| Hotline: 0983.970.780

Đìa đi, cá đìa

Thứ Bảy 20/04/2019 , 09:15 (GMT+7)

Khi vị nắng không còn so se lạnh, khi những cây xoài ra nhiều lá non và khi gió đồng ngát hương, các chị bắt đầu cảm giác nôn nao quen thuộc. Như bắt buộc, như hẹn hò, mà như hành xác. Đi. Mùa đìa, đi mua đìa, đi chụp đìa, đi làm mắm.

Miền Tây đặc thù ngập úng nhiều nên còn có những từ riêng đặc thổ ngữ. Lung, bưng, trấp, xẻo, đìa. Đìa không tự nhiên mà thành. Trong một vùng nửa úng nửa cạn rõ rệt, người ta sẽ đào đìa để đón lõng cá đồng vào. Vùng U Minh Thượng nổi tiếng nhiều đìa từ hệ thống kênh đào bàn cờ mà người Pháp đã kịp hoàn chỉnh chúng trước khi bị đánh đổ. Tràm, mật ong, than bùn, nước phèn, khỉ đuôi dài, dớn choại và… cá đìa là đặc sản trứ danh của vùng đất mênh mông này.

Cảnh chụp đìa (Ảnh minh họa)

Các chị ở nơi sông Hậu bị nước biển xâm lấn suốt mùa khô. Đất xì phèn, cá nước ngọt không dám bén mảng đến môi trường nước lợ. Và con người phải có cá mắm để cầm cự. Vậy là rủ nhau đi, đàn ông đứng ngoài, đàn ông ở nhà việc đồng việc bãi, đàn bà đi thành hội bằng tam bản máy đuôi tôm. Đi riết thành ngày hội, thành nhịp mùa, thành những ngày xổ lồng chòng chành riêng tư chỉ có họ biết và ký ức biết.

Tam bản lớn không mui để dễ xoay xở. Những hàng khạp choán hết lòng ghe. Dưới sạp lái là đồ lề lủ khủ cho ăn ở hàng tuần hoặc nửa tháng. Trên sạp luôn có ít nhất hai người thay nhau cầm cần máy đuôi tôm. Hai bà kia ngồi cho cân đi, sửa mấy bao muối nữa. Bà ngồi mũi, tranh thủ nằm đi, lấy nón lá đậy trên mặt á. Ba người phía ấy tụm vào với huyên thuyên, tội gì nằm, ngã ba Giáp Nước sóng gió chập chã, nơi hai nhánh Nước Trong Nước Đục đổ vào để ào ào ra biển. Mũi ghe gập gềnh mặt sóng, lòng người mở ra, con đường này các má đã mở ra, những cái đìa quen, những dòng kênh đầy lau sậy và những người đàn ông không lạ. Những người đàn ông thời của các má đã lên lão, những gã con trai của họ tấn lên rồi thành đàn ông trụ cột, trang lứa với những phụ nữ đang vượt đường đến với cá đìa của họ đây.

Gò Quau, rồi Rạch Sỏi. Miệt Thứ là miệt rừng lẫn với rẫy được chính quyền thuộc địa khấp khởi định danh, bên trong đó là những con kênh cách nhau cây số ngàn. Thứ Ba, Thứ Bảy, Thứ Chín, Thứ Mười Một… Những người có chồng đi kháng chiến ở U Minh đã từng đánh đường qua đây để vào với họ tận sông Trẹm. Nhưng con cá và những cái đìa là một câu chuyện khác.

Càng vào sâu càng heo hút, hứa hẹn thương lái chưa tranh phần với họ. Dọc đường các chị đã lên bờ ở khoảng Tắc Cậu để nấu nướng ăn cơm xế. Củi bó chuẩn bị sẵn, một bến nước thơm thảo, thịt kho nhừ ăn kèm với cải dưa, ngon nhớ đời. Một buổi đường nữa, trời sập tối, cây gừa, chiếc tắc ráng đi máy dầu đậu dưới mái trại trong cái xẻo sâu. Kia rồi, ông bà chủ linh cảm chạy xuống mừng, vợ chồng người con trai trụ cột chạy xuống. Như họ hàng lâu ngày, nơi chim từng bầy vượn từng hú, giờ chỉ có đìa và lũ cá.

Vẫn dành đìa cho mấy bà, có dám bán đâu. Sáng sớm vô rừng liền hả, gấp vậy sao, chồng nhớ chồng ghen hả? Để còn gom mấy cha vần công năm ngoái chớ, Hai Ri, Tư Bốn, Bảy Thập, nhớ không? Bữa ăn ba trăm sáu mươi lăm ngày mới gặp rộn rã nói cười, mùi than bùn trầm tích xả láng trong bếp. Đàn bà ở đây sướng nhứt, không lo cá không lo củi, gì cũng sẵn trong rừng! Vợ trẻ của ông chủ trẻ cười hắc hắc: Đổi không, ai đổi đi, tui thích sông sâu nước bạc, ở đây cái gì cũng lững lờ, chán! Rộ cười, hứa hẹn còn vui nữa.

Tắc ráng cùng tam bản nối nhau lên ngàn, đồ đoàn như cắm trại. Những tay lưới dành cho cánh đàn ông. Những thùng tôn gò để rọng cá lóc. Những cần xé chứa cá tạp. Đìa sâu trong rừng, cách bờ ngàn hàng mấy trăm mét. Đàn ông nhảy ùm xuống, bốn người bốn góc đìa, ấn giềng lưới xuống đáy đìa rồi từ từ nâng lên. Cá sặc rằn, cá thác lác, cá sặc bướm được vợt lên trước. Hội đàn bà mua đìa mừng quýnh quáng khiêng từng cần xé cá đưa đi đổ xá trong lòng tam bản. Cá rô, cá lóc ở đáy lưới được vợt sau cùng, tách riêng trong những chiếc thùng sẵn nước. Cả lươn, cá trê và có cả rùa. Sản vật dư thừa, ân sủng.

Bà chủ trẻ chọn những con cá ngon nhất xuyên que và đốt giữa mớ rơm khô mang theo. Mùi cá nướng nứt mũi. Muối ớt để trong bẹ chuối, mâm là những tàu lá chuối tươi, cây sậy ven đìa bị đốn rạp để làm bữa trưa dưới tán tràm. Mùi bùn, mùi khói rơm, mùi của trời và đất yêu thương đùm bọc con người. Uống chút rượu đi các bà rồi tụi tui giúp đóng trại bên bờ kinh, giúp chọt cá rửa cá ướp cá, giúp hết, đừng có ngán. Rồi mình lại hẹn năm sau, cũng chỗ nầy, cũng cá nướng trui cũng muối mặn ớt cay như vầy như vầy. Đã đỏ mặt, đã chòng chành, còn cả tuần với nhau, đúng không các chị? Nhớ nghe, mùa đìa năm sau, nhớ nghe.

(Kiến thức gia đình số 16)

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm