồng này hết bao nhiêu tiền, chỉ biết là lượng phân bò thải ra mình lấy một nửa, còn một nửa trả công làm chuồng, cũng vừa trả xong từ hai tháng trước”.

Cũng theo Puih Mur, khoảng sau tám giờ sáng, bầy bò được thả ra đồng ăn cỏ, ở nhà có người cào phân từ ngăn nhốt bò sang ngăn chứa phân. Cào hết phân, ngăn nhốt bò được xịt nước lau rửa sạch sẽ. Thỉnh thoảng, gia đình lại tìm vỏ trấu, cà phê, hoặc cắt cỏ băm nhỏ, trộn vào phân bò làm phân bón cho cây trồng.

Anh Puih Blíu cho bò ăn dặm thêm cỏ ở nhà. Ảnh: Đăng Lâm.

Anh Puih Blíu cho bò ăn dặm thêm cỏ ở nhà. Ảnh: Đăng Lâm.

Cũng ở làng Krung, gia đình anh Puih Blíu có chuồng bò làm từ gần ba năm trước, nuôi 14 con bò. Chuồng bò của nhà Blíu cũng giống như chuồng bò của Puih Mur với hai ngăn, gồm ngăn nhốt bò và ngăn chứa phân. Phương thức làm chuồng cũng... “đổi phân để lấy chuồng”.

Puih Blíu cho biết, trước đây, bò của gia đình anh tối về thả rông ngoài vườn, lượng phân rơi vãi tận dụng không được bao nhiêu. Còn bây giờ phân bò đủ bón cho ruộng lúa nước 2 sào (1 sào 1.000m2), bón cho khoảng hai sào cà phê và 300 cây điều, sầu riêng. “Nhờ lượng phân bò này mà ruộng lúa, vườn cây của gia đình tốt hơn lên, lại không tốn tiền mua phân bón ở ngoài, vườn nhà cũng được sạch sẽ hơn”, Blíu nói.

Thôn trưởng làng Krung, anh Rơ Châm A Lang, cho biết: “Với cách làm đổi phân lấy chuồng mà làng Krung giờ đây đã khang trang, sạch sẽ hơn trước rất nhiều. Cả làng có 140 hộ với 675 nhân khẩu, có khoảng tám mươi phần trăm hộ gia đình có bò, trong đó chỉ còn hai hộ là chưa làm được chuồng kiên cố”.

Hành trình đưa bò xuống núi

Thôn trưởng Rơ Châm A Lang kể, trước kia, người làng Krung chỉ biết thả rông bò trên núi. Lúc anh mới nhận chức trưởng thôn, cả làng Krung có khoảng 600 con bò, ngày lang thang gặm cỏ, khát nước xuống suối, trưa nắng đầm mình dưới những khe suối cạn, đêm ngủ lại trong núi... Cuối tuần, người làng lũ lượt kéo nhau lên núi thăm bò để kiểm đếm và nhận bò của gia đình mình.

Mỗi lần lên núi thăm bò, bà con thường mang theo muối cho bò ăn để bổ sung muối và để bò làm quen với chủ, nhận ra chủ, không lẫn với bò của gia đình khác. “Mỗi khi lên núi, lúc cho bò ăn muối, hễ con nào đi theo ai là bò của gia đình đó. Chắc do lên thăm hàng tuần nên ... nhớ mùi mồ hôi của chủ”, A Lang nói.

Cũng theo A Lang, có không ít trường hợp bò bị lạc và mất luôn. Có lần bò lang thang trong núi, vào ăn trụi rẫy mỳ của làng khác. Người làng bên sang làng Krung bắt đền, dân làng Krung đền cho làng bên bằng cách... đếm đầu bò của cả làng, nhà nào ít bò đền ít, nhà nhiều bò đền nhiều. “Bởi không biết bò của nhà ai vào phá rẫy mỳ làng bên, nên cả làng cùng góp lại đền. Nhớ có lần, cả làng phải góp trên một trăm triệu để đền cho mấy rẫy mỳ làng bên”, A Lang nói.

Người dân đã ý thúc hơn về việc nuôi bò trong chuồng. Ảnh: Đăng Lâm.

Người dân đã ý thúc hơn về việc nuôi bò trong chuồng. Ảnh: Đăng Lâm.

Cũng có trường hợp bò bị dính bẫy, hoặc có con vì “tham ăn” mà chui đầu vào khe đá gặm cỏ non, mắc kẹt không thoát ra được. Cuối tuần lên thăm bò, thấy bò chết, bà con xẻ thịt ăn uống tại chỗ, một phần thịt để dành đưa về làng cho những người hôm ấy không lên núi thăm bò.  

Theo A Lang, “nuôi bò trên núi là phong tục của bà con từ xưa đến giờ, tuy không mất công chăn thả, nhưng không hiệu quả bằng những nơi khác ngày thả đi ăn, tối lùa về nhốt ở chuồng nhà. Nuôi bò nhốt chuồng không bị mất bò, lại quản lý được dịch bệnh, còn tận dụng được nguồn phân dùng bón cho cây trồng nữa”.

Biết là vậy, nhưng vận động bà con làm chuồng để tối lùa bò về là rất khó, bởi đã là phong tục, là niềm vui khi mỗi cuối tuần lại được mang muối và cả rượu lên núi thăm bò. Chỉ đến khi các doanh nghiệp tổ chức trồng cây keo trên núi, đồng cỏ cạn dần, bà con mới lục tục đưa bò về làng, nhưng tối đến cũng chỉ thả rông trong vườn nhà. “Chỉ khoảng ba năm trở lại đây, sau nhiều lần vận động, bà con mới bắt đầu làm chuồng kiên cố để nhốt bò, lấy phân bò bón ruộng lúa, vườn cây và để tiêm phòng chống dịch”, anh Võ Thư Hoàng, nhân viên thú y xã Ia Tô cho biết.

Cũng theo anh Hoàng, khoảng 3 năm trước, đàn bò của làng Krung có khoảng 350 con, giờ còn khoảng trên 200 con. Đàn bò của làng giảm là do bà con bán dần để đầu tư vào vườn cây ăn quả và xây nhà kiên cố. “Những năm trước, mỗi năm đàn bò của bà con được tiêm phòng 3 lần, gồm 2 mũi lở mồm long móng, 1 mũi tụ huyết trùng, nay chỉ tiêm 1 mũi tụ huyết trùng và 1 mũi lở mồm long móng”, anh Hoàng cho biết thêm.

Nhờ được nuôi nhốt trong chuồng sạch sẽ nên từ nhiều năm nay, đàn bò của xã Ia Tô không xuất hiện dịch bệnh, bò khỏe mạnh, mang lại nguồn thu đáng kể cho bà con.

Huyện Ia Grai có đàn bò trên 15.000 con (khoảng 10% là bò lai), trong đó có trên 90% số hộ có bò đã làm chuồng nuôi kiên cố và khoa học. Kết quả trên là nhờ vào công tác tuyên truyền, vận động của ngành nông nghiệp, của cán bộ thú y, và của chính quyền địa phương các cấp.

“Từ khi có chuồng nuôi nhốt, đàn bò của huyện không có trường hợp bị chết do ăn phải mủ cao su, tránh xa các cánh đồng sử dụng thuốc diệt cỏ, thuốc bảo về thực vật. Bên cạnh đó, công tác thú y được thực hiện bài bản nên từ năm 2018 đến nay, huyện chưa ghi nhận ổ dịch nào trên đàn bò”, ông Ngô Nhạc Lâm, viên chức phụ trách thú y, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ia Grai chia sẻ.

6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh Gia Lai có 13.500 con trâu, đạt trên 93% kế hoạch, giảm 13%, đàn bò hơn 471.000 con, đạt 95% kế hoạch, tăn 12% so với cùng kỳ. Trong đó, bò chăn nuôi theo hình thức công nghiệp, trang trại chiếm 17,6%, bò lai chiếm 46,8% và bò ngoại chiếm 14,8%.

Xem thêm
Hậu Giang 'phủ kín' cán bộ thú y 3 cấp từ tỉnh đến xã

Lực lượng thú y được kiện toàn từ tỉnh đến cơ sở theo 3 cấp, đảm bảo nhân lực phòng, chống dịch bệnh trong chăn nuôi và tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm.

Đưa phân bón hữu cơ vi sinh vào ruộng lúa, lợi nhuận tăng 6,5 triệu đồng/ha

KIÊN GIANG Sử dụng phân bón hữu cơ kết hợp vi sinh xử lý nhanh rơm rạ tại ruộng giúp bổ sung dinh dưỡng cho đất, giảm chi phí đầu tư, tăng hiệu quả sản xuất lúa.

Chuyển giao giống cà phê chất lượng cao phục vụ tái canh

ĐẮK LẮK Bên cạnh công tác nghiên cứu, việc chuyển giao giống cà phê cho người dân, doanh nghiệp được Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên chú trọng.